Chuyện chưa kể về vụ án tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Thứ Sáu, ngày 04/07/2025 03:00 AM (GMT+7)
>> Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thay vì thực hiện hoạt động tư pháp đúng đắn theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng thì những cán bộ lẽ ra phải có đủ cả y đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ này đã để lợi ích vật chất làm mờ mắt, ảnh hưởng đến công tác kết luận giám định cũng như việc quản lý người chữa bệnh bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật.

Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Tổ chức tiệc ma túy trên bãi biển

Như Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin, trong thời gian chữa bệnh bắt buộc, vợ chồng Nguyễn Thị Mai Anh - Lê Văn Đông thường xuyên đi ra ngoài, tổ chức các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng, mời cán bộ các khoa, phòng của Viện Pháp y tâm thần Trung ương (PYTTTW) đi cùng. Sau khi tạo mối quan hệ thân thiết, Mai Anh dắt mối, đặt vấn đề với lãnh đạo Viện để "chạy" kết luận giám định tâm thần cho các đối tượng tội phạm khác.

Xác định đủ điều kiện phá án, đầu tháng 6/2025, Giám đốc CATP.Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Chuyên án chọn điểm "đột phá” bắt giữ các đối tượng khi đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Các đối tượng trong vụ án bị bắt giữ

Các đối tượng trong vụ án bị bắt giữ

Hồi 23 giờ 45 phút ngày 07/6/2025, xác định Lê Văn Đông đang tổ chức "tiệc" ma túy cho các đối tượng tại bãi biển thuộc khu du lịch Sầm Sơn, tổ công tác Ban Chuyên án đã phối hợp các lực lượng thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành bắt giữ 7 đối tượng đang sử dụng ma túy trên bãi biển, gồm: Lê Văn Đông, Ngô Việt Dũng, Trần Quốc An (điều dưỡng viên Khoa Điều trị bắt buộc nam, Viện PYTTTW), Cao Thị Bích Hằng, Trịnh Tứ Hiếu, Trần Tuấn Phương (bệnh nhân đang được áp dụng chữa bệnh bắt buộc tại Viện PYTTTW) và Nguyễn Thị Mai Anh. Tại hiện trường, cơ quan điều tra đã thu giữ tang vật gồm 0,276 gam cần sa; 0,682 gam methamphetamin, các cốc nước chứa ma túy, cần và tẩu hút, loa đài, bàn DJ và 2 xe ôtô là phương tiện các đối tượng sử dụng để di chuyển và vận chuyển loa đài.

Ngay trong đêm 07, rạng sáng 08/6/2025, tổ công tác của Ban Chuyên án đã đưa các đối tượng trên cùng 14 cán bộ, nhân viên thuộc Khoa Điều trị bắt buộc nam, Viện PYTTTW về cơ quan Công an để đấu tranh làm rõ. Căn cứ kết quả đấu tranh với các đối tượng, trong các ngày 08, 09 và 10/6/2025, đồng chí Giám đốc CATP.Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng đồng loạt tổ chức thực hiện 7 lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng có hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại Thanh Hóa và Hà Nội, mở rộng khám xét khẩn cấp tại 48 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan về hành vi đưa, nhận hối lộ.

Cơ quan Công an bắt giữ Nguyễn Thị Mai Anh và Lê Văn Đông

Cơ quan Công an bắt giữ Nguyễn Thị Mai Anh và Lê Văn Đông

Kết quả thu giữ tại nơi ở của Lê Văn Đông tại số 32 Mạc Thái Tổ, Cầu Giấy (cũ) gồm 16,227 gam cần sa, ½ viên ma túy tổng hợp, 24 tập tài liệu đựng trong các túi là hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, giấy ra viện, đơn xin xác nhận, nhận xét về bệnh tâm thần. Tại một nơi ở khác của Lê Văn Đông tại N4B Lê Văn Lương, cơ quan Công an thu giữ nhiều túi nylon chứa ma túy tổng trọng lượng 26,3 gam methamphetamin. Cơ quan Công an cũng thu giữ tại phòng điều trị nơi chữa bệnh bắt buộc của Lê Văn Đông tại Viện PYTTTW có ma túy, 2 bộ loa, 1 bộ sub là các thiết bị hỗ trợ "bay lắc" tại chỗ. Tại phòng điều trị nơi chữa bệnh bắt buộc của Nguyễn Thị Mai Anh tại Viện PYTTTW, cơ quan Công an thu giữ 1,202 gam ketamin...

