Kho tên lửa của Philippines ngày càng đáng gờm
Philippines đã bước vào kỷ nguyên tên lửa, dù chậm hơn một số nước láng giềng Đông Nam Á hàng thập kỷ. Giới phân tích cho rằng kho vũ khí ngày càng tăng sẽ giúp Manila tăng cường khả năng răn đe, nhưng cũng có thể khiến quốc đảo này gặp nhiều rủi ro hơn.
Trong cuộc tập trận quân sự chung Balikatan năm 2025 với quân đội Mỹ, Hải quân Philippines đã thử nghiệm bắn tên lửa chống hạm C-star của Hàn Quốc, tên lửa đất đối không Mistral 3 của Pháp bắn từ khinh hạm và tên lửa Spike của Israel được phóng từ tàu tấn công nhanh.
Trong cuộc tập trận, binh lính Philippines quan sát lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ thiết lập các bệ phóng tên lửa NMESIS trên hòn đảo ở eo biển Luzon. Manila được cho là đang cân nhắc mua hệ thống này.
Lính Mỹ và Philippines vận hành hệ thống tên lửa Typhon trong cuộc tập trận chung năm 2024. (Ảnh: US Army)
Chỉ vài năm trước, quân đội Philippines không sở hữu tên lửa nào. Năm 2018, nước này tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên với tên lửa Rafael Spike-ER.
Kể từ đó, Philippines liên tục tích luỹ kho tên lửa có nguồn gốc từ Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Pháp, và cả tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ.
Năm 2023, sau các cuộc tập trận chung với Mỹ, Philippines bày tỏ quan tâm đến việc mua hệ thống Himars của Mỹ. Một năm sau, trong chương trình tập trận thường niên tương tự, Mỹ đã đưa hệ thống tên lửa Typhon tới đảo Luzon. Bệ phóng di động có thể bắn 3 loại tên lửa này dự kiến sẽ được rút vào tháng 9/2024, nhưng Manila đề nghị Mỹ tiếp tục để lại và sau đó công bố kế hoạch mua hệ thống Typhon.
Theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường Mỹ - Philippines (EDCA), lực lượng Mỹ được phép tiếp cận nhiều căn cứ quân sự của Philippines để dự phòng vật tư và thiết bị, và hai bên không nhắc đến tên lửa.
Việc Mỹ triển khai tên lửa đến Philippines vấp phải phản đối gay gắt của Trung Quốc. Bắc Kinh gọi đây là hành động "khiêu khích và nguy hiểm".
Tuy nhiên, ông Max Montero, một cố vấn quốc phòng người Philippines gốc Úc, cho rằng Philippines chỉ đang bắt kịp xu thế và các nước trong khu vực.
“Trung Quốc không có quyền tức giận vì họ có quân đội hùng mạnh nhất trong khu vực, mạnh hơn chúng tôi gấp trăm lần. Họ có tên lửa và cả vũ khí hạt nhân để chống lại chúng tôi nếu họ muốn”, ông Montero nói với This Week in Asia.
Nguyên nhân khiến Philippines chậm trễ gia nhập kỷ nguyên tên lửa là vì phụ thuộc vào Mỹ trong nhiều thập kỷ. Cho đến năm 1992, quốc gia này có hai căn cứ quân sự lớn của Mỹ, dựa vào lực lượng Mỹ để phòng thủ với bên ngoài, trong khi Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) tập trung chống nổi loạn trong nước.
Trong một nỗ lực hiếm hoi nhằm phát triển tên lửa vào những năm 1970, cựu Tổng thống Ferdinand Marcos Snr đã chỉ đạo việc chế tạo tên lửa "Bongbong 1" - đặt theo tên con trai ông và là tổng thống hiện tại Ferdinand Marcos Jnr. Dự án đã thất bại.
Bước ngoặt diễn ra vào năm 2012, khi quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trở nên căng thẳng vì tranh chấp trên biển, khiến Tổng thống Benigno Aquino khi đó quyết định triển khai chương trình hiện đại hóa quân sự toàn diện.
AFP đã thu hẹp khoảng cách với các nước láng giềng trong khu vực, dù vẫn tụt hậu ở một số lĩnh vực.
Ví dụ, hệ thống tên lửa phòng không của Philippines tiên tiến hơn của Malaysia, nhưng Kuala Lumpur có hệ thống phòng không tầm ngắn và máy bay chiến đấu vượt trội, có khả năng mang theo nhiều loại tên lửa khác nhau.
Hệ thống vũ khí BrahMos từ Ấn Độ được đánh giá là vũ khí rất lợi hại mà Philippines đang sở hữu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết năng lực tên lửa của Trung Quốc, bao gồm vũ khí siêu thanh có tầm bắn hàng nghìn km, vượt xa hệ thống BrahMos - có tầm bắn 300 km.
Ông Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược Đông Á tại Trường King's College London, cho rằng vẫn còn quá sớm để coi thường năng lực tên lửa của Philippines, vì việc nâng cấp là quá trình đòi hỏi thời gian và đầu tư.
Răn đe hay gây mất ổn định?
GS. Roland Simbulan, một nhà nghiên cứu về tình hình quốc tế tại Quezon, Philippines, cho rằng việc mua quá nhiều tên lửa sẽ trở thành "yếu tố gây mất ổn định" vì sẽ khiêu khích Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
"Mỹ đang triển khai tên lửa để tăng cường bao vây Trung Quốc. Điều này gây mất ổn định bất kể bạn nhìn nhận theo cách nào, vì chắc chắn tên lửa Trung Quốc đang nhắm vào các bệ phóng cố định của Mỹ đặt ở Philppines”, ông nói.
Nhà nghiên cứu này cho rằng quân đội Philippines nên tập trung vào các hệ thống phòng thủ, như hệ thống Patriot hay THAAD như ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ông Patalano cho rằng các hệ thống tên lửa của Philippines có tác dụng răn đe.
“Mục tiêu là răn đe Trung Quốc, khiến họ phải suy nghĩ xem có đáng để gây rắc rối trong khu vực hay không. Đặc biệt là khi quốc phòng của chúng tôi có thể liên quan đến sự tham gia của đồng minh Mỹ và các đối tác khu vực khác như Nhật Bản và Úc", ông nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bình luận về thông tin yêu cầu tị nạn của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.