Bắt sâu đem bán mà ngồi đếm tiền mỏi tay
Dù hình thù gớm ghiếc nhưng những loài sâu này lại là “mỏ vàng” mang lại thu nhập tốt cho nhiều người.
Sâu thường được biết đến là loại côn trùng phá hại mùa màng, cây cối. Tuy nhiên trong lĩnh vực ẩm thực, một số loại sâu lại được coi là đặc sản hấp dẫn, có giá bán cao ngất ngưởng.
Sâu muồng chính là một ví dụ điển hình. Đây là loại sâu hình thành và sinh trưởng trên tán lá của cây muồng, chúng là món đặc sản đắt khách ở Tây Nguyên.
Mỗi năm, sâu muồng chỉ xuất hiện trong khoảng cuối tháng 3 - đầu tháng 4 hàng năm. Cả sâu và nhộng đều có thể chế biến thành món ăn hấp dẫn.
Sau khi bắt, người ta sẽ đem luộc nhộng lên rồi đem bán, còn sâu thì phải chờ một thời gian để tiến hóa thành nhộng.
Hiện nhộng muồng có giá khá cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg đối với nhộng chưa chế biến.
Nhộng đã qua sơ chế thì sẽ có giá cao hơn, khoảng 140.000 - 180.000 đồng/kg.
Trung bình, một người đi bắt nhộng sâu muồng sẽ thu được từ 4 - 5kg/ngày. Mỗi ngày, “thợ” bắt sâu có thể kiếm được hàng trăm ngàn đồng từ việc thu hoạch và bán “thành phẩm”.
Ngoài ra, người dân vùng Tây Nguyên còn săn nhộng sâu muồng để làm thực phẩm dự trữ.
Nếu như ở Việt Nam có sâu muồng thì ở Nam Phi, sâu bướm Mopane cũng được coi là đặc sản bổ dưỡng dù hình thù rất gớm ghiếc. Đáng chú ý, loài sâu này có giá đắt hơn cả… tôm hùm.
Sâu Mopane là món đặc sản ở vùng Zimbabwe. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sâu mopane có hàm lượng protein gấp 3 lần thịt bò.
Ngoài ra, chúng còn cung cấp cho cơ thể người nhiều chất dinh dưỡng có lợi như kali, natri, canxi, phốt pho, magie, kẽm, mangan, đồng.
Do đó, việc buôn bán loại sâu bướm này đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá triệu USD ở nước ngoài.
Trên trang Amazon, sâu Mopane sấy khô được bán với giá 0,6 USD/gram (135 nghìn đồng/gram). Tính ra, 1kg sẽ có giá khoảng 600 USD (13,5 triệu đồng). Vị của chúng giống như khoai tây chiên muối và rất giòn.
Người dân các nước Nam Phi thường thu hoạch sâu bướm sau bão. Kích cỡ trung bình của sâu bướm trưởng thành dài khoảng gần một bàn tay và to cỡ một điếu xì gà.
Dù giá rất đắt nhưng sâu Mopane vẫn được nhiều người săn lùng. Loài côn trùng này sau khi phơi khô có thể ăn được luôn.