Tỷ phú Hong Kong một tay dựng đế chế hàng chục tỷ USD và cảnh 3 con trai đấu đá, tranh giành quyền lực
Trong số những người giàu nhất Hong Kong một thời, tỷ phú Quách Đắc Thắng là một trong những người giàu nhất nhưng lại sớm qua đời nhất. Sự ra đi của ông dẫn đến các cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ của ba người con trai. Vụ việc từng gây rúng động ở Hong Kong, tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Tỷ phú Hong Kong Quách Đắc Thắng trong ảnh chụp năm 1978.
Tập đoàn Sun Hung Kai do tỷ phú Quách Đắc Thắng (Kwok Tak Seng) thành lập là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Hong Kong (Trung Quốc) với tổng trị giá tài sản cao nhất lên tới 40 tỷ USD. Trước khi qua đời vào năm 1990, ông Quách là người giàu thứ ba Hong Kong, sau tỷ phú Lý Gia Thành và Lý Triệu Cơ.
Sự khởi đầu của người giàu thứ ba Hong Kong
Sinh năm 1911 tại Macau và lớn lên ở thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, ông Quách từ nhỏ đã sớm bộc lộ tư chất thông minh và óc kinh doanh nhạy bén. Sau khi học xong tiểu học tại một trường tư thục ở quê nhà, ông theo cha mở tiệm “Hồng Xương Hào” chuyên bán buôn và bán lẻ hàng tạp hóa. Nhờ trí nhớ tốt và sự chăm chỉ, ông nhanh chóng nắm bắt các bí quyết buôn bán và mở rộng hoạt động ra nhiều thành phố như Quảng Châu, Thượng Hải.
Khi Nhật Bản tấn công Trung Quốc trong Thế chiến 2, gia đình ông buộc phải chạy sang Macau lánh nạn rồi sau đó định cư tại Hong Kong. Lúc ấy, ông không biết tiếng Anh hay phổ thông, chỉ nói được tiếng địa phương vùng Thạch Kỳ. Tuy nhiên, bằng sự cần cù và kỹ năng giao tiếp khéo léo, ông dần tạo được chỗ đứng ở nơi đất khách.
Năm 1946, ông Quách mở tiệm “Hồng Hưng Hợp Ký” ở khu Thượng Hoàn, chuyên bán buôn hàng tiêu dùng và sau này trở thành “Hồng Xương” – nơi ông được mệnh danh là “Vua hàng ngoại” khi hàng hóa của ông vươn xa đến khắp các tỉnh Trung Quốc và Đông Nam Á.
Hành trình xây dựng đế chế bất động sản
Cột mốc bước ngoặt đến vào cuối thập niên 1950 khi ông có cơ duyên gặp gỡ lãnh đạo công ty YKK Nhật Bản – thương hiệu khóa kéo hàng đầu thế giới. Ấn tượng với sự trung thực của ông Quách, YKK trao quyền phân phối độc quyền tại Hong Kong cho “Hồng Xương”. Khi ngành dệt may Hong Kong bùng nổ, nhu cầu khóa kéo tăng cao, ông nhanh chóng tận dụng hệ thống phân phối sẵn có để khuếch trương kinh doanh, đạt doanh thu hàng triệu đô mỗi năm.
Sau đó, ông tiếp tục phân phối sợi nylon của Đài Loan và Nhật Bản – sản phẩm thay thế các nguyên liệu truyền thống như dây gai, dây thừng. Lợi nhuận ngày càng tăng giúp ông dần gia nhập hàng ngũ tài phiệt Hong Kong.
