Quốc gia từng mất trắng 74.000km2 đất, kênh đào chiến lược rơi vào tay Mỹ
Với sự hậu thuẫn và hỗ trợ quân sự của Mỹ, phe ly khai ở Colombia tuyên bố độc lập vào ngày 4.11.1903, lập ra nhà nước Panama. Hai tuần sau, Panama ký thỏa thuận cho phép Mỹ xây dựng, kiểm soát và sở hữu một trong những kênh đào chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới.
Tranh biếm họa sự kiện Panama tách khỏi Colombia năm 1903.
Kể từ khi độc lập khỏi đế quốc Tây Ban Nha năm 1821, Panama trở thành một phần của Colombia.
Chính quyền Colombia gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì kiểm soát Panama vì cơ sở hạ tầng nghèo nàn, không có tuyến đường bộ trực tiếp kết nối đến Panama.
Kể từ năm 1841, Panama luôn xảy ra bất ổn, phe ly khai trỗi dậy, dẫn đến cuộc khủng hoảng Panama năm 1885.
Vùng đất có vị trí chiến lược
Năm 1513, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên Vasco Balboa trở thành người da trắng đầu tiên từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương bằng cách đi qua Panama. Đây là vùng đất hẹp có một đầu kết nối với Bắc Mỹ, đầu kia kết nối với Nam Mỹ, bên trái là Thái Bình Dương và bên phải là Đại Tây Dương, chỗ rộng nhất cách nhau 80km, theo Digital History.
Năm 1870, kỹ sư tài ba người Pháp, Ferdinand de Lessups được chính quyền Colombia chỉ định xây kênh đào ở Panama. Ở tuổi 74, Lessups trở thành Chủ tịch công ty kênh đào Panama. Ông cũng chính là người nổi danh toàn thế giới khi đóng vai trò quan trọng giúp xây xong kênh đào Suez.