Chia sẻ

Đối đầu Ấn Độ - Pakistan: Cuộc chiến 17 ngày chấn động Nam Á

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Năm 1965, Pakistan được cho là có động thái châm ngòi cho nổi dậy ở vùng Kashmir chống lại Ấn Độ, nhưng bước ngoặt bất ngờ đã xảy ra. Thay vì một cuộc nổi dậy, Nam Á khi đó chứng kiến một trong những cuộc chiến bùng nổ nhanh nhất lịch sử khu vực, nơi những cỗ xe tăng hiện đại do Mỹ sản xuất không thể vượt qua... một cánh đồng mía.

Xe tăng Pakistan không thể di chuyển do nước ngập ở cánh đồng mía năm 1965. Ảnh: Bharat Colorized

Xe tăng Pakistan không thể di chuyển do nước ngập ở cánh đồng mía năm 1965. Ảnh: Bharat Colorized

Màn thử lửa đầu tiên

Theo trang Britannica, mầm mống chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1965 bắt nguồn từ vết nứt chưa lành sau phân chia năm 1947. Kashmir – vùng đất tranh chấp lâu đời với đa số dân theo Hồi giáo – vẫn là điểm nóng thường trực dọc “Đường Kiểm soát” (LOC). Cả Ấn Độ và Pakistan đều mong muốn khẳng định chủ quyền tại đây, bất chấp những nỗ lực trung gian hoà giải quốc tế.

Sau cuộc chiến với Trung Quốc năm 1962, Ấn Độ bước vào giai đoạn tái cơ cấu quân đội và khắc phục khủng hoảng lương thực. Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri cảnh báo: “Nếu tình trạng người Pakistan thâm nhập biên giới tiếp diễn, chúng ta sẽ phải mang chiến tranh sang bên kia biên giới”.

Ở phía bên kia, Tổng thống Ayub Khan của Pakistan tự tin với nguồn viện trợ vũ khí từ Mỹ và cho rằng Ấn Độ chưa thể phục hồi sau cuộc chiến với Trung Quốc. Thời điểm đó, Mỹ viện trợ quân sự vì xem Pakistan là đối tác chiến lược để đối phó Liên Xô ở phía nam.

Từ tháng 4 đến tháng 6/1965, Pakistan mở Chiến dịch Desert Hawk (tạm dịch: Diều hâu sa mạc) nhằm thăm dò phản ứng của Ấn Độ tại vùng đầm lầy mặn Rann of Kutch, bang Gujarat, Ấn Độ. 

Quân Pakistan gồm sư đoàn bộ binh và trung đoàn xe tăng Patton (Mỹ sản xuất), chiếm giữ các cứ điểm ven biên giới. Phía Ấn Độ điều thêm lực lượng tăng viện, bắn pháo và triển khai bộ binh giao tranh trực tiếp để giữ vị trí.

Dù chỉ là xung đột cục bộ, việc đụng độ kéo dài 2 tháng đã củng cố niềm tin của giới chỉ huy Pakistan vào sức mạnh của vũ khí Mỹ và rằng Ấn Độ còn yếu. Từ đó, họ tính toán cho những bước leo thang tiếp theo.

"Quả bom hẹn giờ" thất bại

Binh sĩ Pakistan năm 1965. Ảnh: Mydust

Binh sĩ Pakistan năm 1965. Ảnh: Mydust

Chưa đầy 2 tháng sau, Pakistan triển khai Chiến dịch Gibraltar vào tháng 8/1965.

Theo Sputnik News, đêm 5/8, khoảng 7.000 - 30.000 quân Pakistan mặc thường phục vượt đường kiểm soát LOC vào khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở bang Jammu và Kashmir, với mục đích kích động nổi dậy.

Tuy nhiên, kế hoạch của Pakistan nhanh chóng phá sản khi người dân địa phương nhanh chóng báo cho quân đội Ấn Độ, khiến nhiều toán xâm nhập bị hạ hoặc bị bắt giữ. 

