Thế giới 24h: Hình ảnh trong cuộc đàm phán Thái Lan - Campuchia
Theo Channel News Asia, cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn giữa Thái Lan và Campuchia đang diễn ra tại Malaysia vào chiều 28/7.
Thủ tướng Malaysia (giữa) chủ trì cuộc đàm phán giữa Thái Lan và Campuchia chiều 28/7. Ảnh: Khmer Times
Đàm phán Thái Lan - Campuchia bắt đầu ở Malaysia
Theo Channel News Asia, hãng thông tấn Bernama của Malaysia xác nhận rằng cuộc họp cấp cao đã bắt đầu lúc 15h (giờ Malaysia) tại Seri Perdana, dinh thự chính thức của Thủ tướng Malaysia, ở thành phố Putrajaya.
Theo CNA, phái đoàn Thái Lan và Campuchia đã đến ngay trước 15h và cả hai bên được đưa vào cuộc họp ngay lập tức. Với tư cách là người hòa giải, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim sẽ đặt ra các thông số và điều kiện hướng tới việc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch cũng như tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Cuộc đàm phán có sự góp mặt của người đại diện phía Mỹ và Trung Quốc, với tư cách quan sát viên.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại cuộc đàm phán chiều 28/7. Ở phía góc xa bên phải ảnh là đại diện của Mỹ. Ảnh: Khmer Times
Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai trong cuộc đàm phán. Ở phía góc trên bên trái ảnh là đại diện của Trung Quốc. Ảnh: Khmer Times
Phái đoàn Thái Lan, Campuchia đã tới Malaysia
Tờ Khmer Times ngày 28/7 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã đến thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, để tham dự cuộc đàm phán với phía Thái Lan nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc giao tranh biên giới giữa hai nước.
Theo Reuters, ông Manet đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X khi ông lên đường tới Malaysia: "Mục đích của cuộc gặp này là đạt được một 'lệnh ngừng bắn' ngay lập tức, do Tổng thống Donald Trump khởi xướng và được Thủ tướng Campuchia và quyền Thủ tướng Thái Lan đồng ý".
Channel News Asia ngày 28/7 đưa tin, phái đoàn của quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai đã tới Malaysia vào sáng 28/7.
Tại sân bay quân sự số 6 ở Don Mueang, thủ đô Bangkok, Thái Lan, sáng sớm 28/7, ông Phumtham đã tổ chức họp báo trước khi lên đường sang Kuala Lumpur để gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet nhằm đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Phumtham cho biết ưu tiên hàng đầu trong cuộc đàm phán là lập tức chấm dứt các hành động đối địch. Ông lưu ý, mặc dù một số chi tiết kỹ thuật sẽ được đưa ra thảo luận, nhưng cuộc gặp lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng khi đối thoại được nâng lên cấp lãnh đạo quốc gia.
Quyền Thủ tướng Thái Lan cũng tiết lộ rằng phái đoàn đàm phán đã tham vấn với các lực lượng vũ trang trước chuyến đi. "Chúng tôi đã nhận được ý kiến đóng góp từ Lục quân, Hải quân và Không quân — tất cả đều đang tham gia ở tiền tuyến. Các khuyến nghị của họ sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán. Đây không chỉ là nỗ lực của chính phủ. Đây là một mặt trận thống nhất với sự tham gia của tất cả các bên liên quan an ninh chủ chốt", ông Phumtham nói.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet (trái) và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai. Ảnh: Reuters
Cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Campuchia và Thái Lan được công bố sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Thái Lan và Campuchia sớm tìm ra giải pháp hòa bình để chấm dứt giao tranh.
Phát biểu ngày 27/7, ông Trump nói, cá nhân ông tin Campuchia và Thái Lan đều mong muốn giải quyết mâu thuẫn, sau khi ông thông báo với lãnh đạo hai nước rằng Mỹ sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào nếu xung đột chưa kết thúc, theo hãng tin Reuters.
Nói chuyện với báo giới tại Turnberry (Scotland) trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi đã trao đổi với thủ tướng của cả hai nước, và tôi tin rằng họ đang muốn giải quyết tranh chấp vào lúc này". Ông Trump cũng khẳng định sẽ hợp tác với cả Campuchia và Thái Lan để thúc đẩy hòa bình.
Campuchia và Thái Lan xác nhận giao tranh vẫn diễn ra vào ngày 28/7
Binh sĩ Thái Lan ở biên giới. Ảnh: Reuters
Theo tờ Khmer Times của Campuchia, trung tướng Maly Socheata, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, tuyên bố, tính đến ngày 28/7, quân đội Thái Lan vẫn tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào khu vực đền Ta Moan từ 3h10 đến 5h sáng cùng ngày.
