Người phụ nữ suýt hỏng gan vì tin người nổi tiếng uống nghệ liều cao
Mỹ - Một phụ nữ 57 tuổi đã suýt phải ghép gan sau khi uống thực phẩm bổ sung nghệ mỗi ngày theo lời khuyên của KOL lan truyền trên mạng xã hội.
Uống nghệ vì tin lời KOL
Katie Mohan bắt đầu sử dụng viên nghệ sau khi thấy quảng cáo của người nổi tiếng trên Instagram và các mạng xã hội về khả năng kháng viêm, giảm đau khớp cổ tay.
Katie Mohan, sống tại bang New Jersey, là một giáo viên thể dục yêu thích các liệu pháp thiên nhiên. Sau khi gặp vấn đề đau cổ tay, cô bắt đầu uống viên nghệ (turmeric) kèm chiết xuất tiêu đen - một loại thực phẩm chức năng được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội với tác dụng giảm viêm, chống đau khớp tự nhiên.
Mỗi ngày, Mohan uống 2.250 mg nghệ - cao gấp đôi mức khuyến nghị từ Harvard Health và vượt xa giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (khoảng 200 mg/ngày tùy theo cân nặng). Trong vài tuần, cơ thể cô bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạ như mệt mỏi kéo dài, buồn nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu. Cô không nhận ra da mình đang dần chuyển sang màu vàng cho đến khi tình cờ xem một bản tin cảnh báo trên truyền hình.
Tự ý dùng thực phẩm bổ sung có nguy cơ gây phản ứng nguy hiểm nếu không theo hướng dẫn.
Cấp cứu vì tổn thương gan nghiêm trọng
Ngay sau đó, Mohan được đưa vào cấp cứu và làm xét nghiệm gan. Kết quả cho thấy chỉ số men gan ALT lên tới 1.953 U/L, gấp gần 60 lần so với mức bình thường. Bác sĩ xác nhận cô bị tổn thương gan cấp độ nặng, chỉ còn một bước nữa là phải ghép gan.
Sau 6 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện NYU Langone (New York), chức năng gan của Katie dần hồi phục nhờ phát hiện kịp thời. Cô nói: "Tôi từng nghĩ vì là thảo dược nên sẽ vô hại. Nhưng tôi đã suýt chết vì suy nghĩ đó".
Chuyên gia y tế cảnh báo: 'Tự nhiên không có nghĩa vô hại'
TS.BS. Mary Elliott, chuyên khoa gan tại NYU Langone Health (New York, Mỹ), cho biết: "Trường hợp của Katie Mohan là một minh chứng điển hình cho việc hiểu sai khái niệm 'thảo dược là an toàn'. Chúng tôi đã điều trị cho nhiều bệnh nhân bị tổn thương gan do các loại thực phẩm chức năng tưởng như vô hại. Gan là cơ quan chuyển hóa tất cả những gì bạn ăn hoặc uống, kể cả thảo dược. Dùng liều cao curcumin - đặc biệt kết hợp với piperine (tiêu đen) - có thể gây tích tụ độc tố, dẫn đến viêm gan, tổn thương tế bào gan, thậm chí suy gan cấp tính".
TS.BS. Pieter Cohen - Trường Y Harvard (Harvard Medical School), chuyên gia hàng đầu về độc tính của thực phẩm bổ sung tại Mỹ - cho biết thêm: "Rất nhiều thực phẩm bổ sung được bán tại Mỹ không trải qua kiểm duyệt nghiêm ngặt. Người tiêu dùng dễ tin rằng vì có nguồn gốc tự nhiên, chúng vô hại - điều này hoàn toàn sai lầm. Curcumin được cho là có lợi ở liều nhỏ, nhưng vượt quá 500-1.000 mg/ngày có thể làm tăng men gan, gây buồn nôn, tiêu chảy và tổn thương nội tạng nếu sử dụng kéo dài. Điều nguy hiểm là các sản phẩm này không bắt buộc phải dán cảnh báo".
Khi xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, vàng da, nước tiểu sẫm màu, đau bụng... cần đi khám ngay.
Vì sao nghệ lại có thể gây độc?
Theo nghiên cứu từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA), từ năm 2020 đến 2023 đã ghi nhận 18 ca tổn thương gan nghiêm trọng liên quan đến nghệ, trong đó 9 ca có bằng chứng rõ ràng. Khi curcumin được tiêu thụ ở liều cao và kéo dài, gan sẽ bị quá tải và dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, tiêu đen (piperine) giúp tăng hấp thu curcumin đến 2.000%, khiến độc tính tiềm ẩn càng khó kiểm soát.
Cảnh báo từ bác sĩ dành cho người dùng thực phẩm bổ sung
- Chỉ sử dụng thực phẩm bổ sung khi có chỉ định y tế rõ ràng. Không nên uống theo phong trào hay lời quảng cáo thiếu căn cứ.
- Đọc kỹ thành phần và liều lượng. Không vượt quá 500-1.000 mg curcumin/ngày.
- Theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu có biểu hiện như buồn nôn, vàng da, nước tiểu sẫm, cần ngưng ngay và đi khám.
- Người có tiền sử bệnh gan, uống thuốc điều trị lâu dài hoặc người lớn tuổi càng cần cẩn trọng.
- Tái khám định kỳ nếu sử dụng thực phẩm bổ sung kéo dài, kể cả thảo dược.