Thủ tướng Ấn Độ Shastri lập tức ra lệnh phản công, không chỉ đẩy lùi các nhóm xâm nhập mà còn chiếm giữ đèo Haji Pir – tuyến đường chiến lược nối vùng Poonch với thị trấn Uri (ở Jammu và Kashmir), rút ngắn hành trình xuống thủ phủ Srinagar của bang Jammu & Kashmir hơn 200 km.

Loạt trận đánh tiêu biểu

Theo trang Britannica, tại bang Punjab, Ấn Độ, ngày 6/9/1965, quân đội Ấn Độ mở chiến dịch vượt biên giới tấn công ngoại ô thành phố Lahore và thành phố Sialkot (đều của Pakistan). 

Trong đợt phản công của Pakistan 2 ngày sau đó, một sư đoàn thiết giáp (khoảng 220 xe tăng Patton) đã đột kích thị trấn Khem Karan, Ấn Độ, sẵn sàng nghiền nát mọi thứ cản đường.

Theo trang Defence Update, lực lượng tấn công của Pakistan áp đảo hoàn toàn tuyến phòng thủ của Ấn Độ cả về quân số lẫn xe tăng. Trung tướng Harbaksh Singh, chỉ huy lực lượng phòng thủ Ấn Độ, đứng trước hai lựa chọn: Rút lui hoặc giữ vững trận địa. Ông Singh đã chọn phương án thứ 2 – tái bố trí lực lượng theo hình chữ U bao quanh làng Asal Uttar, thuộc thị trấn Khem Karan, nhằm đánh vào xe tăng đối phương từ 3 hướng cùng lúc.

Lợi dụng bóng tối, binh sĩ Ấn Độ cho ngập nước các cánh đồng mía, dụ xe tăng của quân Pakistan tiến vào. Tưởng rằng quân Ấn đã rút lui, xe tăng Pakistan bị dẫn dụ tiến sâu vào khu vực mai phục hình chữ U. Những cánh đồng mía ngập nước khiến các xe tăng Patton bọc thép hạng nặng của Pakistan bị sa lầy và mắc kẹt trong lớp bùn nhão. Toàn bộ lực lượng thiết giáp của Pakistan – 220 xe tăng – bị tê liệt tại chỗ.

Ngay lúc đó, binh sĩ và xe tăng của quân đội Ấn Độ đồng loạt mở đợt phản công dữ dội. Những ruộng mía cao giúp lực lượng Ấn Độ ẩn nấp trong đội hình chữ U mà vẫn tiếp cận rất gần với xe tăng Pakistan. Theo trang Defence Update, trong số 220 xe tăng Patton của Pakistan, có 170 chiếc bị phá hủy hoặc bị bỏ lại. Một số tư liệu cho rằng số xe tăng Pakistan thiệt hại là 97 chiếc. Quân Ấn Độ chỉ bị hư hại 32 xe tăng.

Cảnh tượng xác xe tăng nằm la liệt đến mức thị trấn này được đặt biệt danh là “Patton Nagar” (tạm dịch: Mồ chôn xe tăng Patton).

Xe tăng Patton của Pakistan bị Ấn Độ thu giữ sau trận Asal Uttar năm 1965. Ảnh: Alchetron

Xe tăng Patton của Pakistan bị Ấn Độ thu giữ sau trận Asal Uttar năm 1965. Ảnh: Alchetron

Tiếp đó, ở trận Phillora, trung đoàn cơ giới số 43 phối hợp với trung đoàn thiết giáp Poona Horse của Ấn Độ – sử dụng xe tăng Centurion – tiêu diệt thêm khoảng 60 xe tăng Patton, trong khi chỉ mất 18 xe tăng Sherman và xe tăng Centurion.

Theo trang Chegg India, đỉnh điểm trong cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan 1965 là trận Chawinda vào ngày 17/9 – cuộc đụng độ xe tăng lớn nhất kể từ Thế chiến II, với sự tham gia của hơn 500 xe tăng.

