Cả làng làm chung, ăn chung, tiêu tiền chung
Thái Nguyên - 5h sáng, sau mấy tiếng mõ, 30 ngôi nhà sàn ở bản Thái Hải cùng bật sáng, mọi người vệ sinh cá nhân rồi cùng nhau ra khu bếp chung để ăn sáng.
"Toàn bộ hơn 200 người ở bản ăn chung với nhau ngày ba bữa từ 22 năm qua", bà Nông Thị Hảo, 60 tuổi, ở bản Thái Hải, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên nói.
Sau bữa sáng, dân bản làm việc theo phân công. Bà Hảo cùng chồng là ông Hà Văn Kiu, 62 tuổi, đi La Bằng hái chè (trà) về sao. Con rể bà ở lại làm mộc, con gái, con dâu hỗ trợ dịch vụ trong bản. Các thành viên khác người đi nấu rượu, thu hoạch sáp ong, người lại chăn nuôi, trồng trọt. Trẻ dưới 5 tuổi học trường mầm non ngay trong bản, học sinh các cấp có người đưa đón hoặc tự đến trường.
11h, tiếng mõ báo hiệu giờ nghỉ, mọi người lại tập trung về bếp ăn trưa. Bà Hảo kể trước kia cả bản ăn theo mâm, nay chuyển sang suất ăn cho phù hợp công việc từng người. Dù vậy, nhiều người vẫn đợi đủ thành viên về mới ăn để giữ nếp xưa.
Từ sau 19h, các gia đình trở về nhà riêng, sinh hoạt cùng người thân.
"Sự khác biệt của Thái Hải là nguyên tắc ăn chung nồi, tiêu chung túi tiền", bà Hảo nói. Ở đây, mỗi người được tự chọn một công việc phù hợp với khả năng nhất. Ví dụ, vợ chồng bà Hảo chỉ cần hái và sao trà, người khác có nhiệm vụ bán, tiền được nộp về quỹ chung. Cũng theo nguyên tắc này, thu nhập của các gia đình dù là làm trà, nấu rượu, làm thuốc nam, chăn nuôi, dịch vụ du lịch đều quy về một mối. Quỹ này do trưởng bản cùng một số người quản lý công khai, chi tiêu trang trải mọi chi phí sinh hoạt của các thành viên, từ ăn uống hàng ngày, điện nước, mua sắm vật tư lao động, sửa chữa nhà cửa, đến đóng học phí cho trẻ, viện phí, thuốc men hay tổ chức cưới hỏi.
Khi một người có nhu cầu mua sắm vật dụng cá nhân như điện thoại, máy tính, họ sẽ đề xuất để trưởng bản và hội đồng xét duyệt. Mọi người trong bản không có sự tị nạnh về vật chất đắt rẻ hay so bì đóng góp.
Bà Nông Thị Hảo đun nước pha chè tại nhà riêng ở bản Thái Hải, xã Đức Thịnh, TP Thái Nguyên, chiều 24/4. Ảnh: Nga Thanh
Nếp sống này do bà Nguyễn Thị Thanh Hải, người Tày ở huyện Định Hóa, khởi nguồn.
Bà Hải kể, đầu những năm 2000, thấy người dân phá nhà sàn xây nhà gạch, trẻ nhỏ không biết hát Then, đàn Tính, bà lo thế hệ sau quên bản sắc dân tộc nên thế chấp toàn bộ tài sản ở TP Sông Công, mua lại 30 ngôi nhà sàn cổ.
Năm 2003, bà chuyển số nhà sàn này từ Định Hóa về khu đất 20 ha ở xã Thịnh Đức, ngoại ô TP Thái Nguyên gây dựng cộng đồng người Tày sống theo các phong tục truyền thống. Sau hai năm, bản Thái Hải ra đời.
Ban đầu, chỉ gia đình bà Hải cùng hơn 10 người yêu văn hóa Tày ở cùng nhau. Dân làng cùng nhau đi tìm nguồn nước, kéo điện, tự làm gạch lát đường, mở lối, trồng cây phủ đồi trọc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, 63 tuổi, trưởng bản. Ảnh: Nga Thanh
Nếp sống chung mọi thứ này giúp giảm áp lực cho phụ nữ. Chị Nhung, 40 tuổi, ví cuộc sống ở Thái Hải "như trong mơ", không phải tính toán nhiều. Sáng không cần chuẩn bị bữa ăn, con cái đi học có người đưa đón, đến ngày cưới cả bản lo liệu giúp. "Tôi giỏi buôn bán, làm dịch vụ, chỉ cần làm đúng trách nhiệm, các khâu khác đã có người lo", chị Nhung nói.
Năm 2014, Thái Hải được tỉnh Thái Nguyên công nhận điểm du lịch. Ban đầu, khách đến vãn cảnh, thường nhờ người bản chuẩn bị cơm. Thấy nơi đây yên tĩnh, không khí trong lành, đồ ăn ngon, họ mách nhau tìm về. Khách đông dần, dân bản chuyển một phần sang làm du lịch cộng đồng nhưng vẫn giữ nguyên nếp sống truyền thống.
Năm 2022, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công nhận Thái Hải là một trong những Làng du lịch tốt nhất thế giới.
Chị Lê Thị Nga, Phó trưởng bản, cho biết dù phát triển du lịch, Thái Hải vẫn giữ được những giá trị cốt lõi. Bên cạnh đội ngũ làm du lịch, các gia đình vẫn duy trì nghề truyền thống như nấu rượu, làm chè lam, bốc thuốc. 30 nhà sàn cổ, có căn đã 90 năm tuổi, vẫn giữ nguyên nét xưa, vừa là không gian sống của người dân, vừa mở cửa đón khách. Trẻ em trong học hát Then, đàn tính, chơi ném còn và nói tiếng Tày để gìn giữ bản sắc.
"Thái Hải được dựng lên để bảo tồn văn hóa Tày, giữ nếp nhà sàn không mai một. Chúng tôi không chỉ bảo vệ 'phần xác' của nhà sàn mà còn cả 'phần hồn' là đời sống văn hóa, là cốt cách bản làng", chị Nga nói.
Phó trưởng bản khẳng định thế hệ trẻ sẽ tiếp nối công sức của trưởng làng, các bà mế, để duy trì nét độc đáo "ăn chung nồi, tiêu chung túi tiền".
Bà con người Tày ở bản Thái Hải cùng hạ cây nêu đầu năm 2023. Ảnh: Bản làng Thái Hải
Nhưng mô hình của Thái Hải giờ không còn là của riêng người Tày. Đến nay, bản đã có cả những gia đình người Kinh, Nùng, Sán Cháy đến từ nhiều tỉnh thành như Thái Nguyên, Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nghệ An, Kiên Giang. Họ về đây vì yêu thích nếp sống đề cao hạnh phúc, gắn bó với giá trị truyền thống.
Bà Lê Thị Hảo, giáo viên Toán về hưu ở TP Thái Nguyên, cùng chồng và các con về Thái Hải nuôi ong, làm đồ thổ cẩm từ năm 2007 vì yêu văn hóa Tày, cảm phục người sáng lập.
Bà kể ban đầu không quen mô hình "làm chung, tiêu chung", nhưng sau hiểu ý nghĩa cống hiến và hưởng thụ chung, bà tìm thấy hạnh phúc. "Cuộc sống không đặt nặng cơm áo gạo tiền khiến tôi trút bỏ gánh nặng, sống hòa mình với núi rừng", bà nói.
Còn bà Nông Thị Hảo, có bố người Nùng, mẹ người Tày nhưng chỉ ở nhà sàn đến năm 8 tuổi, tâm sự: "Chỉ khi về Thái Hải, tôi mới hạnh phúc như trở lại tuổi thơ, sống trong văn hóa dân tộc mình".
Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho...