Chồng thắt ống dẫn tinh nhưng vợ từng mang thai khiến cả phòng khám 'đứng hình'
Một người đàn ông Đài Loan đến bệnh viện để thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn tinh nhưng bất ngờ bị chẩn đoán mắc vô tinh trùng.
Theo thông tin từ truyền thông Đài Loan, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu tên Gu Fangyu đã chia sẻ về một trường hợp đặc biệt mà cô gặp phải trong quá trình hành nghề.
Một nam bệnh nhân khoảng 30 tuổi đến phòng khám để thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn tinh nhằm kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ kiểm tra và bất ngờ phát hiện bệnh nhân không có ống dẫn tinh.
Bác sĩ nghi ngờ có vấn đề bẩm sinh liên quan đến đường dẫn tinh, vì vậy đã đề nghị thực hiện thêm xét nghiệm tinh dịch. Kết quả xét nghiệm đã khiến mọi người bất ngờ khi phát hiện người này mắc chứng vô tinh trùng (không có tinh trùng trong tinh dịch).
Ảnh minh họa.
Người đàn ông quả quyết: “Không thể nào. Vợ tôi từng mang thai mà”. Mặc dù hai vợ chồng đã chủ động chấm dứt thai kỳ vì lý do cá nhân, anh vẫn kiên định cho rằng, đứa trẻ là con chung. Tuy nhiên, kết luận y khoa lại hoàn toàn mâu thuẫn với lời khẳng định ấy, khiến bầu không khí tại phòng khám trở nên căng thẳng và nhạy cảm.
Bác sĩ Gu cho biết, tình trạng vô tinh trùng không có nghĩa là không có khả năng sinh sản 100% vì có hai loại chính:
Vô tinh trùng do tắc nghẽn: Tinh hoàn vẫn hoạt động bình thường, tạo ra tinh trùng nhưng đường dẫn bị tắc, có thể do dị tật bẩm sinh hoặc phẫu thuật trước đó. Loại này có thể can thiệp y học bằng cách hút tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn để thụ tinh nhân tạo.
Vô tinh trùng không do tắc nghẽn: Do tinh hoàn không sản sinh được tinh trùng, thường liên quan đến di truyền hoặc rối loạn nội tiết. Trường hợp này cơ hội phục hồi thấp hơn, một số cần đến giải pháp hiến tinh trùng hoặc nhận con nuôi.
Bác sĩ đưa ra 4 nhóm nam giới nên chủ động đi khám sớm nếu có kế hoạch sinh con:
- Kết hôn lâu nhưng vợ chưa mang thai dù không dùng biện pháp tránh thai.
- Từng phẫu thuật cơ quan sinh dục như chữa thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh vô sinh hoặc rối loạn nội tiết.
- Dậy thì không bình thường như ít lông, giọng không trầm.
Vụ việc "oái oăm" vừa qua là một lời nhắc nhở quan trọng về việc cần chú trọng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Việc thăm khám định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường mà còn góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh những tình huống khó xử như trong câu chuyện đã nêu.
Bác sỹ Hoàng chia sẻ câu chuyện bất ngờ về triệt sản và sự thật phũ phàng từ kết quả xét nghiệm.