Trung đoàn thiết giáp Poona Horse (Ấn Độ), dưới quyền chỉ huy của trung tá Ardeshir Burzorji Tarapore, đã sử dụng đội hình thiết giáp cơ động và hỏa lực vượt trội để phá hủy khoảng 60 xe tăng Pakistan. Ấn Độ tuyên bố mất khoảng 29 xe tăng.

Theo một số nhà phân tích, trận Chawinda tuy có quy mô xe tăng rất lớn, nhưng không diễn ra theo kiểu đối đầu trực diện toàn diện giữa hàng trăm xe tăng cùng lúc. Địa hình, chiến thuật phòng ngự, cách điều động lực lượng theo từng đợt, và khái niệm “thiệt hại” trong chiến tranh hiện đại đã khiến tổng số xe tăng bị phá hủy không lớn như con số tham chiến.

Bên cạnh các trận bộ binh và thiết giáp, Không quân Ấn Độ và Pakistan liên tục chạm trán trên bầu trời, trong khi Hải quân Pakistan thực hiện vụ bắn phá radar Dwarka (bang Gujarat, Ấn Độ) nhằm gây rối thông tin liên lạc.

Ai thực sự thắng?

Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri (bên phải) gặp Tổng thống Pakistan Muhammad Ayub Khan trước khi hai bên ký Tuyên bố Tashkent, sau cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan năm 1965. Ảnh: Times of India

Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri (bên phải) gặp Tổng thống Pakistan Muhammad Ayub Khan trước khi hai bên ký Tuyên bố Tashkent, sau cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan năm 1965. Ảnh: Times of India

Cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan 1965 chính thức kết thúc sau khi Liên Hợp Quốc ra nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vào ngày 22/9/1965, trong bối cảnh cả hai bên đều đối mặt với nguy cơ sa lầy. 

Dù có nhiều lợi thế trên thực địa, Ấn Độ buộc phải cân nhắc thiệt hại kinh tế, sức ép quốc tế và nguy cơ chiến tranh kéo dài, đặc biệt là khi Liên Xô – đối tác ngoại giao quan trọng – đứng ra làm trung gian hòa giải. 

Tháng 1/1966, Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri và Tổng thống Pakistan Ayub Khan ký Tuyên bố Tashkent tại Uzbekistan, với Liên Xô làm trung gian. Hai nước cam kết rút quân về vị trí lãnh thổ có từ trước ngày 5/8/1965. 

Tuy nhiên, vùng Kashmir – nguyên nhân chính của cuộc chiến – lại không được đề cập trong văn bản, khiến căng thẳng âm ỉ tiếp tục kéo dài.

Dữ liệu từ trang Chegg India cho thấy Ấn Độ kiểm soát 1.840 km² lãnh thổ đối phương khi ngừng bắn, so với 540 km² của Pakistan. Tuy nhiên, The Tribune nhận định: "Cả hai đều tuyên bố thắng lợi, nhưng sự thật là Kashmir vẫn nguyên vẹn". Thương vong phía Ấn khoảng 3.000 lính, Pakistan mất 3.800 lính.

Trang Chegg India cũng nhận định, tình báo quân sự của cả hai bên đều thất bại nghiêm trọng. Tình báo quân đội Ấn Độ đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về cuộc tấn công từ Pakistan, trong khi tình báo Pakistan lại không hiểu đúng tâm lý người dân Kashmir – những người đã báo tin cho quân đội Ấn Độ, làm phá sản chiến dịch Gibraltar của Pakistan.

----------------------

Trong chưa đầy 2 tuần, một cuộc chiến khốc liệt đã xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan, định hình lại bản đồ chính trị Nam Á khi khai sinh ra một quốc gia mới. Cuộc chiến đó khốc liệt ra sao? Mời độc giả cùng đón đọc bài tiếp theo đăng vào trưa 14/5 để cùng tìm hiểu.

Chỉ vài tuần sau ngày độc lập năm 1947, hai quốc gia non trẻ Ấn Độ - Pakistan đã lao vào cuộc xung đột đẫm máu tại...

Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Các cuộc chiến tranh đáng chú ý giữa Ấn Độ và Pakistan

Xem Thêm