“Tính đến ngày 28/7, mặc dù đã ấn định cuộc họp đặc biệt cấp Thủ tướng giữa hai nước tại Kuala Lumpur với mục tiêu chấm dứt giao tranh, nhưng vào lúc 3h10 sáng nay, phía Thái Lan vẫn tiếp tục tấn công phủ đầu vào các khu vực đền Ta Moan Thom, đền Ta Krabey, kéo dài đến 5h sáng”, bà Socheata nói.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia thông tin rằng quân đội Thái Lan đã ném bom bằng chiến đấu cơ vào khu vực An Ses và các khu vực khác trên lãnh thổ Campuchia, đồng thời tiếp tục sử dụng bom chùm và vũ khí hạng nặng dội xuống binh sĩ Campuchia. Tuy nhiên, quân đội Campuchia đã chống trả và đẩy lùi các đợt tấn công này.
Tuyên bố được đưa ra tại một cuộc họp báo vào sáng 28/7, đánh dấu ngày thứ 5 kể từ khi giao tranh nổ ra ở biên giới tranh chấp Thái Lan - Campuchia.
Theo Bộ Quốc phòng Campuchia, các cuộc tấn công của Thái Lan đã khiến hơn 130.000 dân thường Campuchia phải sơ tán, hơn 600 trường học bị đóng cửa, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy, nhà dân và tài sản bị ảnh hưởng.
Theo tờ The Nation Thailand, quân đội Thái Lan ngày 28/7 xác nhận các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn tại 5 khu vực dọc biên giới với Campuchia.
Đại tá Ritcha Suksuwanon, Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, cho rằng quân đội Campuchia đã tập kích rocket và pháo về phía Thái Lan tại 5 địa điểm đó, buộc lực lượng Thái Lan phải bắn trả.
Đại tá Ritcha cho biết thêm rằng Không quân Hoàng gia Thái Lan ngày 28/7 cũng tấn công các vị trí quân sự của Campuchia.
Sáng 28/7, thiếu tướng Withai Laithomya, phát ngôn viên quân đội Thái Lan, tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc trước đó từ phía Campuchia – cụ thể là từ bà Socheata, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, người đã cáo buộc Thái Lan "tấn công vô cớ" vào lãnh thổ Campuchia.
Ông Laithomya cho rằng phía Thái Lan chỉ đáp trả hành động tấn công trước của phía Campuchia.
Ông Trump hé lộ "công cụ" giúp chấm dứt xung đột biên giới Thái Lan - Campuchia
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 27/7, ông Trump nhấn mạnh cam kết sử dụng áp lực kinh tế như một công cụ nhằm chấm dứt cuộc giao tranh biên giới đang leo thang giữa Thái Lan và Campuchia.
“Chúng tôi có quan hệ thương mại lớn với Thái Lan và Campuchia. Vậy mà tôi lại đọc thấy họ đang tấn công lẫn nhau. Họ đang chiến đấu. Họ đang trong một cuộc giao tranh", ông Trump nói. “Tôi nghĩ việc hòa giải này sẽ là một nhiệm vụ dễ dàng với tôi, bởi tôi từng dàn xếp để giúp giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan".
Tổng thống Mỹ đề cập đến căng thẳng bùng phát sau vụ tấn công khủng bố khiến 26 dân thường thiệt mạng ở thị trấn Pahalgam (Ấn Độ) hôm 22/4, dẫn tới chiến dịch không kích có tên “Sindoor” của New Delhi nhắm vào các "cơ sở khủng bố" tại Pakistan và vùng lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát.
“Việc giải quyết được những vấn đề như vậy, nếu tôi có thể làm điều đó, và nếu tôi có thể sử dụng thương mại để làm công cụ, thì đó là vinh dự của tôi", ông Trump khẳng định, thể hiện niềm tin vào vai trò của thương mại trong việc thúc đẩy hòa bình.
Theo Al Jazeera, chỉ vài giờ sau khi ông Trump tuyên bố hai bên đã nhất trí hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn, Thái Lan và Campuchia lại tiếp tục cáo buộc nhau pháo kích lẫn nhau.
Dù vậy, các cuộc tấn công ngày 27/7 diễn ra trong bối cảnh hai nước khẳng định sẵn sàng đối thoại để giải quyết tranh chấp, sau khi ông Trump điện đàm với lãnh đạo của cả Bangkok và Phnom Penh vào đêm 26/7.
Theo CNN, Thái Lan và Campuchia đang tranh chấp một vùng lãnh thổ có nguồn gốc từ thời thuộc địa, khi Pháp lần đầu tiên vạch đường biên giới giữa hai nước cách đây hơn một thế kỷ.
Theo cập nhật từ truyền thông Thái Lan và Campuchia, trong 4 ngày kể từ khi giao tranh bùng phát giữa hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á – được xem là đợt xung đột lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua – đã có hơn 30 người thiệt mạng ở cả hai phía. Theo số liệu của chính quyền địa phương, hơn 200.000 người đã phải sơ tán khỏi các khu vực giáp biên giới.
Campuchia xác nhận đàm phán cấp cao với Thái Lan
Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ảnh: Khmer Times.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet ngày 27/7 xác nhận ông sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này tới Kuala Lumpur (Malaysia) để tham dự cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Campuchia và Thái Lan.
Theo tuyên bố công khai, cuộc họp do Malaysia đăng cai tổ chức, với sự đồng bảo trợ của Mỹ và có đại diện Trung Quốc tham dự. Sáng kiến tổ chức cuộc đàm phán đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và đã được cả hai Thủ tướng Campuchia và Thái Lan nhất trí.
