Thế giới 24h: Phái đoàn đàm phán Nga – Ukraine gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ
Điện Kremlin xác nhận thông tin phái đoàn đàm phán của Nga đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu vòng đàm phán thứ 3 với Ukraine.
Thành phố Istanbul được chọn làm địa điểm tổ chức nhiều vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine (ảnh: Anadolu)
Khả năng ông Putin gặp ông Zelensky sau vòng đàm phán thứ 3?
“Phái đoàn của chúng tôi đã lên đường tới Istanbul và các cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu vào tối nay”, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – nói hôm 23/7.
Trước đó, Nga và Ukraine đã tổ chức hai vòng đàm phán tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng không đạt được lệnh ngừng bắn dài hạn. Theo ông Peskov, vòng đàm phán thứ 3 khó có khả năng mang lại đột phá.
“Không ai kỳ vọng vào một hành trình dễ dàng. Đây sẽ là cuộc đối thoại rất khó khăn. Các mục tiêu của 2 bên hoàn toàn trái ngược nhau”, ông Peskov đánh giá.
Theo RT, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga là ông Vladimir Medinsky – trợ lý Tổng thống Nga Putin. Về phía Ukraine, ông Rustem Umerov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đàm phán.
Ông Peskov cho biết, cuộc đàm phán lần này “chủ yếu tập trung vào biên bản ghi nhớ thỏa thuận hòa bình” và các cuộc trao đổi tù binh mới. Nga – Ukraine đã trao đổi dự thảo bản ghi nhớ hòa bình sau vòng đàm phán thứ 2.
Về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Peskov cho rằng, việc “hoàn thiện bản ghi nhớ hòa bình” là một phần của quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp.
“Nếu không giải quyết vấn đề khó khăn này, việc ấn định ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh sẽ không mang lại ý nghĩa gì”, ông Peskov nói.
Hôm 23/7, Suspilne (đài truyền hình Ukraine) đưa tin, phái đoàn đàm phán Ukraine đã tới Ankara và gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Theo nguồn tin của Ukrainska Pravda, nhiệm vụ chính của phái đoàn Ukraine lần này là tạo điều kiện cho cuộc gặp trực tiếp giữa ông Zelensky và ông Putin.
Cuộc dự kiến bắt đầu lúc 19h giờ Moscow (tức 23h ngày 23/7 – Hà Nội).
Nga đáp trả EU
EU nhắm vào ngành xuất khẩu dầu, khí đốt Nga trong các vòng trừng phạt gần đây (ảnh: Reuters)
Hôm 22/7, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Moscow sẽ cấm một số đại diện của EU và các quốc gia châu Âu nhập cảnh vào Nga. Đây là phản ứng trực tiếp của Nga đối với các gói trừng phạt được EU thông qua vào ngày 20/5 và 18/7.
Đến nay, EU đã tung 18 gói trừng phạt nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
“Danh sách những người bị cấm nhập cảnh vào Nga được mở rộng đáng kể, bao gồm đại diện các thể chế châu Âu, các quốc gia thành viên EU và các nước châu Âu khác tham gia vào chính sách chống Nga”, Bộ Ngoại giao Nga thông báo.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, danh sách mở rộng bao gồm các nhân viên thực thi pháp luật, các tổ chức chính phủ và thương mại của EU, công dân EU và các nước phương Tây khác từng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, các tổ chức phong tỏa tàu, hàng hóa Nga trên Biển Baltic và những người bị Moscow cáo buộc có hành vi xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ Nga.
Danh sách này cũng bao gồm các quan chức và tổ chức châu Âu bị Moscow cáo buộc tham gia “đàn áp” giới chức Nga, những người ủng hộ thành lập tòa án quốc tế để xét xử quan chức Nga, ủng hộ việc tịch thu tài sản Nga, chuyển lợi nhuận từ các tài sản đó cho Ukraine và các quan chức EU có phát ngôn “bài Nga”.
