Tận dụng trời mưa, 9x đút túi hàng chục tỉ/năm
Nhờ ý tưởng kinh doanh khác biệt, 9x này đã biến một mặt hàng bình thường trở thành “nam châm hút tiền”.
Bỏ lương hàng chục triệu/tháng về quê kiếm sống nhờ… thời tiết
Ngô Địch - một chàng trai sinh năm 1995 tại Trung Quốc khiến nhiều người đồng trang lứa phải ghen tị khi tạo ra doanh thu lên đến 25 triệu NDT (gần 87 tỷ đồng)/năm nhờ một mặt hàng vô cùng bình dân - áo mưa.
Ông chủ 9x này đã có gần 6 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất trang phục đi mưa và có một nhà máy sản xuất tại Đồng Thành, An Huy. Khu vực này thuộc vành đai công nghiệp bao bì và được mệnh danh là “quê hương của nhựa”.
Nhà máy sản xuất áo mưa của Ngô Địch
Trước đây, anh từ bỏ công việc với mức lương 10.000 NDT (34,7 triệu đồng)/tháng tại thành phố để trở về quê hương, sau đó mở một cửa hàng online chuyên về các sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong hai năm đầu, anh đã bị lỗ mất 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng).
Dù vậy, Ngô Địch vẫn muốn gắn bó với cửa hàng trực tuyến bởi nền tảng và sản phẩm đều không có vấn đề. Anh nhận ra vấn đề cốt lõi nằm ở chuỗi cung ứng. Vì vậy, anh quyết định tự điều hành một nhà máy để kiểm soát chi phí và có lợi thế trong cuộc chiến về giá.
Biến đồ che mưa tầm thường thành “gà đẻ trứng vàng”
Nếu như trước kia, áo mưa chỉ đơn thuần là vật dụng để đi mưa thì ngày nay, mặt hàng này đã được nâng cấp đa dạng hơn về kiểu dáng, chất liệu lẫn chức năng. Người ta sử dụng áo mưa để đi du lịch dã ngoại, rửa và chăm sóc xe, làm việc ngoài trời, thậm chí nhiều người còn mặc áo mưa được thiết kế đặc biệt để tham gia các buổi hòa nhạc ngoài trời với thần tượng. Thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton cũng từng cho ra mắt mẫu áo mưa có giá hơn 20.000 NDT (69,5 triệu đồng).
Ở Trung Quốc hiện tại, nếu bạn gõ cụm từ “áo mưa dùng một lần” trên Xiaohongshu (một nền tảng mua sắm kết hợp video ngắn), bạn sẽ thấy rằng sản phẩm này không còn là một trang phục đi mưa đơn thuần.
Cư dân mạng Trung Quốc coi đây là một phụ kiện thời trang, một món đồ không thể thiếu trong các buổi hòa nhạc ngoài trời và các lễ hội âm nhạc. Những chiếc áo mưa này có thiết kế giống áo khoác dài, chủ yếu có màu trơn hoặc trong suốt. Vành áo rộng, tay áo được thiết kế riêng để cử động tay dễ dàng. Ngoài ra, áo có thể gấp rất gọn, giúp người dùng dễ dàng mang theo hoặc lưu trữ.
Những chiếc áo mưa dùng một lần do nhà máy của Ngô Địch sản xuất cũng có kiểu dáng tương tự. Họ đã thiết kế 7 màu trơn và hai kiểu dáng dành cho người lớn và trẻ em. Giá của mỗi sản phẩm dao động từ 3-12 NDT (10.000 - 48.000đ) tùy thuộc vào chất liệu.
Theo truyền thống, áo mưa dùng một lần thường nhẹ và dễ rách, có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy không thoải mái khi sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, Ngô Địch đã thay thế vật liệu PE (polyethylene) thông thường bằng vật liệu EVA (Ethylene Vinyl Acetate Copolymer), tuy có giá thành đắt gấp đôi nhưng giúp áo mưa có kết cấu mờ, đảm bảo mức độ riêng tư nhất định. Đồng thời, vật liệu này cũng giúp áo mưa giữ phom tốt hơn. Theo Ngô Địch chia sẻ, dù tên là “áo mưa dùng một lần”, nhưng nhờ nâng cấp về vật liệu, độ dẻo dai và độ bền cũng tăng lên, có thể tái sử dụng 5-6 lần.
Ngô Địch còn thêm dây chun vào cổ tay áo để ngăn nước và gió, đồng thời nâng cấp thêm về mặt bao bì để tạo sự tiện lợi cho người dùng. Từ năm 2024, nhà máy của anh đã bán ra 1 triệu chiếc áo mưa mỗi tháng.
Theo ông chủ 9x chia sẻ, chu kỳ bán áo mưa khá dài và từ tháng 2 đến tháng 11 hàng năm là bán chạy nhất. Vào mùa mưa tháng 7 và tháng 8 hàng năm, doanh số bán hàng đạt đỉnh. Đơn hàng của nhà máy tăng mạnh, lượng đơn hàng tối đa có thể xuất xưởng trong một ngày là 40.000 đơn.
Là một doanh nhân "kiếm sống dựa vào thời tiết", Ngô Địch thường theo dõi sát sao dự báo thời tiết để ứng phó với lượng đơn hàng tăng đột biến.
Ngoài ra, cũng có một số xu hướng mới nổi lên trong ngành áo mưa suốt những năm qua. Ngoài người lớn và trẻ em, một số doanh nghiệp còn hướng đến thị trường thú cưng và phát triển sản phẩm áo mưa cho thú cưng.
Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, chất liệu của áo mưa cũng được cải tiến. Áo mưa được làm từ một số vật liệu mới, thân thiện với môi trường, chống thấm nước, thoáng khí và chống nắng. Khi nói đến áo mưa trẻ em, người tiêu dùng hiện nay yêu cầu cả thiết kế đẹp mắt lẫn chất liệu an toàn. “Không mùi” và “không có formaldehyde” đã trở thành hai yếu tố chính quyết định sản phẩm có được khách hàng “chốt đơn” hay không.
Sau 4 năm phải gồng lỗ và thất bại liên tiếp, người đàn ông này đã kiên trì đến cùng và khai phá được bí quyết chăn nuôi...