Chia sẻ

Nam giảng viên mất hai chân sau tai nạn, cha già run rẩy bế con

Sự kiện: Giới trẻ 2025
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Từ nỗi đau thể xác và tinh thần, anh đã đứng dậy bằng nghị lực, tình thân và niềm tin vào những điều tử tế trong cuộc sống.

Nam giảng viên mất hai chân sau tai nạn, cha già run rẩy bế con - 1

Tập 25 chương trình Đời Rất Đẹp đã khắc họa chân thực hành trình vượt nghịch cảnh của Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ không được học hành đến nơi đến chốn, thậm chí mẹ anh không biết chữ nên Hoàng An sớm nhận thức được con đường tri thức là cách duy nhất để anh viết tiếp ước mơ còn dang dở của gia đình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh vừa đi làm, vừa tranh thủ mượn tài liệu ôn thi cao học. Đỗ đầu kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ, anh mạnh dạn từ bỏ công việc tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM để theo đuổi đam mê học thuật. Năm 2015, anh bảo vệ thành công luận văn và đạt đồng thủ khoa ngành Tâm lý học.

Tưởng rằng cánh cửa mơ ước đã mở ra nhưng bi kịch xảy đến bất ngờ. Trong thời gian giảng dạy tại một trường đại học, tai nạn nghiêm trọng khiến anh mất cả hai chân. Ngày nhận bằng Thạc sĩ cũng chính là ngày anh nhận quyết định nghỉ việc. Vừa chạm tay vào giấc mơ, anh đã phải buông bỏ.

Ký ức của Hoàng An không chỉ là những trang sách mà còn là hình bóng cha mẹ luôn đồng hành trong mọi hành trình, kể cả khi anh không còn khả năng bước đi. Anh xúc động kể lại khoảnh khắc người cha già suýt ngã khi bế anh: “Lúc ấy, tôi chợt nhận ra cha không còn khỏe như xưa. Nếu tôi không đứng dậy, ai sẽ nâng đỡ cha mẹ tôi đây?”.

Những hình ảnh đong đầy yêu thương ấy đã được lưu giữ qua hai bức ảnh từng đạt giải Nhì trong cuộc thi Những bức ảnh trong đời do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức. Một là hình cha anh bế con trai trong vòng tay, với ánh mắt chất chứa yêu thương và mệt mỏi. Bức còn lại là hình ảnh mẹ đẩy anh đi trên con đường quê bằng chiếc xe lăn cũ kỹ, như một biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng.

“Tôi từng nằm im bất động, mất kết nối với thế giới. Chính mẹ là người đã đẩy tôi đi, giúp tôi cảm nhận lại cuộc sống. Tình yêu của cha mẹ là món quà vô giá giúp tôi đứng dậy”, anh chia sẻ.

Giai đoạn khó khăn nhất của đời mình, Hoàng An không quên sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè và những người xa lạ tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM – nơi đã khơi dậy trong anh niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt.

Miền ký ức cuối cùng trong chương trình là chiếc huy chương từ giải chạy marathon tại Cần Thơ năm 2023 – thành quả mà ít ai tin rằng, một người từng mất đôi chân có thể đạt được. Xuất phát từ một dòng bình luận trên mạng xã hội bày tỏ ước mơ được một lần tham gia chạy bộ, anh Hoàng An đã được kết nối với anh Huỳnh Hữu Cảnh – một vận động viên khiếm thị  và cùng tham dự giải đấu.

“Lúc tôi lăn xe qua cây cầu, điều đó gần như là bất khả thi. Nhưng những người xung quanh, từ cụ già đến các em nhỏ đều tiếp sức, động viên tôi. Đó là một khu vườn đầy tình người”, anh xúc động kể lại.

Không xem mình là người khuyết tật, Hoàng An tự nhận mình chỉ là “người tạm thời bị hạn chế di chuyển”. Với anh, hành trình sống tiếp không nằm ở việc có đôi chân lành lặn, mà ở tinh thần không ngừng bước tiếp.

Anh nhắn gửi đến những người đang gặp khó khăn: “Cuộc đời này rất đẹp và đáng sống. Dù bạn đang trải qua thử thách nào, đừng buông xuôi. Có thể hôm nay bạn chưa làm được nhưng nhất định ngày mai sẽ khác. Hãy tin rằng ánh sáng vẫn còn ở cuối con đường”.

Từ một đứa trẻ bị xích chân trong căn nhà đầy sự bạo lực, sống vạ vật giữa công viên và băng nhóm giang hồ, chàng trai...

Theo T.V ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Giới trẻ 2025

Xem Thêm