Nhiều thành viên thuộc Nghị viện châu Âu cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Theo TASS, kể từ năm 2022, Nga đã 10 lần đáp trả các lệnh trừng phạt của EU.
Bangladesh: Sinh viên biểu tình, phẫn nộ vì vụ tiêm kích đâm vào trường học
Số người thiệt mạng trong vụ chiến đấu cơ của không quân Bangladesh đâm vào một trường học ở thủ đô Dhaka đã tăng lên 31, trong khi hàng trăm sinh viên tổ chức biểu tình, yêu cầu giới chức bồi thường cho gia đình các nạn nhân, DW hôm 22/7 đưa tin.
Một phần xác chiếc tiêm kích F-7BGI được đưa ra khỏi trường học (ảnh: Jubair Bin Iqbal/AFP/Getty Images)
Hôm 21/7, chiếc tiêm kích F-7BGI của không quân Bangladesh bất ngờ đâm vào khuôn viên trường Milestone và bốc cháy dữ dội. Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 25 học sinh. Phi công lái chiếc F-7BGI cũng tử vong trong vụ tai nạn.
Đưa tin từ Dhaka, Zyma Islam (phóng viên của tờ Daily Star) cho biết, quân đội Bangladesh kết luận vụ tai nạn xảy ra do “lỗi kỹ thuật”.
Hôm 22/7, Bangladesh tổ chức quốc tang, treo cờ rủ để tưởng niệm các nạn nhân của vụ tai nạn, nhưng hàng trăm sinh viên đã xuống đường, yêu cầu chính phủ công bố “chính xác” danh tính những người thiệt mạng, nhanh chóng bồi thường và buộc quân đội ngừng sử dụng những chiếc tiêm kích “lỗi thời, không an toàn”.
Khi 2 quan chức chính phủ tới hiện trường vụ máy bay rơi, đám đông tỏ ra giận dữ hơn, khiến họ phải tìm cách lánh mặt, theo DW.
Phóng viên Islam cho biết, chiếc tiêm kích đâm trúng tòa nhà dành cho học sinh tiểu học, khiến nhiều em học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) thương vong.
Dải Gaza: Bác sĩ, nhân viên Liên hợp quốc ngất xỉu vì đói
Lãnh đạo Cơ quan của Liên Hợp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) – ông Philippe Lazzarini – hôm 22/7 cho biết, nhiều nhân viên của UNRWA, cũng như các bác sĩ, y tá, nhân viên nhân đạo ở Dải Gaza ngất xỉu vì đói và kiệt sức.
“Những người chăm sóc ở Dải Gaza cũng cần được chăm sóc. Bác sĩ, y tá, nhà báo và các nhà hoạt động nhân đạo đang đói”, ông Lazzarini nói.
“Nhiều người đã ngất xỉu vì đói và kiệt sức khi đang làm nhiệm vụ”, ông Lazzarini nói thêm.
Theo ông Lazzarini, chương trình phân phối viện trợ nhân đạo GHF ở Dải Gaza (do Mỹ và Israel hậu thuẫn) làm việc không hiệu quả. Nhiều người Palestine bị bắn khi cố gắng nhận hàng viện trợ ở các trung tâm của GHF.
“Kế hoạch phân phối của GHF thực chất là một cái bẫy”, ông Lazzarini nói.
Theo ước tính của UNRWA, kể từ cuối tháng 5, hơn 1.000 người ở Dải Gaza đã thiệt mạng khi cố gắng nhận lương thực nhân đạo.
Hôm 22/7, Cơ quan y tế ở Dải Gaza thông báo, trong vòng 24 giờ qua, 15 người, trong đó có 4 trẻ em tử vong vì đói và suy dinh dưỡng.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyên bố “vạch trần” chiến dịch xâm nhập của tình báo Nga vào Cục Chống tham nhũng quốc...