Bước ngoặt của tiêm kích Trung Quốc: Lần đầu thực chiến bắn rơi chiến đấu cơ đối thủ?
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Pakistan lần đầu xác nhận quân đội nước này đã sử dụng tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất để bắn rơi chiến đấu cơ Ấn Độ trong cuộc đụng độ mới nhất giữa hai nước.
Tiêm kích J-10C được thử nghiệm lần cuối trước khi bàn giao cho Pakistan vào năm 2022. Ảnh: Hoàn Cầu.
Pakistan xác nhận sử dụng J-10C
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, phát biểu trước Quốc hội hôm 7/5, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Pakistan, ông Ishaq Dar, xác nhận không quân nước này đã sử dụng tiêm kích J-10C nhằm đối phó việc Ấn Độ tiến hành không kích. Đây là lần đầu tiên Islamabad công khai vai trò của J-10C – mẫu tiêm kích được mua từ Trung Quốc – trong các nhiệm vụ chiến đấu thực tế.
"Máy bay của chúng tôi… đã bắn hạ các chiến đấu cơ Rafale của Ấn Độ, ba chiếc Rafale – là loại của Pháp”, ông Dar nói. "Chúng tôi sử dụng J-10C. Tất cả đều là máy bay chiến đấu hợp tác với Trung Quốc”.
Trước đó, dư luận đã dấy lên nhiều đồn đoán về việc liệu các khí tài Trung Quốc có được sử dụng trong vụ đụng độ hay không. Phát biểu của ông Dar được xem là lời xác nhận chính thức đầu tiên, đánh dấu một bước ngoặt mới.
Thông tin mới về cuộc đụng độ quân sự
Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, quân đội nước này đã nhận được tin tình báo về một cuộc tấn công của Ấn Độ vào khoảng 22h tối ngày 6/5. Ngay sau đó, các biện pháp phòng thủ đã được kích hoạt. Pakistan không tiết lộ tin tình báo được thu thập trong nước hay do nước ngoài cung cấp.
“Quân đội của chúng tôi chỉ được lệnh bắn vào những máy bay Ấn Độ trực tiếp phóng tên lửa và ném bom”, ông Dar nói. “Vì thế chỉ có 5 chiếc bị bắn rơi. Nếu mệnh lệnh khác đi, thì có thể 10 đến 12 chiếc đã bị tiêu diệt”.
Trước đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết không quân nước này đã bắn rơi tổng cộng 5 chiến đấu cơ Ấn Độ – trong đó có 3 chiếc Rafale, một chiếc MiG-29 và một chiếc Su-30.
Một số máy bay Ấn Độ bị đánh chặn khi đang cố gắng xâm nhập không phận Pakistan, trong khi số còn lại bị tấn công khi hoạt động trong không phận Ấn Độ.
Phía Ấn Độ hiện chưa bình luận chính thức về các thông tin nêu trên. Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Ấn gọi tuyên bố từ Pakistan là “thông tin sai lệch”.
Vũ khí Trung Quốc được thử lửa
J-10C tham gia sự kiện diễu hành quân sự ở Pakistan vào ngày 21/3/2024. Ảnh: AFP.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), đây có thể là lần đầu tiên tiêm kích J-10C do Trung Quốc sản xuất bắn rơi một chiến đấu cơ khác trong chiến đấu, cũng như là lần đầu tiên một chiến đấu cơ Rafale do Pháp sản xuất bị bắn rơi.
Theo truyền thông Ấn Độ, các mảnh vỡ được cho là của tên lửa PL-15E – loại tên lửa không đối không tầm xa do Trung Quốc sản xuất – đã được tìm thấy tại bang Punjab (Ấn Độ). Điều này cho thấy tên lửa có thể được phóng từ tiêm kích J-10C hoặc JF-17 – hai dòng máy bay Pakistan hiện có khả năng mang loại tên lửa này.
Tên lửa PL-15E là phiên bản xuất khẩu của PL-15 – một trong những dòng tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Trung Quốc. Tên lửa được cho là có tốc độ lên tới 6.000 km/giờ và tầm bắn bị giới hạn còn 145km – thấp hơn khoảng một nửa so với phiên bản nội địa.
Việc J-10C được sử dụng trong không chiến với Ấn Độ cũng làm dấy lên sự quan tâm lớn trong giới quốc phòng quốc tế. Hãng tin Bloomberg cho biết, cổ phiếu của Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô – công ty sản xuất chiến đấu cơ J-10, đã tăng mạnh trong ngày 7/5.
Vai trò ngày càng lớn của J-10C trong không quân Pakistan
J-10C là phiên bản nâng cấp cao nhất trong dòng máy bay J-10, được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) và động cơ mạnh hơn. Máy bay này được đánh giá là thuộc thế hệ 4.5, chuyên đảm nhận vai trò không chiến.
Trung Quốc từng kì vọng có thể xuất khẩu J-10 ra khắp thế giới thay thế cho mẫu F-16 của Mỹ. Nhưng thực tế cho đến nay, chỉ có Pakistan là quốc gia nước ngoài duy nhất sở hữu mẫu máy bay này.
Pakistan bắt đầu đặt mua J-10C từ năm 2020, với đơn hàng ban đầu gồm 36 chiếc cùng 250 tên lửa PL-15E. Lô đầu tiên gồm 6 máy bay được bàn giao vào năm 2022, và hiện đã có 20 chiếc phục vụ trong không quân Pakistan.
Một số quốc gia khác như Ai Cập và Uzbekistan được cho là đang cân nhắc giữa J-10C và Rafale để thay thế phi đội máy bay cũ.
Một quan chức tình báo Pháp cấp cao ngày 7/5 xác nhận với CNN rằng ít nhất một chiến đấu cơ Rafale do Ấn Độ vận hành đã...