Dòng người rước tượng Phật suốt 4 km trên đường TP HCM
Dòng người xếp hàng rước tượng Đức Phật sơ sinh trên chặng đường 4 km từ chùa Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự mừng lễ Phật đản, tối 5/5.
Lúc 20h30, sau hơn một tiếng di chuyển, tượng kim thân Đức Phật sơ sinh được rước đến Việt Nam Quốc Tự - lễ đài chính của lễ Phật đản.
Đây là một trong những hoạt động mở đầu tuần lễ Phật đản (Phật lịch 2569) do Ban Văn hóa Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM tổ chức.


Trước đó, tượng kim thân Đức Phật sơ sinh được các nhà sư cung thỉnh lên kiệu, khởi hành từ tổ đình Ấn Quang trên đường Sư Vạn Hạnh. Trước khi thỉnh lên kiệu, các tăng ni đọc kinh cầu nguyện. Trên tay mỗi sư cầm theo một bức tượng Đức Phật sơ sinh.
Lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời. Ngài xuất thân là thái tử Tất Đạt Đa, Vương tộc Thích Ca, được cho là sinh vào ngày Rằm tháng tư năm 624 trước tây lịch (theo Nam tông); mùng 8/4 (theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Theo thông lệ, hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng tư, hầu hết nước có Phật giáo và các phật tử long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, lễ Phật đản vào 15/4 đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.
Kiệu kim thân Đức Phật sơ sinh di chuyển chậm rãi trên đường Ba Tháng Hai, theo sau là dòng người cung rước. Hai bên đường, đông đúc người dân ra chiêm bái Đức Phật, thành kính cầu nguyện mỗi khi tượng ngài đi qua.
Lộ trình di chuyển kiệu thỉnh Đức Phật dài khoảng 4 km, từ Tổ Đình Ấn Quang - Sư Vạn Hạnh - Ngô Gia Tự - Vòng Xoay Lý Thái Tổ - Điện Biên Phủ - Cao Thắng - Ba Tháng Hai - Việt Nam Quốc Tự.


Dòng người cầm theo cờ Phật giáo, đèn hoa, đài sen, kiệu hoa đi chậm rãi trong tiếng chuông trống và kiền chùy ngân vang.
Các tăng ni cầm theo tượng Đức Phật đản sinh đứng trên hoa sen - loài hoa biểu tượng của Phật giáo, trang nghiêm cung rước Ngài về lễ đài. Theo quan niệm nhà Phật, khi đức Phật sinh ra đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót.
Theo sau các nhà sư là dòng người trong bộ cổ phục, cầm theo tượng Phật di chuyển trên đường.
Trong bộ cổ phục, Cẩm Ly cùng mọi người cung rước Đức Phật trên đường. "Tôi rất vinh dự khi được góp mặt trong hoạt động quan trọng của lễ Phật Đản", nữ sinh nói.
Năm nay lễ rước có khoảng 40 đoàn xe hoa của các ban chuyên môn, đại diện các hệ phái, Ban Trị sự GHPGVN TP Thủ Đức và các hệ phái khác nhau như: Phật giáo Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ... tham gia.
Mỗi khi xe hoa chở tượng Phật đi qua, bà Nguyễn Thị Nhàn (quận Tân Phú) thành tâm chắp tay khấn vái. "Đức Phật đản sinh là ngày lễ rất quan trọng với người theo Phật giáo. Cá nhân tôi năm nào cũng ra trước chùa Việt Nam Quốc Tự cùng đón rước ngài", người phụ nữ 65 tuổi nói.
Khi đến cổng chùa Việt Nam Quốc Tự, tượng được đưa xuống xe, di chuyển lên khu lễ đài chính ở sân trước chánh điện để thực hiện nghi thức tắm Phật.


Tượng được đặt xuống khu vực lễ đài để các hoà thượng tụng kinh, niêm hương trong khoảng 10 phút. Sau đó, lần lượt mọi người thực hiện nghi thức mộc dục, tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, nhằm tái hiện hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc Ngài vừa đản sinh.
Nghi thức tắm Phật ở Việt Nam lần đầu tiên được tiến hành dưới thời vua Lý Thánh Tông, sau đó trở thành nghi lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam trong đại lễ Phật đản.
Bên dưới sân chùa, hàng trăm tăng ni, phật tử cùng người dân chắp tay đọc kinh.
Trong tuần Phật đản tại Việt Nam Quốc tự sẽ diễn ra lễ khai mở chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, bắt đầu lúc 14h ngày 6/5 và kéo dài đến ngày 10/5.
Các phiên bản tượng Phật từ thời Lý đến thời Nguyễn được phỏng dựng chi tiết, trưng bày trong Đại lễ Vesak 2025.