B-21 Raider: Vũ khí đáng sợ hơn cả oanh tạc cơ ném bom cơ sở hạt nhân Iran
Với việc được Bộ Quốc phòng Mỹ “bạo chi” hàng tỷ USD, máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider đang trên đà phát triển để trở thành mũi nhọn chiến lược của Không quân Mỹ, thay thế các máy bay ném bom như B-2 Spirit. Vậy B-21 có những điểm mạnh vượt trội nào và liệu có xứng đáng là kẻ thế chỗ B-2, oanh tạc cơ gây chú ý trong vụ ném bom cơ sở hạt nhân Iran hôm 21/6?
Một máy bay ném bom B-21 trong kho chứa năm 2022. Ảnh: USAF
Lầu Năm Góc chi mạnh tay
Theo trang Eurasian Times, Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) ngày 26/6 công bố ngân sách quốc phòng năm tài chính 2026 với tổng trị giá 1,01 nghìn tỷ USD, trong đó máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider nhận được khoản đầu tư đáng kể.
Cụ thể, khoảng 4,74 tỷ USD được phân bổ cho chương trình phát triển B-21, bao gồm 2,3 tỷ USD từ ngân sách cơ bản và 2,4 tỷ USD từ dự luật hòa giải đang chờ phê duyệt tại Thượng viện. Tổng số tiền yêu cầu cho B-21, bao gồm cả sản xuất, lên tới 10,3 tỷ USD. Khoản đầu tư này nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình sản xuất, đưa B-21 sớm trở thành trụ cột của Không quân Mỹ (USAF), thay thế các máy bay ném bom chiến lược cũ như B-1B Lancer và B-2 Spirit.
B-21 Raider vs B-2 Spirit: Sự vượt trội hoàn hảo
B-21 Raider và B-2 Spirit đều là những sản phẩm đáng chú ý của tập đoàn sản xuất vũ khí Northrop Grumman, nhưng B-21 mang đến những cải tiến vượt bậc, khiến nó trở thành một thế hệ máy bay ném bom hoàn toàn mới. Dưới đây là những điểm nổi bật khi so sánh hai mẫu máy bay ném bom này, dựa trên thông tin từ các trang quân sự uy tín National Interest và National Security Journal.
Thiết kế và kích thước: Nhỏ nhưng mạnh mẽ
Cả B-21 và B-2 đều sử dụng thiết kế cánh bay đặc trưng, giúp máy bay ẩn mình tốt hơn trước radar đối phương. Tuy nhiên, B-21 nhỏ gọn hơn với sải cánh khoảng 39,6 - 42,7 mét, so với 52,4 mét của B-2.
Về khả năng mang tải trọng, B-21 có sức chứa khoảng 9,1 tấn, thấp hơn đáng kể so với 18 tấn của B-2. Thiết kế này giúp B-21 linh hoạt hơn trong các nhiệm vụ đòi hỏi sự tàng hình và tốc độ triển khai.
Công nghệ tàng hình: Thế hệ 5+ vượt xa thế hệ 1
Theo National Interest, máy bay B-2 sử dụng công nghệ tàng hình thế hệ 1 từ thập niên 80, với diện tích phản xạ radar (RCS) tương đương một con chim (xuất hiện trên radar như một con chim). Trong khi đó, B-21 được trang bị công nghệ tàng hình thế hệ 5+, với RCS nhỏ hơn đáng kể nhờ vào các cải tiến về thiết kế và vật liệu. Loại máy bay này sử dụng các vật liệu composite tiên tiến (có độ bền cao) và lớp phủ hấp thụ radar mỏng hơn và đa chức năng.
Thiết kế của B-21 được tối ưu hóa bằng công nghệ mô phỏng điện từ tính toán độ chính xác cao (CEM) và trí tuệ nhân tạo (AI), đảm bảo tàng hình 360 độ, trong khi B-2 chỉ được tối ưu từ phía trước và dễ bị phát hiện từ phía sau.