“Tôi xin cảm ơn Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vì đã khởi xướng và điều phối để tổ chức cuộc họp đặc biệt này", ông Hun Manet nói, theo tờ Khmer Times.
Ông Hun Manet cho biết: “Hôm 28/7, tôi sẽ dẫn đầu phái đoàn Campuchia tới Kuala Lumpur để tham dự cuộc họp đặc biệt, với mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Đây là đề xuất từ ngài Tổng thống Donald Trump vào tối qua và đã được Thủ tướng hai nước đồng thuận”.
Bên phía Thái Lan, quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai sẽ tới Malaysia với vai trò là trưởng đoàn đàm phán. Cuộc gặp dự kiến bắt đầu lúc 15h giờ địa phương vào ngày 28/7.
Phát biểu tại Scotland hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại việc đã cảnh báo hai bên rằng các thỏa thuận thương mại trong tương lai với Mỹ sẽ bị đình chỉ nếu giao tranh không chấm dứt, theo Al Jazeera.
“Tôi đã nói chuyện với cả hai Thủ tướng Thái Lan và Campuchia. Tôi nghĩ ngay sau khi cuộc gọi kết thúc, họ đã muốn giải quyết ngay”, ông Trump chia sẻ trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Ông Trump cho rằng cuộc gặp ở Malaysia là một bước đi hướng tới giảm căng thẳng.
Thủ tướng Malaysia dự kiến chủ trì đàm phán Thái Lan – Campuchia
Cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào 15h chiều ngày 28/7 (giờ địa phương).
“Họ (đại diện chính phủ Thái Lan và Campuchia) đã đề nghị tôi hỗ trợ để đàm phán về một giải pháp hòa bình. Vì vậy, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày mai, lúc 15h chiều”, ông Anwar phát biểu tối 27/7.
“Chúng tôi đang thảo luận về các giới hạn, các điều kiện, nhưng điều quan trọng nhất là đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức”, ông Anwar nói.
Thủ tướng Malaysia cho biết, ông sẽ chủ trì cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Thái Lan – Campuchia.
Trước đó, ông Jirayu Huangsap – phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng và là thành viên thuộc Trung tâm quản lý tình hình biên giới Thái Lan – đã xác nhận thông tin về cuộc đàm phán với Campuchia.
Thủ tướng Malaysia – ông Anwar Ibrahim (giữa ảnh)
Ông Jirayu cho biết, Quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai sẽ dẫn đầu phái đoàn Thái Lan.
Campuchia chưa lên tiếng về các thông tin trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry hôm 27/7, cho biết, ông “không có thông tin để xác nhận” về cuộc đàm phán với giới chức Thái Lan tại Malaysia, theo Kiri Post (trang tin Campuchia).
Israel: Mỗi ngày ngừng bắn 10 giờ ở Dải Gaza
Hôm 27/7, quân đội Israel cho biết sẽ bắt đầu “ngừng bắn chiến thuật” ở 3 khu vực Muwasi, Deir al-Balah và thành phố Gaza (Dải Gaza) để tạo điều kiện cho người Palestine nhận hàng viện trợ nhân đạo.
Hàng viện trợ được thả bằng dù xuống Dải Gaza (ảnh: Reuters)
Lệnh ngừng bắn ở 3 khu vực này sẽ kéo dài từ 10h sáng đến 20h tối mỗi ngày, cho đến khi có thông báo mới.
Ông Tom Fletcher – quan chức Liên hợp quốc – cho biết, sau thông báo từ phía Israel, các nhân viên cứu trợ sẽ tăng cường hoạt động để giúp đỡ những người có nguy cơ chết đói, suy dinh dưỡng.
“Trong thời gian này, các đội cứu trợ của chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để giúp đỡ những người sắp chết đói”, ông Fletcher nói.
Hôm 27/7, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thả khoảng 25 tấn hàng viện trợ xuống Dải Gaza. Quân đội Israel cũng có hành động tương tự.
Giới chức y tế tại Dải Gaza cho biết, ít nhất 10 người bị thương khi các thùng chứa hàng cứu trợ rơi xuống đất.
Ông Trump nói về khả năng ký thỏa thuận thương mại trước khi gặp lãnh đạo EU
Hôm 27/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Scotland để ký kết thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và EU, Reuters đưa tin.
Một số nguồn tin cho hay, Mỹ có khả năng giảm thuế với EU còn 15%, thay vì áp dụng mức thuế 30% như ông Trump cảnh báo.
Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tới Scotland hôm 26/7. Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic cũng đã có mặt tại Scotland.
Trả lời phỏng vấn về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại mới với EU, ông Trump (khi đang đánh golf tại khu nghỉ dưỡng Trump Turnberry, Scotland) cho biết, tỷ lệ thành công chỉ là “50 – 50”.
Lãnh đạo Thái Lan và Campuchia sẽ gặp nhau tại Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia) vào ngày 28/7, phía Thái Lan xác nhận.