Năm 1958, ông Quách chính thức bước vào lĩnh vực bất động sản khi thành lập Công ty Vĩnh Nghiệp, khởi đầu với hoạt động phá dỡ nhà cũ xây mới, mua bán đất đai và khách sạn. Đến năm 1963, ông bắt tay với hai nhân vật nổi tiếng là ông Lý Triệu Cơ (Li Ka Shing) và ông Phùng Cảnh Hỷ (Fung King Hey) để sáng lập Công ty TNHH Tân Hưng Cơ (Sun Hung Kai Enterprises) – tiền thân của đế chế Sun Hung Kai Properties (SHKP) sau này. Ông Quách, với vai trò chủ tịch và cổ phần chi phối 40%, dẫn dắt công ty vươn lên mạnh mẽ.
Ba anh em Raymond Kwok, Walter Kwok, và Thomas Kwok trong ảnh chụp năm 2004.
Chiến lược đột phá của ông là mô hình bán căn hộ theo phương thức “chia tầng, trả góp 10 năm” – giúp người dân trung lưu dễ tiếp cận nhà ở. Hàng loạt cao ốc được bán sạch trong thời gian ngắn. Ông và hai cộng sự nhanh chóng được mệnh danh là “Tam kiếm khách” trong giới bất động sản Hong Kong.
Chỉ trong vòng 7 năm (1965–1972), công ty đã bán được lượng bất động sản trị giá hơn 565 triệu HKD (khoảng 72 triệu USD, hơn 1.800 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay) – đặt nền móng cho một đế chế địa ốc khổng lồ. Sau khi “Tam kiếm khách” chia tay, ông Quách đổi tên công ty thành “Sun Hung Kai Properties” và đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán giữa cơn sốt chứng khoán năm 1972. Dự kiến gọi vốn 1 tỷ HKD, ông thu về hơn 10 tỷ từ lượng đăng ký gấp 10 lần – tạo cú hích lớn cho tài sản gia đình.
Bước sang thập niên 1980, ông Quách tiếp tục dẫn đầu làn sóng phát triển các khu đô thị mới, đặc biệt là trung tâm thương mại New Town Plaza tại Sa Điền – được Nữ hoàng Anh đích thân đến thăm vào năm 1984. Dù đến cuối thập niên 1980, ông dần lui về hậu trường, nhưng vẫn mỗi ngày đến công ty làm việc, theo dõi mọi diễn biến và lên kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực truyền hình, giao thông và cơ sở hạ tầng.
Qua đời và cảnh 3 con trai đấu đá quyền lực
Ngày 30/10/1990, ông Quách Đắc Thắng qua đời vì lên cơn đau tim ở tuổi 79, để lại tài sản khổng lồ cho 3 người con trai: Quách Huệ Hành (Walter), Quách Huệ Đường (Thomas) và Quách Huệ Chính (Raymond). Con trai cả Walter tiếp quản vai trò Chủ tịch kiêm CEO của SHKP. Tuy nhiên, bi kịch gia tộc không đến từ thị trường mà từ chính những mâu thuẫn nội bộ.
Một khu đất do Sun Hung Kai đầu tư và xây dựng ở Hong Kong.
Năm 1997, ông Walter bị bắt cóc bởi “đại ca xã hội đen” Hong Kong là Trương Tử Cường (Cheung Tze-keung), biệt danh “Đại Hòa Thượng”. Trong suốt một tuần, ông bị nhốt trong một chiếc hộp gỗ tại một căn nhà ở vùng nông thôn, bị đánh đập và lột đồ. Người mẹ, bà Quách Thiệu Hành, đã bí mật gặp gỡ Trương để thương lượng chuộc con trai. Cuối cùng, gia đình phải chi ra khoản tiền chuộc khổng lồ: 600 triệu HKD (77 triệu USD ngày nay) – số tiền chuộc cao nhất lịch sử Hong Kong. Không lâu sau đó, Trương và đồng bọn bị bắt. Trương bị xử bắn tại Trung Quốc đại lục vào năm 1998.
