Chủ tịch tỉnh có thể trực tiếp chỉ đạo cấp xã khi cần thiết
Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cấp xã trong trường hợp cần thiết.
Sáng 7/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo Điều 11 của dự thảo, trong những tình huống cần thiết, chính quyền cấp tỉnh có thể trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc và cả UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đồng tình với đề xuất này trong bối cảnh không còn cấp huyện, nhiều chức năng được chuyển giao về cấp xã. Điều này đặt ra thách thức lớn khi năng lực bộ máy cấp xã còn chưa đồng đều, trong khi quy mô và khối lượng công việc gia tăng đáng kể.
Do đó, việc tăng cường vai trò của chính quyền cấp tỉnh là cần thiết để bảo đảm sự thông suốt trong quản lý, xử lý hiệu quả công việc cho người dân, doanh nghiệp và duy trì hiệu lực hành chính. Chính quyền cấp tỉnh cũng được giao trách nhiệm giám sát, hỗ trợ kịp thời khi chính quyền cấp xã gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, dự luật quy định theo hướng chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, phường. Ngoài ra, cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn tỉnh.
Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư ở địa phương.
Toàn quốc hiện có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 696 quận, huyện. Trung ương thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm từ 10.035 còn hơn 3.320 đơn vị hành chính cấp xã (tương đương 66,91%).
Dự án Luật này sẽ được thảo luận hội trường vào ngày 14/5 và thông qua trong đợt hai của kỳ họp diễn ra vào tháng 6.
Bộ Chính trị đã có chỉ đạo trong lần sắp xếp này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh...