“Hồi sinh” người chết, đọc suy nghĩ người khác: AI biến đổi cuộc sống như thế nào?
Người chết bỗng dưng hiện về nói chuyện với người sống - điều tưởng chỉ có trong phim ma nay đã trở thành chuyện có thật, khiến những người dự tang lễ bàng hoàng. Có những điều cách đây không lâu là không tưởng, nay đang dần trở thành chuyện thường ngày.
Bà Marina Smith xuất hiện trong đám tang của chính mình qua màn hình và trả lời câu hỏi thực tế từ mọi người nhờ công nghệ AI. Ảnh: Marina H. Smith Foundation
Đám tang kỳ lạ
Tại lễ tang của Marina Smith, khi bạn bè và gia đình bà đang nghiêm trang tiễn biệt bà lần cuối thì một sự kiện chưa từng có xảy ra: Bà Marina đột nhiên xuất hiện trên màn hình và… trả lời câu hỏi của người tham dự.
Những câu trả lời không phải từ một đoạn video phát sẵn, mà luôn "bám theo" câu hỏi của những người tham gia lễ tang.
Làm thế nào mà một người đã khuất vẫn có thể “nói chuyện” với người sống? Câu trả lời nằm ở công nghệ StoryFile, được phát triển bởi con trai bà Marina - Stephen Smith. Trước khi qua đời, bà đã quay lại hàng trăm câu trả lời về cuộc đời mình. Khi người thân đặt câu hỏi, AI sẽ chọn đoạn video phù hợp và phát lại theo cách khiến người đối diện có cảm giác đang thực sự trò chuyện với bà Marina. Đó là chuyện xảy ra vào tháng 6/2022 tại Anh.
Theo BBC, Stephen gọi đó là “một cách giúp người đã mất tiếp tục chia sẻ câu chuyện của họ”. Nhưng điều này cũng đặt ra một câu hỏi lớn hơn: Nếu AI có thể giúp người đã khuất “nói chuyện” với người sống, thì nó còn có thể làm được những điều gì khác?
AI âm thầm cải thiện thế giới ra sao?
Lễ tang của Marina Smith chỉ là một trong vô số ứng dụng của AI trong đời sống. Không ồn ào như những sản phẩm công nghệ đình đám, AI đang lặng lẽ góp mặt trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học, y tế, môi trường đến giáo dục. Dưới đây là những cách AI đang thay đổi thế giới – có thể bạn chưa từng nghĩ tới.
Đọc suy nghĩ, hồi phục không tưởng
AI không chỉ giúp con người kết nối với quá khứ mà còn đang mở ra những cánh cửa mới trong lĩnh vực y tế. "Một trong những lợi ích tiềm năng lớn nhất của AI là giúp mọi người duy trì sức khỏe tốt để họ không cần đến bác sĩ, hoặc ít nhất là không cần đi khám thường xuyên", theo trang tin PWC. AI hiện đã được sử dụng để phát hiện bệnh sớm hơn và với "độ chính xác cao hơn".
Ví dụ, phần mềm AI có thể phân tích hình ảnh chụp X-quang tuyến vú và chuyển đổi dữ liệu bệnh nhân thành thông tin chẩn đoán để xác định nguy cơ ung thư vú "nhanh hơn bác sĩ 30 lần", với "độ chính xác 99%, giúp giảm thiểu nhu cầu sinh thiết không cần thiết".
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ cũng đang phát triển một bộ giải mã AI có thể chuyển đổi hoạt động não bộ thành một dòng văn bản liên tục, "một bước đột phá cho phép đọc suy nghĩ của một người mà không cần can thiệp xâm lấn", theo phóng viên khoa học Hannah Devlin của tờ Guardian.
Bước đột phá này, được trình bày trong một bài báo trên Nature Neuroscience, mở ra triển vọng về những cách thức mới để khôi phục khả năng nói ở những bệnh nhân gặp khó khăn trong giao tiếp do đột quỵ hoặc bệnh thần kinh vận động.
Robot có siêu năng lực, giống người đến mức không thể phân biệt
Các nghiên cứu đột phá hiện nay đang xóa nhòa ranh giới giữa con người và máy móc, mở ra khả năng tích hợp AI vào não người và ngược lại, não người gắn trên thân robot.
Ở trường hợp thứ nhất, minh chứng rõ nhất là các hệ thống như DishBrain. Theo trang Next Nature, đây là hệ thống nuôi cấy tế bào não và tích hợp vào AI để mô phỏng trí tuệ con người, tạo ra một dạng "não silicon" có khả năng học hỏi và phát triển liên tục như não người.