Sự kiện đó làm dấy lên bất ổn trong gia đình. Dù được cứu thoát, ông Walter dường như không còn được tin tưởng tuyệt đối. Năm 2008, cuộc chiến quyền lực chính thức bùng nổ khi hai người em – Thomas và Raymond – cùng mẹ ruột bất ngờ “lật đổ” ông Walter, viện dẫn lý do ông bị rối loạn tâm thần và không còn đủ năng lực điều hành. Walter phủ nhận gay gắt và kiện ngược hai em vì phỉ báng danh dự qua các bức thư gửi mẹ và hội đồng quản trị.
Tâm điểm của mâu thuẫn còn xoay quanh chuyện tình cảm của ông Walter với nữ luật sư hơn tuổi Ida Tong Kam-hing – người từng bị cha ông phản đối từ thời trẻ. Sau vụ bắt cóc, mối quan hệ này lại gây chú ý và ông bị cáo buộc muốn đưa bà Ida vào ban lãnh đạo SHKP. Báo chí Trung Quốc khi đó gọi bà Ida là “Camilla của Hong Kong”, ám chỉ mối tình dài như giữa Thái tử Charles của nước Anh và bà Camilla trước khi cưới Công nương Diana. Bà bị miêu tả là người mạnh mẽ, hay gây gổ với vợ của hai người em chồng.
Sau ba tháng đấu đá căng thẳng trên mặt báo, ông Walter bị loại khỏi quỹ tín thác gia đình và chỉ còn giữ vị trí giám đốc không điều hành. Người mẹ lên thay làm Chủ tịch, trước khi chuyển giao cho hai người em.
Cuộc đấu đá chưa dừng lại. Năm 2012, Uỷ ban Chống tham nhũng Hong Kong (ICAC) vào cuộc điều tra sau khi Walter tố giác nội bộ công ty có dấu hiệu gian lận. Ông đặc biệt chỉ trích một thương vụ mua đất qua trung gian với giá cao bất thường – nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi.
Anh cả Walter bị mẹ và các em đẩy khỏi vai trò Chủ tịch tập đoàn và qua đời năm 2018.
ICAC sau đó đã bắt giữ nhiều nhân vật, bao gồm cả ông Hứa Lập Hi (Rafael Hui) – một cựu quan chức chính phủ và bạn thân lâu năm của gia đình họ Quách. Báo chí cho rằng ông Hứa là “kiến trúc sư” đằng sau kế hoạch loại bỏ Walter, nhưng SHKP và ông Hứa đều bác bỏ.
Tuy bị đẩy khỏi trung tâm quyền lực, ông Walter không rời khỏi thương trường. Ông tiếp tục đầu tư bất động sản, thậm chí liên minh với tập đoàn đối thủ Cheung Kong của ông Lý Gia Thành – cựu cộng sự của cha mình – để phát triển một dự án nhà ở. Ngày 20/10/2018, ông Walter qua đời tại Hong Kong, thọ 68 tuổi, khép lại cuộc đời đầy sóng gió của người từng chính thức kế vị của đế chế họ Quách.
Sau những sóng gió nội bộ, SHKP vẫn duy trì vị thế là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Hong Kong và châu Á dù khối tài sản hiện đã giảm còn khoảng 34 tỷ USD.
Ngày nay, hai anh em Thomas và Raymond vẫn giữ chức đồng Chủ tịch tập đoàn nhưng đã dần nhường lại vai trò cho thế hệ sau. Quách Khải Phi (Adam Kwok Kai-fai), 42 tuổi, con trai ông Thomas, hiện là đồng Giám đốc Điều hành SHKP cùng với Quách Khải Vinh (Christopher Kwok Kai-wang), 38 tuổi, con trai ông Raymond.
Ngoài ra, còn nhiều người con khác trong gia tộc họ Quách đang đảm nhận vai trò trong SHKP và các công ty con.
Ông Lý Triệu Cơ (Lee Shau-Kee) là một trong những doanh nhân quyền lực và giàu có nhất Hong Kong (Trung Quốc), được ví...