B-21 cũng có các ống hút khí chôn sâu với hình dạng ống S cải tiến và ống xả được che chắn hoàn toàn, giảm cả dấu vết radar lẫn hồng ngoại. Ngược lại, động cơ của B-2, dù được giấu trong cánh, vẫn để lại dấu vết có thể bị phát hiện.
Những cải tiến trên giúp B-21 có khả năng sống sót cao hơn trong không phận bị kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt trước các hệ thống phòng không hiện đại.
Hệ thống và kiến trúc: Linh hoạt và dễ nâng cấp
Máy bay ném bom B-21 có thể chứa 9,1 tấn bom, vũ khí. Ảnh: USAF
Theo Eurasian Times, máy bay ném bom B-21 sử dụng kiến trúc hệ thống mở thế hệ thứ 6, cho phép tích hợp công nghệ mới và nâng cấp phần mềm dễ dàng. Điều này giúp giảm rủi ro tích hợp và cho phép B-21 thích nghi với các mối đe dọa mới trong tương lai. Trong khi đó, B-2 dựa trên công nghệ từ thập niên 80, đòi hỏi các nâng cấp phần cứng tốn kém và phức tạp.
Nhờ áp dụng kỹ thuật số hóa hiện đại, B-21 có thể chuyển từ bản thiết kế sang sản xuất thực tế với độ chính xác gần như tuyệt đối – giảm sai lệch từ 15–20% xuống chỉ còn khoảng 1%.
Bảo dưỡng: Hiệu quả và tiết kiệm
B-2 nổi tiếng là máy bay tốn kém nhất trong kho vũ khí của USAF, với yêu cầu bảo dưỡng cao do lớp phủ hấp thụ radar nhạy cảm và cần nhà chứa có điều hòa.
Ngược lại, B-21 được thiết kế để giảm chi phí vận hành, với lớp phủ hấp thụ radar bền hơn, không cần điều kiện bảo quản đặc biệt. Điều này giúp tăng tỷ lệ xuất kích và giảm gánh nặng tài chính cho Không quân Mỹ.
Khả năng tác chiến: Xâm nhập bất khả xâm phạm
Theo National Security Journal, B-21 được thiết kế để xâm nhập vào không phận bất khả xâm phạm, có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới với sự hỗ trợ của tiếp nhiên liệu trên không.
B-21 sẽ là một trong hai máy bay được cấp phép mang bom hạt nhân B61-13 của Mỹ, với năng suất hạt nhân cao hơn, phù hợp để phá hủy các mục tiêu ngầm kiên cố.
Trong khi đó, B-2 đã chứng minh hiệu quả trong các chiến dịch tại Libya, Afghanistan, Iraq và gần đây là các cuộc không kích vào cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng nó không được thiết kế như B-21 để đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến.
Tương lai của B-21: Triển vọng và thách thức
B-21 có thể đối mặt với các mối đe dọa từ nhiều loại công nghệ vũ khí thế hệ mới. Ảnh: Shutterstock
Theo National Security Journal, B-21 đang trong giai đoạn thử nghiệm bay tích cực tại Căn cứ Không quân Edwards, bang California, nơi duy nhất trên thế giới có thể thấy cả 4 loại máy bay ném bom của Mỹ (B-52, B-1, B-2 và B-21) cùng hoạt động. Không quân Mỹ dự định chuyển đổi sang một phi đội gồm hai loại máy bay ném bom: B-52 và B-21.
B-52 sẽ được giữ lại nhờ tầm bay xa và khả năng mang tải trọng lớn, đặc biệt với các loại đạn tầm xa, trong khi B-21 sẽ đảm nhận vai trò mũi nhọn tàng hình.
B-1 và B-2 sẽ dần được thay thế khi B-21 đi vào hoạt động đầy đủ trước năm 2030, với các phi đội đầu tiên được triển khai tại căn cứ Không quân Ellsworth, South Dakota, tiếp theo là các căn cứ Whiteman (bang Missouri) và Dyess (bang Texas).