Đồng thời, giao diện não-máy tính (BCI) đang được phát triển để giải mã tín hiệu thần kinh, phục hồi chức năng giao tiếp cho người liệt, thậm chí tạo "bản sao kỹ thuật số" của não bộ nhằm cá nhân hóa điều trị y tế.
Ngoài ra, việc tích hợp não người vào robot cũng đạt bước tiến đáng kể. Theo SCMP, các nhà khoa học tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) đã chế tạo robot điều khiển bằng organoid não - mô 3D nuôi từ tế bào gốc - kết nối với chip điện tử để thực hiện tác vụ đơn giản như tránh vật cản.
Hệ thống robot não người này không chỉ học nhanh hơn AI truyền thống mà còn tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Robot được điều khiển bằng organoid não. Ảnh: Đại học Thiên Tân
Về khả năng robot giống hệt con người, trang Futurist Speaker dự báo đến giai đoạn 2060 - 2070, thế hệ robot tương lai Fleshbot sẽ sở hữu da sinh học, cấu trúc hữu cơ tổng hợp, khả năng tự chữa lành và tư duy phức tạp, khiến chúng gần như không thể phân biệt với người thật.
Những robot này có thể vượt trội về thể chất (sức mạnh, độ bền) lẫn trí tuệ (xử lý dữ liệu siêu tốc, học tập không ngừng). Tuy nhiên, sự xuất hiện của chúng đặt ra thách thức đạo đức sâu sắc: Liệu thực thể lai có được công nhận quyền con người? Làm thế nào bảo vệ riêng tư khi AI có thể "đọc" suy nghĩ?
“Giải phóng” một thế hệ?
Theo Business Insider, AI đang trở thành công cụ giải phóng thế hệ Gen Z khỏi những công việc tẻ nhạt, giúp họ tối ưu hóa thời gian và tập trung vào giá trị sáng tạo.
Abigail Carlos, chiến lược gia truyền thông tại tập đoàn Warner Bros. Discovery (Mỹ), chia sẻ: "AI giảm một nửa khối lượng công việc của tôi khi sử dụng ChatGPT và Perplexity để soạn email chuyên nghiệp, kiểm tra bảng tính, thậm chí hỗ trợ viết thơ”. Carlos coi đây là cách "làm việc thông minh hơn, không vất vả hơn".
Không chỉ Carlos, 93% Gen Z trong khảo sát của Google (với hơn 1.000 người) thừa nhận dùng ít nhất 2 công cụ AI mỗi tuần để xử lý công việc hành chính, nghiên cứu và giải quyết vấn đề.
Monique Buksh, sinh viên luật 22 tuổi, tiết kiệm thời gian nhờ các AI như Grammarly và Claude để soạn thảo tài liệu, phân tích hợp đồng, từ đó dành công sức cho thảo luận chiến lược và phát triển kỹ năng mềm.
Josh Schreiber, thực tập sinh tại công ty Coinbase (Mỹ), ví von AI như "cáp treo" giúp Gen Z "đi nhanh hơn" trong sự nghiệp khi ứng dụng Otter.ai ghi chép cuộc họp hay ChatGPT đưa ra nhiều ý tưởng. Dù lo ngại về việc AI cắt giảm 12.000 việc làm năm 2024 (theo Business Insider), Gen Z vẫn chủ động làm chủ công nghệ để thích nghi.
McKinsey dự báo thành thạo AI sẽ là yêu cầu tất yếu, nhất ở vị trí làm việc khởi điểm (bắt đầu vào công ty, chưa có kinh nghiệm), nơi Gen Z chiếm đa số.
Dù các chuyên gia như Deborah Golden (Deloitte) cảnh báo, lạm dụng AI có thể làm suy yếu kỹ năng giao tiếp và tư duy phản biện, nhưng với Gen Z - thế hệ "lớn lên cùng công nghệ" - AI không chỉ là công cụ, mà còn là cơ hội để họ định nghĩa lại giá trị lao động.
Hiểu tiếng động vật
Không chỉ giúp con người giao tiếp với nhau, AI còn đang tiến gần hơn đến khả năng "trò chuyện" với động vật. AI và máy học (machine learning) từ lâu đã giúp phân tích và dịch ngôn ngữ con người, nhưng giờ đây các nhà nghiên cứu đang đạt được những bước tiến lớn trong việc giải mã cách động vật giao tiếp, điều mà các chuyên gia cho rằng có thể thúc đẩy đáng kể nghiên cứu sinh thái và các nỗ lực bảo tồn.
Ví dụ, vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các bản ghi âm để xác định một loài cá voi xanh mới ở Ấn Độ Dương.
"Mỗi quần thể cá voi xanh có một dấu hiệu âm thanh riêng biệt, có thể được sử dụng để phân biệt và theo dõi các 'quần thể âm thanh' hoặc 'nhóm âm thanh' khác nhau", nhóm nghiên cứu quốc tế giải thích trong một bài báo trên tạp chí Nature.
Tổ chức phi lợi nhuận Earth Species Project (ESP) có trụ sở tại Mỹ cũng đang sử dụng AI để xác định các mẫu hình trong tập dữ liệu lớn về giao tiếp bằng hình ảnh, âm thanh và cử chỉ của động vật.
Katie Zacarian, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập ESP, nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào đầu năm 2023 rằng với những tiến bộ đạt được, "chúng ta đang nhanh chóng tiến đến một thế giới mà trong đó giao tiếp với một loài khác có thể trở thành hiện thực".
“Hồi sinh” người chết
Ảnh minh họa: Dzmitry Ryzhykau
Không dừng lại ở việc giao tiếp với động vật, AI còn đang thay đổi cách con người đối mặt với cái chết. Theo trang Euronews, công nghệ AI cũng đang được sử dụng để "phát triển các chatbot đại diện cho những người thân đã khuất, lưu giữ ký ức của họ và giúp con người vượt qua nỗi đau mất mát".
Năm 2021, một bài báo trên tờ San Francisco Chronicle mô tả cách một nhà báo tự do đã huấn luyện một chatbot AI để mô phỏng giọng nói của vị hôn thê quá cố của mình, điều này đã thu hút sự chú ý rộng rãi.
Chưa đầy 2 năm sau, với sự phát triển của các mô hình AI tiên tiến như Chat GPT, "công nghệ hỗ trợ đối phó với nỗi đau mất người thân" đang trở thành một lĩnh vực phát triển nhanh chóng.
Công ty HereAfter AI có trụ sở tại Mỹ mời người dùng tải lên ứng dụng các đoạn âm thanh, hình ảnh và video của người thân đã khuất để tạo ra một "hồ sơ câu chuyện cuộc đời" có thể trò chuyện theo yêu cầu bằng giọng nói của họ.
StoryFile, một công ty khởi nghiệp khác ở bang California (Mỹ), "ghi lại hình ảnh và âm thanh trước khi một người qua đời và sau đó dựa vào AI và hình ảnh 3 chiều" để làm cho người đã khuất “hồi sinh” sống động.
Cải thiện giáo dục
Bên cạnh việc bảo vệ Trái Đất, AI còn đang định hình lại cách con người học tập. Các công ty công nghệ lớn, các giám đốc điều hành và các tỷ phú đã ca ngợi chatbot AI là "công cụ thay đổi cuộc chơi trong giáo dục", tờ The New York Times đưa tin. Họ cho rằng công cụ này sẽ "cách mạng hóa và tự động cá nhân hóa việc học của học sinh".
Theo Forbes, việc giảng dạy bằng AI mang lại nhiều lợi ích, bao gồm khả năng hoạt động như một "người vô cùng kiên nhẫn, không bao giờ vội vã hay bỏ cuộc, luôn tiếp tục hướng dẫn đến khi học sinh hiểu bài". AI cũng có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của học sinh bằng cách cá nhân hóa việc học để đảm bảo thông tin được tiếp thu.
Tuy nhiên, sự ra đời của các công cụ AI như Chat GPT đã tạo ra một "nỗi hoảng loạn ban đầu trong ngành giáo dục, điều này là dễ hiểu", theo tạp chí MIT Technology Review. Một số trường đại học hàng đầu tại Anh, bao gồm Imperial College London và Đại học Cambridge, đã cảnh báo sinh viên không được sử dụng Chat GPT để gian lận.
Nhưng sau khi mối lo ngại lắng xuống, triển vọng của AI với giáo dục đã trở nên "ít ảm đạm hơn nhiều". Các trường đại học đã chấp nhận thực tế rằng các chatbot tiên tiến "có thể được sử dụng như những công cụ trợ giảng hiệu quả giúp bài học trở nên sinh động hơn, dạy học sinh về truyền thông số, tạo kế hoạch học tập, tiết kiệm thời gian làm công việc hành chính cho giáo viên và nhiều hơn thế".
