Chia sẻ

Phân định pháp lý vụ ô tô gặp nạn trong sự cố khu vực cầu Hòa Bình ở Tây Ninh

Sự kiện: Thời sự
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sau hơn 2 tuần sử dụng, đường dẫn cầu Hòa Bình bị sụt lún khiến 6 người bị thương.

Khoảng 4 giờ sáng nay (11-5), anh Nguyễn Văn Tình lái ô tô chở 3 người từ xã Hòa Thành về xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Khi đi qua đường dẫn cầu Hòa Bình, bắc qua kênh Sóc Hòa Hội thì ô tô bị rơi vào phía đường sụt lún. 

Hiện trường vụ việc. Ảnh: Mạng xã hội.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: Mạng xã hội.

Hậu quả ô tô lật nghiêng, hư hỏng, 4 người trên xe bị thương. Lúc này, hai xe máy chạy phía sau ô tô cũng rơi hố sâu, 2 tài xế bị thương. 

6 nạn nhân trên ô tô và xe máy sau đó được người dân giải cứu đưa đi Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.

Đến nay xác định đường dẫn và cầu Hòa Bình mới được khánh thành từ ngày 25-4-2025.

Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết tuyến đường được khánh thành song chưa nghiệm thu. Bước đầu nhận định nguyên nhân do túi bùn cục bộ bị trượt.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận không thể cho rằng lý do thời tiết hay sự cố kỹ thuật thông thường gây ra vụ việc trên, mà là hậu quả từ những sai sót nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. 

Sự việc này đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng thi công, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong toàn bộ quá trình từ thiết kế, thi công, giám sát đến nghiệm thu công trình cũng như việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nếu cơ quan điều tra xác định có lỗi trong thiết kế, thi công giám sát hoặc nghiệm thu thì các tổ chức và cá nhân liên quan như đơn vị thi công, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị giám sát và cán bộ trực tiếp nghiệm thu công trình đều có thể bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ hậu quả đã gây ra.

Về xử phạt hành chính, căn cứ theo Nghị định 16/2022, hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu theo quy định có thể bị phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.

Trường hợp nghiệm thu công trình không đúng trình tự, thủ tục thì bị phạt từ 20-40 triệu đồng. Nếu chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế xây dựng không đúng quy định, mức phạt có thể từ 20-30 triệu đồng.

Đối với đơn vị hoặc cá nhân có trách nhiệm giám sát thi công nhưng không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định, mức xử phạt nếu là cá nhân thì bị phạt từ 15-20 triệu đồng; nếu là tổ chức thì bị phạt từ 30-40 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, các cá nhân liên quan có thể bị truy cứu theo điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Mức hình phạt có thể đến tới 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn từ 1-5 năm.

Về trách nhiệm dân sự, việc bồi thường thiệt hại được điều chỉnh tại điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng công trình xây dựng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu công trình đó gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp người thi công có lỗi trong việc để công trình gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường cùng với chủ đầu tư hoặc người quản lý công trình.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng, bao gồm khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện theo quy định; lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực; thi công không đúng thiết kế đã được phê duyệt; nghiệm thu công trình không đúng quy trình, thủ tục… 

Việc để xảy ra sự cố nghiêm trọng như vụ đường dẫn cầu Hòa Bình, theo luật sư Đào Thị Bích Liên, không chỉ là vi phạm về kỹ thuật mà còn là hệ quả của sự buông lỏng trong quản lý, thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu cố ý làm trái.

Vừa đưa vào sử dụng chưa đầy một tháng, đường dẫn cầu Hòa Bình (Tây Ninh) bất ngờ sụt lún.

Theo Đông Hoa ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thời sự

Xem Thêm