Tuy nhiên, tương lai của B-21 không phải không có thách thức.
Theo tạp chí National Interest, B-21 có thể đối mặt với các mối đe dọa từ nhiều loại công nghệ vũ khí thế hệ mới, bao gồm: Vũ khí năng lượng định hướng (như tia laser), tên lửa siêu thanh (như Avangard của Nga hoặc tên lửa đạn đạo DF-17 của Trung Quốc), tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân như SSC-X-9 Skyfall của Nga...
Những vũ khí trên, với tốc độ và khả năng cơ động vượt trội, có thể làm giảm thời gian phản ứng của B-21, đặc biệt nếu được triển khai trong các cuộc tấn công phối hợp. Ví dụ, tên lửa Avangard đạt tốc độ Mach 20, nhanh gấp 20 lần tốc độ tối đa ước tính của B-21 (Mach 1), khiến việc né tránh trở nên cực kỳ khó khăn.
Ngoài ra, chi phí phát triển B-21 đang tăng lên. Theo trang Breaking Defense, trong quý I năm 2025, tập đoàn Northrop Grumman ghi nhận khoản chi phí tăng thêm 400 triệu USD trong việc sản xuất B-21. Việc cân bằng ngân sách giữa B-21 và các chương trình khác như máy bay chiến đấu F-47 sẽ là một thách thức lớn.
Để bảo vệ B-21, Mỹ cần đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, chiến tranh điện tử, công nghệ chống siêu thanh và vũ khí dựa trên vệ tinh. Đồng thời, tăng cường các biện pháp răn đe trên bộ (như tên lửa đạn đạo liên lục địa Sentinel) và trên biển (như tên lửa hành trình hạt nhân SLCM-N) sẽ giúp củng cố vị thế của B-21 trong bộ ba hạt nhân của Mỹ.
Nga - Trung có gì làm đối trọng với B-21? Trong khi Mỹ chuẩn bị đưa vào biên chế máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider nhằm thay thế B-2 Spirit, Nga và Trung Quốc cũng đang theo đuổi các chương trình riêng để hiện đại hóa lực lượng máy bay ném bom chiến lược. Nga, hiện vẫn dựa vào các dòng oanh tạc cơ cũ như Tu-95MS, Tu-22M3 và Tu-160, đang đẩy mạnh sản xuất phiên bản nâng cấp Tu-160M2 để duy trì khả năng răn đe chiến lược. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn của Nga là phát triển oanh tạc cơ tàng hình mới PAK DA, với thiết kế cánh bay và tầm hoạt động khoảng 12.000 km, tải trọng là 30 tấn, có thể mang theo các loại vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa siêu thanh. Ban đầu, dự kiến nguyên mẫu sẽ bay thử vào năm 2025 và sản xuất hàng loạt sau năm 2027, theo trang Popular Mechanics và The Drive Popular Mechanics. Dù vậy, tiến độ của PAK DA đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh trừng phạt công nghệ từ phương Tây và thiếu hụt linh kiện điện tử, theo phân tích của Reuters. Chưa rõ thời điểm PAK DA được biên chế cho quân đội Nga. Trong khi đó, để thay thế H-6N, Trung Quốc được cho là đang dồn trọng tâm phát triển dự án máy bay ném bom tàng hình H-20, được cho là có thiết kế cánh bay giống B-2 và tầm hoạt động từ 8.500 đến 12.000 km. Theo phân tích của EurAsian Times, H-20 có thể trở thành đối thủ tương lai trực tiếp của B-21 trong vài năm tới. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng được cho là đang phát triển mẫu máy bay chiến đấu – ném bom có tên JH-XX (hoặc J-36), hướng tới khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật với thiết kế tàng hình, theo nghiên cứu từ Air University – CASI Air University năm 2023. |
Lướt đi trong đêm như một “bóng ma”, hầu như không gây tiếng ồn và gần như vô hình trước radar, B-2 Spirit của Mỹ không...