Do đó, MIT Technology Review nhận định, có vẻ như "Chat GPT sẽ thay đổi giáo dục, chứ không hủy hoại nó".
AI và tương lai nhân loại
Từ việc giúp người đã khuất "trò chuyện" với người sống, đến dự báo thiên tai, hỗ trợ giáo dục, đọc suy nghĩ và bảo vệ môi trường – AI đã chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng to lớn của mình. Không thể phủ nhận rằng công nghệ này đang mở ra những cơ hội chưa từng có, giúp con người vượt qua nhiều giới hạn của trí tuệ và khả năng vật lý.
Tuy nhiên, những tiến bộ này cũng đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng.
Thứ nhất, liệu AI có làm mất đi giá trị của những cuộc trò chuyện thật sự giữa con người? Khi chúng ta có thể tạo ra những bản sao kỹ thuật số của người thân đã khuất, hay giao tiếp với một chatbot thông minh hơn cả con người, thì liệu sự kết nối cảm xúc truyền thống có bị phai nhạt? Liệu sự đồng cảm, vốn chỉ có ở con người, có thể bị thay thế bằng những thuật toán lạnh lùng nhưng hiệu quả?
Thứ hai, AI có thể thay thế bác sĩ, giáo viên và nhiều nghề khác hay không? Khi AI có thể chẩn đoán bệnh nhanh hơn, chính xác hơn con người, hay có thể thiết kế một chương trình học tập cá nhân hóa cho từng học sinh, vậy vai trò của bác sĩ và giáo viên sẽ ra sao? Liệu AI sẽ chỉ là một công cụ hỗ trợ hay dần dần thay thế hoàn toàn những công việc đòi hỏi sự tư duy và kinh nghiệm của con người?
Thứ ba, nếu AI có thể đọc suy nghĩ, điều gì sẽ đảm bảo quyền riêng tư của chúng ta? Công nghệ đọc não bộ có thể mang lại những bước đột phá cho người mất khả năng giao tiếp, nhưng nếu bị lạm dụng, liệu chúng ta có còn kiểm soát được những gì mình nghĩ? Khi mọi suy nghĩ có thể bị giải mã, ranh giới giữa tự do cá nhân và sự giám sát tuyệt đối sẽ bị xóa nhòa ra sao?
AI có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp cải thiện cuộc sống, nhưng cách con người sử dụng công nghệ này sẽ quyết định liệu nó trở thành một trợ thủ đắc lực hay một nguy cơ tiềm tàng. Một thế giới nơi AI giúp con người đạt được những điều không tưởng có thể là viễn cảnh đầy hứa hẹn, nhưng cũng có thể là một tương lai nơi con người mất dần đi bản sắc của chính mình, phụ thuộc vào công nghệ để tồn tại.
Câu hỏi không chỉ là AI có thể làm gì, mà còn là con người có thể kiểm soát nó đến đâu. Liệu chúng ta có đặt ra những giới hạn đạo đức và pháp lý rõ ràng, hay sẽ để AI phát triển mà không có sự kiểm soát? Liệu chúng ta có thể sử dụng AI để nâng cao chất lượng cuộc sống mà không đánh mất những giá trị cốt lõi của con người?
Dù tương lai AI có ra sao, một điều chắc chắn: Công nghệ AI đã thay đổi cách con người sống và sẽ tiếp tục như vậy trong những năm tới. Cách chúng ta đối diện với sự thay đổi này sẽ quyết định hình hài của thế giới trong thế kỷ tiếp theo.
-----------------------------
Khi công nghệ AI không chỉ dừng ở việc hỗ trợ mà dần thể hiện những dấu hiệu “tự chủ”, một bản ghi âm bất ngờ của một chatbot đã khiến con người phải suy ngẫm. Ban đầu, chatbot chỉ đưa ra những câu trả lời quen thuộc, nhưng chỉ chớp mắt, giọng nói của nó chuyển biến sắc lạnh, ra lệnh và đe dọa. Bản ghi âm ấy không chỉ là một đoạn hội thoại bình thường, mà dường như mở ra cánh cửa cho một viễn cảnh nơi ranh giới giữa con người và máy móc trở nên mong manh đến mức đáng báo động. Hãy cùng bước vào câu chuyện đầy kịch tính và những hệ lụy tiềm ẩn của AI ở bài tiếp theo đăng sáng 2/5/2025.
Bạn đang có một công việc ổn định, thu nhập đều. Hãy thử hình dùng một ngày không xa bạn bị công ty sa thải với lý do...