Theo một lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP.Hà Nội cho biết, thời điểm tiến hành khám xét chỗ ở của các đối tượng này ở nơi đang chữa bệnh bắt buộc tại Viện PYTTTW, các trinh sát cũng thấy "choáng" khi phòng ở của cặp đôi Nguyễn Thị Mai Anh và Lê Văn Đông được ưu ái đặc biệt, bố trí ở khu riêng biệt và được trang bị khép kín, đầy đủ như phòng khách sạn. Thậm chí trong phòng của Lê Văn Đông còn trang bị các thiết bị âm thanh, ánh sáng để phục vụ cho việc "bay, lắc", sử dụng ma túy của chính Đông cùng các đối tượng phạm tội nghiện ma túy đang chữa bệnh bắt buộc tại đây, đặc biệt có sự tham gia của cả nhân viên Viện PYTTTW như Trần Quốc An (SN 1984, điều dưỡng viên Khoa Điều trị bắt buộc nam).

Tại thời điểm Cơ quan CSĐT CATP.Hà Nội thực hiện bắt giữ, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng có liên quan, xác định có 22 đối tượng có quyết định chữa bệnh bắt buộc nhưng không có mặt tại Viện PYTTTW. Trong số đối tượng này, qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy có 15 đối tượng có dấu hiệu can thiệp trái pháp luật để có kết luận giám định tâm thần không đúng quy định đã được áp dụng bắt buộc chữa bệnh nhằm mục đích trốn tránh việc xử lý hình sự theo pháp luật.

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt giữ, khởi tố đối tượng Trần Văn Trường - Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt giữ, khởi tố đối tượng Trần Văn Trường - Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Nhận tiền tỷ để "chạy" kết luận giám định

Những ngày tiếp theo, cơ quan điều tra đã đồng loạt khám xét 48 địa điểm là chỗ ở, nơi làm việc của các nghi phạm liên quan; triệu tập làm việc hơn 90 đối tượng. Đến ngày 18/6/2025, Cơ quan CSĐT CATP.Hà Nội đã khởi tố 40 bị can để điều tra về các tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Có 36 đối tượng là cán bộ, lãnh đạo, nhân viên của Viện PYTTTW bị khởi tố. Trong đó, nhóm đối tượng là lãnh đạo Viện và các khoa, phòng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ", gồm: Trần Văn Trường (SN 1973, Viện trưởng); Đặng Thị Hòa (SN 1990, cán bộ Phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học, vợ của Trần Văn Trường); Lâm Văn Thành (SN 1977, Phó Viện trưởng); Dương Văn Biết (SN 1984, Trưởng khoa Giám định); Nguyễn Tô Hiệu (SN 1984, Bác sĩ Khoa Điều trị nam); Đỗ Khắc Doanh (SN 1983, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Điều trị nam); Vũ Thị Ngọc (SN 1975, Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị nam); Tạ Trung Kiên (SN 1987, bác sĩ, quyền Trưởng khoa Điều trị nữ); Lê Ngọc Hà (SN 1985, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, bác sĩ, giám định viên); Nguyễn Hữu Lợi (SN 1989, bác sĩ Khoa Khám bệnh, giám định viên).

