Kiến trúc 'khác lạ' của đập dâng sông Tô Lịch: Chủ đầu tư nói gì?
Trước nhiều ý kiến về kiến trúc xây đập dâng giữ nước trên sông Tô Lịch mà báo Tiền Phong đã phản ánh trước đó, đại diện chủ đầu tư vừa có thông tin về việc này.
Cụ thể, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội (Ban Hạ tầng và Nông nghiệp - chủ đầu tư) cho biết, nằm trong kế hoạch cải tạo lòng sông và chuẩn bị cho việc lấy nước để hồi sinh lại sông Tô Lịch, có hạng mục xây dựng đập dâng Thanh Liệt. Đây là công trình có chức năng kiểm soát dòng chảy, duy trì mực nước ổn định trên sông Tô Lịch, đồng thời phục vụ bổ cập nước và hỗ trợ điều hòa hệ sinh thái dọc hai bên sông.
Công trình đập dâng trên sông Tô Lịch đang hoàn thiện.
Theo Ban Hạ tầng và Nông nghiệp, đập được khởi công từ giữa tháng 2/2025 và hiện đã hoàn thành khoảng 95% hạng mục. Đập bao gồm các phần xây dựng chính, gồm: Thân đập, van điều tiết, trạm bơm, cầu đi bộ và đài quan sát nằm trên sàn đập.
Với đài quan sát, Ban Hạ tầng và Nông nghiệp lý giải, kiến trúc được thiết kế theo hình bát giác - một thiết kế mang tính biểu tượng, hứa hẹn trở thành điểm tham quan công cộng ven sông.
Cũng theo Ban Hạ tầng và Nông nghiệp, sau khi đập Thanh Liệt hoàn thiện, thành phố sẽ tiếp tục cho khởi công thêm hai đập dâng khác tại cầu Dậu và cầu Cót. Tiến độ khởi công hai đập dâng này dự kiến trong quý III/2025. Sau khi hoàn thành hệ thống đập dâng trên sông Tô Lịch, sẽ giúp hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín trên toàn tuyến sông Tô Lịch.
Sở Xây dựng cũng cho biết, song song với việc làm đập dâng, hiện hai bên bờ sông Tô Lịch, các phường thuộc địa bàn như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Liệt… đang triển khai lát lại vỉa hè, xây dựng lan can, trồng cây xanh, thảm cỏ…
Điểm nhấn của đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch là nhà bát giác được mái lợp tôn giả ngói và các chi tiết hoa văn sơn...