Chia sẻ

Ấn Độ cảnh báo đanh thép tới Pakistan

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ấn Độ phản ứng cứng rắn trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ “tự hào” vì vai trò trung gian của Mỹ giúp Ấn Độ và Pakistan đạt được lệnh ngừng bắn.

Xe ô tô ở Kashmir (khu vực do Ấn Độ kiểm soát) bị hư hại do Pakistan pháo kích trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực (ảnh: Reuters)

Xe ô tô ở Kashmir (khu vực do Ấn Độ kiểm soát) bị hư hại do Pakistan pháo kích trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực (ảnh: Reuters)

Bình luận trên mạng xã hội Truth hôm 11/5, Tổng thống Mỹ Trump cho biết, ông “tự hào” vì Mỹ có thể giúp Ấn Độ và Pakistan đạt được lệnh ngừng bắn có hiệu lực “ngay lập tức” từ ngày 10/5.

“Tôi rất tự hào về sự lãnh đạo mạnh mẽ và kiên định của Ấn Độ và Pakistan. Họ có đủ sức mạnh, trí tuệ và nghị lực để biết và hiểu rõ ràng rằng, đã đến lúc chấm dứt cuộc xung đột hiện nay”, ông Trump viết.

“Tôi cũng rất tự hào vì Mỹ có thể giúp các bạn đi đến quyết định lịch sử và dũng cảm này”, ông Trump bình luận.

Trong bài viết, ông Trump cho biết, Mỹ đang cân nhắc xem liệu có thể giúp Ấn Độ và Pakistan giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở vùng Kashmir hay không.

“Tôi sẽ làm việc với cả hai bên để xem liệu sau ‘một nghìn năm’, chúng ta có thể tìm được giải pháp liên quan đến vấn đề Kashmir hay không”, ông Trump bình luận.

Thủ tướng Pakistan – ông Shebaz Sharif – đã gửi lời cảm ơn và hoan nghênh thiện chí hòa giải của ông Trump.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Pakistan Shebaz Sharif (ảnh: ANI)

Từ trái qua phải: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Pakistan Shebaz Sharif (ảnh: ANI)

Tuy nhiên, quan điểm của Ấn Độ rất rõ ràng. New Delhi muốn kiểm soát hoàn toàn vùng Kashmir và không cần Washington làm trung gian hòa giải, India Today hôm 11/5 đưa tin.

“Chúng tôi có lập trường rất rõ ràng về Kashmir. Chỉ còn một vấn đề duy nhất, đó là Pakistan phải trả lại vùng Kashmir đang bị chiếm đóng. Không còn gì khác để bàn thêm. Nếu họ muốn nói về việc giao nộp các phần tử khủng bố, chúng tôi sẵn sàng đối thoại. Ngoài ra, chúng tôi không có ý định thảo luận về bất kỳ chủ đề nào khác. Chúng tôi không cần và cũng không muốn bất kỳ bên thứ 3 nào can thiệp về vấn đề này”, India Today dẫn nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ.

Nghị sĩ Ấn Độ Manish Tewari cũng cho rằng, cần có người “nhắc nhở” ông Trump về lịch sử vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir.

“Ai đó trong chính phủ Mỹ cần nghiêm túc nhắc nhở ông Trump rằng Kashmir không phải là cuộc xung đột kéo dài một nghìn năm. Vấn đề bắt đầu từ ngày 22/10/1947, tức là 78 năm trước, khi Pakistan tấn công Phiên quốc Jammu và Kashmir. Sau đó, vua Maharaja Hari Singh đồng ý sáp nhập lãnh thổ vào Ấn Độ ngày 26/10/1947. Phần lãnh thổ này bao gồm cả những khu vực Pakistan đang chiếm đóng trái phép. Sự thật này không có gì khó hiểu, đúng không”, ông Tewari bình luận trên mạng xã hội X, đề cập đến vua Maharaja Hari Singh – người ký văn kiện sáp nhập vùng Jammu và Kashmir vào Ấn Độ.

Cùng ngày 11/5, trong cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Ấn Độ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn.

“Ông Vance đã gọi điện và nói chuyện với Thủ tướng Modi. Ông Modi đã nói rõ rằng, nếu họ (Pakistan) tấn công, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn”, một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ nói với India Today.

Hindustan Times hôm 11/5 đưa tin, Chiến dịch Sindoor của Ấn Độ chưa kết thúc.

Hôm 11/5, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã chủ trì cuộc họp với Ngoại trưởng Jaishankar, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh, Tổng tham mưu trưởng Anil Chauhan cùng nhiều quan chức quân sự cấp cao khác.

Trong cuộc họp, ông Modi đã chỉ đạo quân đội Ấn Độ đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ hành động sai lầm nào của Pakistan.

“Chiến dịch Sindoor chưa kết thúc. Ấn Độ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Pakistan vi phạm”, Hindustan Times dẫn nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ.

Reuters hôm 11/5 dẫn 4 nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn năm 1960 vẫn bị Ấn Độ đình chỉ, bất chấp lệnh ngừng bắn với Pakistan.

Ấn Độ - Pakistan bất ngờ đạt được “hiểu biết chung” và đồng ý ngừng bắn ngay lập tức sau khi tập kích lẫn nhau bằng tên...

Theo Vương Quốc – India Today, Hindustan Times ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan

Xem Thêm