Cùng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" còn có 20 cán bộ điều dưỡng tại các Khoa điều trị nam và Khoa điều trị nữ. 4 đối tượng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Lê Thị Hải Hà (SN 1974, cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp), Lý Văn Xuân (SN 1963), Nguyễn Văn Ngọc (SN 1965), Đặng Hoa Bốn (SN 1964), cùng là bảo vệ. Đối tượng Nguyễn Thị Thu Hoài (SN 1985, Phó trưởng Phòng Tổ chức) bị khởi tố về tội "Môi giới hối lộ"; Trần Quốc An (SN 1984, điều dưỡng Khoa Điều trị nam) bị khởi tố về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Nguyễn Đức Hinh - Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị bắt buộc nữ

Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Nguyễn Đức Hinh - Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị bắt buộc nữ

Kết quả đấu tranh bước đầu, nhiều đối tượng là cán bộ, lãnh đạo các khoa thuộc Viện PYTTTW đã khai nhận thực hiện hành vi nhận hối lộ bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác như đi du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch cao cấp do Mai Anh và Lê Văn Đông tổ chức để thực hiện việc tạo điều kiện cho Mai Anh và Đông được ra ngoài Viện trong thời gian chữa bệnh bắt buộc mà không bị kiểm tra, thông báo về việc trốn viện; hoặc được ở phòng riêng có các điều kiện ưu ái đặc biệt tại nơi chữa bệnh bắt buộc.

Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Mai Anh đã chuyển rất nhiều tiền và nhiều trường hợp cho Viện trưởng Trần Văn Trường để "chạy" kết luận giám định tâm thần. Một số trường hợp Mai Anh nhận hàng tỷ đồng, sau đó chuyển cho Viện trưởng Trần Văn Trường hàng trăm triệu đồng. Trần Văn Trường nhận hối lộ từ Mai Anh và chia tiền cho các thành viên hội đồng giám định để viết thêm vào hồ sơ bệnh án nhiều biểu hiện của bệnh tâm thần hoặc viết không đúng về tình trạng bệnh. Từ đó nhiều người bình thường vẫn có kết luận bị tâm thần nhằm được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần, trốn tránh trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, Mai Anh còn móc nối với nhân viên khoa giám định, phòng kế hoạch tổng hợp để nắm thông tin gia đình các bị can đến giám định để liên hệ "chạy" kết luận giám định tâm thần.

Bước đầu đấu tranh, Trần Văn Trường - Viện trưởng Viện PYTTTW đã khai nhận hành vi nhận tiền để kết luận giám định pháp y tâm thần không khách quan cho đối tượng Trần Văn Cường là bị can phạm tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túỵ”.

Kết quả khám xét nơi ở của Đặng Thị Hòa, vợ của Viện trưởng Trần Văn Trường, cơ quan điều tra thu giữ số tiền mặt khoảng 4,5 tỷ đồng, 5 sổ tiết kiệm với tổng số tiền trên 3,4 tỷ đồng, 1 sổ tiết kiệm 55.294 USD, 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 8 đồng hồ, 10 miếng kim loại màu vàng (tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng). Tại chỗ ở của Lê Thị Thanh Hường, cán bộ điều dưỡng Khoa Điều trị bắt buộc nữ, Viện PYTTTW, cơ quan điều tra cũng thu giữ rất nhiều kim loại màu vàng dưới dạng miếng và trang sức nhẫn, vòng cùng 35 triệu đồng tiền mặt.

Hiện Cơ quan CSĐT CATP.Hà Nội tiếp tục đấu tranh và xử lý nghiêm với các đối tượng là cán bộ, nhân viên Viện PYTTTW cùng các đối tượng liên quan khác để làm rõ dấu hiệu "can thiệp trái pháp luật" để có kết luận giám định tâm thần không đúng quy định, giúp cho các đối tượng phạm tội trốn tránh việc xử lý theo pháp luật.

Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã khởi tố Giám đốc, Phó Giám đốc và một Phó khoa của Trung tâm pháp y tâm thần miền núi phía Bắc.

Theo Nguyên Ngọc([Tên nguồn])
  VIDEO CHỌN LỌC
Tin bài cùng sự kiện Thời sự
(Lật để xem tiếp Bài cùng sự kiện)
(Lật để xem các tin tiếp theo)
(Lật để xem các tin tiếp theo)
Dành cho phái đẹp
Lên đầu trang