Làm gì khi bị bắn tốc độ mà nghi ngờ với kết quả của máy?
Khi bị phạt lỗi chạy quá tốc độ, người dân có quyền yêu cầu xem hình ảnh vi phạm. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, cần hiểu rõ quy định và cách phản ứng đúng khi không đồng tình với kết quả từ máy bắn tốc độ.
Việc bị cảnh sát giao thông xử phạt vì lỗi chạy quá tốc độ là tình huống không hiếm gặp. Tuy nhiên, không ít người cho rằng mình bị "oan" hoặc chưa được xem đầy đủ bằng chứng. Trong những trường hợp như vậy, người vi phạm cần hiểu rõ quyền lợi và quy định pháp luật để bảo vệ chính mình một cách đúng đắn, hợp pháp.
Trước hết, theo Điều 20, khoản 3, điểm a Thông tư 32/2023/TT-BCA, người vi phạm có quyền yêu cầu CSGT cung cấp hình ảnh hoặc kết quả ghi thu về hành vi vi phạm. Nếu tại thời điểm dừng xe, lực lượng chức năng chưa có hình ảnh ngay tại chỗ, họ phải hướng dẫn người vi phạm đến trụ sở để xem. Đồng thời, phải ghi rõ trong biên bản là chưa cung cấp hình ảnh. Tại trụ sở đơn vị, CSGT bắt buộc phải cung cấp hình ảnh, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu gây ảnh hưởng đến quyền lợi công dân.
Khi được cung cấp hình ảnh, người vi phạm cần xem xét kỹ lưỡng các chi tiết, căn cứ theo Khoản 3 Điều 7 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT. Hình ảnh ghi lại lỗi phải thể hiện rõ ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây, địa điểm ghi hình. Đồng thời, tốc độ thể hiện trong ảnh phải phù hợp với tốc độ giới hạn tại đoạn đường cụ thể, và phương tiện ghi hình phải rõ ràng nhận diện được chính xác xe vi phạm, ví dụ như dấu đỏ ngắm bắn hiển thị trên ảnh. Trường hợp thiếu một trong các yếu tố này, người dân có quyền đặt nghi vấn và kiến nghị làm rõ.
Trường hợp người dân không đồng tình với kết quả xử phạt vi phạm giao thông do máy bắn tốc độ thì có thể làm đơn khiếu nại để yêu cầu xem xét lại. Đơn khiếu nại cần ghi rõ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, và lý do không đồng ý với quyết định xử phạt, chẳng hạn như yêu cầu cung cấp hình ảnh vi phạm, hoặc chỉ ra sự không hợp lý trong biên bản xử phạt.
Sau khi hoàn thành đơn, người dân có thể nộp trực tiếp tại trụ sở CSGT hoặc gửi qua bưu điện để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nếu vẫn chưa đạt được kết quả thỏa đáng có thể khiếu nại lên cấp trên hoặc viện kiểm sát.
Khi bị phạt vì chạy quá tốc độ, nếu không đồng tình với kết quả, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu xem hình ảnh ghi nhận vi phạm và kiểm tra các yếu tố liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành vi điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ không còn đề cập đến ngưỡng vượt dưới 5 km/h như các văn bản trước đây. Nghị định chỉ quy định các mức phạt tương ứng với các khoảng tốc độ vượt quá, bắt đầu từ mức "vượt quá tốc độ tối đa cho phép từ 5 km/h đến dưới 10 km/h".
Việc Nghị định không nhắc đến trường hợp vượt dưới 5 km/h đồng nghĩa với việc cần chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan có thẩm quyền để xác định rõ căn cứ xử lý trong thực tiễn. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện cũng không nên chạy quá tốc độ cho phép mà chỉ nên chạy đúng quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Về hoạt động bắn tốc độ, người dân cũng nên biết rằng CSGT có quyền bắn tốc độ ở mọi đoạn đường, miễn là đã có kế hoạch tuần tra được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng quy trình tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA. Trong các tổ tuần tra này, CSGT có thể mặc thường phục khi bắn tốc độ, nhưng người lập biên bản xử phạt buộc phải mặc đúng trang phục ngành, đeo số hiệu công an nhân dân.
Để đảm bảo tính khách quan, khi tiến hành bắn tốc độ bí mật, tổ công tác phải được chuẩn bị đầy đủ kế hoạch, nêu rõ thời gian, địa điểm, phương thức liên lạc, thiết bị sử dụng. Sau khi phát hiện vi phạm, cán bộ bắn tốc độ phải thông báo qua bộ đàm cho lực lượng công khai ra hiệu lệnh dừng xe và lập biên bản. Tất cả hình ảnh, clip ghi nhận vi phạm phải được lưu trữ đầy đủ, chính xác và có thể kiểm tra lại tại trụ sở nếu người dân yêu cầu.
Như vậy, nếu không đồng tình với việc bị xử phạt vì lỗi chạy quá tốc độ, người dân có quyền yêu cầu xem bằng chứng, kiểm tra tính hợp pháp của quy trình ghi hình và lập biên bản. Khi phát hiện có điểm chưa rõ ràng, có thể khiếu nại theo quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Từ ngày 1/1/2025, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt cho hành vi chạy quá tốc độ được quy định rõ ràng. Đối với ô tô, nếu vi phạm vượt quá tốc độ từ 5 đến dưới 10 km/h sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; vượt từ 10 đến 20 km/h bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; và vượt trên 20 km/h sẽ bị phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đối với xe mô tô và xe gắn máy, mức phạt thấp hơn, từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng cho hành vi vượt từ 5 đến dưới 10 km/h và lên tới 8.000.000 đồng nếu vượt quá tốc độ từ 20 km/h. |
Xem thêm video được quan tâm:
CSGT Hà Nội kiểm tra vi phạm tốc độ khu vực ngoại thành.
Trường hợp tài xế không đồng tình với kết quả kiểm tra nồng độ cồn của CSGT thì có quyền yêu cầu kiểm tra lại hoặc xét...