Chia sẻ

Thái Lan triển khai tiêm kích, tàu chiến; Campuchia nói Bangkok gửi tối hậu thư buộc rút quân

Xung đột biên giới giữa Campuchia-Thái Lan liên tiếp nhiều diễn biến nóng khi Thái Lan triển khai tiêm kích, tàu chiến để tác chiến; Campuchia nói Thái Lan gửi tối hậu thư buộc nước này rút quân.

Tính đến chiều 26-7, xung đột biên giới giữa Campuchia-Thái Lan vẫn liên tục nhiều diễn biến đáng chú ý.

Thái Lan cảnh giác cao độ trước nguy cơ Campuchia tấn công

Vào lúc 12 giờ trưa 26-7, Quân khu 2 của Thái Lan đã cập nhật tình hình giao tranh biên giới với Campuchia, tờ The Nation đưa tin.

Theo đó, Quân khu 2 xác nhận giao tranh vẫn tiếp diễn với việc cả hai bên đang chuẩn bị và tăng cường lực lượng ở vùng biên giới, đặc biệt tại các khu vực như chùa Phu Ma Kua, Chong Bok, Chong An Ma, Sam Tae, Chong Ta Thao, Ta Muen Thom và Ta Kwai.

Theo Quân khu 2, một số khu vực dân sự đã bị pháo kích nhưng chưa ghi nhận thương vong. Cạnh đó, các nhân viên sòng bạc Campuchia đã được sơ tán khỏi nơi làm việc gần biên giới gần Chong Sai Taku ở tỉnh Buriram (Thái Lan).

Hải quân Thái Lan diễn tập tác chiến ngăn chặn khả năng tấn công từ Campuchia, vào sáng 26-7. Ảnh: HẢI QUÂN THÁI LAN

Hải quân Thái Lan diễn tập tác chiến ngăn chặn khả năng tấn công từ Campuchia, vào sáng 26-7. Ảnh: HẢI QUÂN THÁI LAN

Quân khu 2 cho biết các khu vực cần tăng cường giám sát bao gồm các huyện Kantharalak thuộc tỉnh Si Sa Ket, Kap Choeng và Phanom Dong Rak thuộc tỉnh Surin. Theo phía Thái Lan, lực lượng Campuchia có thể sẽ tiếp tục dùng pháo binh để tấn công vào các khu vực dân sự nhằm gây áp lực buộc chính phủ Thái Lan phải ngừng giao tranh trong tình thế bất lợi.

Hiện Thái Lan vẫn đang tiếp tục sơ tán dân thường đến các khu vực an toàn. Tính đến ngày 26-7, tại bốn tỉnh biên giới bị ảnh hưởng, Thái Lan đã sơ tán 88.038 người đến 242 điểm trú ẩn do chính quyền sắp xếp.

Thái Lan triển khai 4 chiến đấu cơ, 4 tàu chiến

Ngày 26-7, lực lượng Không quân Thái Lan đã triển khai 4 máy bay chiến đấu, gồm 2 chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất và 2 chiến đấu cơ Gripen do Thụy Điển sản xuất, để mở chiến dịch nhắm vào các vị trí quân sự của Campuchia tại khu vực chiến sự Phu Ma Kua và đền Ta Muen Thom.

Diễn biến này đến sau khi có báo cáo tình báo rằng lực lượng Campuchia đang chuẩn bị dùng đạn pháo nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực này.

Theo Không quân Thái Lan, chiến dịch đã vô hiệu hóa cả hai mục tiêu Campuchia và tất cả máy bay đều trở về căn cứ hoạt động an toàn.

Báo The Nation dẫn lời các nguồn tin an ninh Thái Lan cho biết lúc 8 giờ 20 sáng 26-7 Hải quân Thái Lan đã triển khai nhóm tác chiến gồm 4 tàu tới khu vực huyện Koh Kood và Ban Hat Lek, tỉnh Trat, để tham gia chiến dịch Trat Strike 1.

Lực lượng này gồm các tàu pháo tấn công nhanh và tàu pháo tuần tra, có khả năng yểm trợ hỏa lực tức thời cho lực lượng mặt đất.

Hải quân Thái Lan cũng nói rằng nếu có lệnh, các tàu có thể bắt đầu hỗ trợ hỏa lực chỉ trong vòng 1 phút.

Campuchia nói Thái Lan gửi tối hậu thư buộc rút quân

Vào lúc 5 giờ sáng 26-7, pháo binh Thái Lan được cho là đã tấn công vào xã Thma Da thuộc huyện Veal Veng, tỉnh Pursat của Campuchia — địa điểm trước đây chưa bị ảnh hưởng trong các cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước.

Theo Khmer Times, tính đến giữa trưa 26-7, phía Campuchia cho biết quân đội Thái Lan vẫn tiếp tục tấn công vào lãnh thổ Campuchia, bao gồm các khu vực Thmor Don, Ta Krabei, Phnom Peuy, O' Khla Khmum và O' Smach của tỉnh Oddar Meanchey.

Để đáp trả, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia - bà Maly Socheata cho biết lực lượng Campuchia đã mở trả đũa bằng các biện pháp phòng thủ quyết liệt, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Campuchia.

Bà Socheata lên án một loạt các cuộc tấn công quân sự của Thái Lan vào ngày 26-7, nhắm vào nhiều khu vực, bao gồm Chak Chreng, Thung lũng Veal Enry, Ta Thav, Núi Phnom Khmaoch và An Ses.

Người dân Campuchia phải sơ tán do các cuộc tấn công của Thái Lan. Ảnh: FRESH NEWS

Người dân Campuchia phải sơ tán do các cuộc tấn công của Thái Lan. Ảnh: FRESH NEWS

Trong cuộc họp báo ngày 26-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia - bà Maly Socheata cho biết lực lượng Thái Lan đã đưa ra tối hậu thư với Campuchia, buộc rút khỏi tỉnh Banteay Meanchey hoặc đối mặt một cuộc tấn công quân sự, theo trang trang Cambodianess.

Bà Socheata cho rằng lời đe dọa của Thái Lan là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Campuchia, Hiến chương Liên hợp quốc.

Bà Socheata cũng nói rằng Thái Lan đã triển khai thêm 4 tàu quân sự giữa đảo Koh Kut và Koh Hat, ngoài khơi tỉnh Koh Kong (Campuchia), báo hiệu mở ra một mặt trận lớn hơn trong cuộc xung đột. Bà cho biết quân đội Campuchia trong khu vực vẫn đang trong tình trạng báo động cao.

Thủ tướng Malaysia: Sẽ tiếp tục vận động ngừng bắn

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - đại diện nước Chủ tịch ASEAN năm nay, cho biết ông sẽ tiếp tục thúc đẩy đề xuất ngừng bắn giữa Campuchia và Thái Lan trong bối cảnh Campuchia đã ủng hộ kế hoạch của ông còn Thái Lan cho biết họ đồng ý về nguyên tắc, theo hãng thông tấn Bernama.

Ông Anwar thừa nhận giao tranh vẫn xảy ra nhưng ông đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao liên lạc với các bộ ngoại giao liên quan và nếu có thể ông sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan này để chấm dứt giao tranh.

Tính đến 12 giờ ngày 26-7, theo quân đội Campuchia, quân đội Thái Lan đã nã pháo vào nhiều khu vực thuộc tỉnh Oddar...

Theo THU PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Căng thẳng biên giới Thái Lan - Campuchia

Xem Thêm