Hải Phòng 100 năm trước
Hải Phòng xưa kia là làng chài nhỏ ven sông Cấm, sau đó được người Pháp đầu tư, phát triển thành đô thị hàng hải - công nghiệp.


Hải Phòng vào cuối thế kỷ 19 là vùng đất thuộc trấn Hải Dương, không phải thành lũy phong kiến như Hà Nội hay đô thị lớn như Hội An. Nơi đây chỉ là làng chài nhỏ gần cửa sông, ít được quan tâm phát triển.
Vào thời vua Tự Đức, Bùi Viện được giao phó xây dựng bến cảng bên cửa sông Cấm (đặt tên là Ninh Hải) và xây dựng căn cứ gọi là nha Hải phòng sứ. Lực lượng tuần dương gồm 200 chiến thuyền, 2.000 quân thủy thiện chiến. Căn cứ Hải phòng sứ được xem là giả thuyết cho tên gọi Hải Phòng.
Năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước dâng 5 mẫu đất và quyền kiểm soát bến Ninh Hải cho người Pháp. Từ đó đến đầu thế kỷ 20, Hải Phòng được mở mang, đầu tư phát triển thành đô thị hàng hải - công nghiệp.


Sau hiệp ước, Cơ quan thuế vụ chung quản lý việc thương mại ở vùng cảng Ninh Hải, gọi là "Hải Dương thương chính quan phòng" được đặt ở ngã ba sông Tam Bạc và sông Cấm, nay là phố Phan Đình Phùng, quận Hồng Bàng. Năm 1887, thực dân Pháp chủ trương tách một số huyện ven biển của tỉnh Hải Dương nằm lân cận cảng Ninh Hải, để thành lập tỉnh Hải Phòng. Ngày 19/7/1888, tỉnh Hải Phòng lại được tách thành TP Hải Phòng và tỉnh Kiến An.
Thời Pháp thuộc, Hải Phòng được Toàn quyền Đông Dương xếp loại thành phố cấp I ngang với Hà Nội và Sài Gòn.


Hoàng Diệu, bến cảng đầu tiên của Hải Phòng nhìn từ trên cao thập niên 1920-1930. Bến cảng được người Pháp xây dựng trên khu đất ven sông Cấm, do nhà Nguyễn nhường quyền quản lý.
Về mặt hành chính, khi đó TP Hải Phòng là nhượng địa nên việc cai quản, khai thác thuộc quyền thực trị của người Pháp. Họ đã cho xây dựng hải cảng lớn, được gọi là bến "6 kho", đồng thời đầu tư xây dựng Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính… tầm cỡ, chỉ đứng sau Hà Nội và Sài Gòn thời điểm đó. Trong đó, quan trọng nhất là vị thế của hệ thống cảng, với vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc.


Ngoài hệ thống cảng biển, nhà máy, người Pháp cũng xây dựng hàng loạt trụ sở, công trình văn hóa, nổi tiếng nhất là Nhà hát lớn. Đây cũng là một trong ba nhà hát lớn được người Pháp xây dựng ở Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Phạm Tuệ, công trình được khánh thành ngày 16/11/1900, trước Nhà hát lớn ở Hà Nội 11 năm và sau Nhà hát lớn ở TP HCM 9 tháng. Ngày nay, Nhà hát lớn thành phố vẫn thường xuyên diễn ra các sự kiện lớn.


Cầu bắc qua kênh đào Bonnal, ban đầu mang tên Đồ Sơn vì nối với đường ra Đồ Sơn, sau đổi thành cầu Doumer. Công sứ Bonnal đã cho đào kênh vành đai (kênh Bonnal) rộng 74 m, nối sông Tam Bạc với sông Cấm, tách khu của người Pháp cùng khu phố bản xứ (chủ yếu của người Hoa) khỏi các làng của người Việt ở phía Nam.
Kênh Bonnal bị lấp đi một phần lớn từ khoảng năm 1918 đến 1920 để mở rộng thành phố. Cầu Bonnal trở thành đường. Năm 1944, Đốc lý Luciani (chức vị tương đương Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố hiện nay) cho xây 5 quán hoa ở khu vực này.


Kênh Bonnal được đào năm 1885 và bị lấp đi một phần lớn từ khoảng năm 1918 đến 1925. Từ đó đến nay, kênh đào này trở thành dải vườn hoa trung tâm. Phần còn sót của kênh đào chính là hồ Tam Bạc ngày nay.


Cầu Courbet bắc qua kênh Bonnal ở đoạn qua đại lộ Paul Bert (đường Điện Biên Phủ ngày nay), ảnh chụp đầu thế kỷ 20. Phía cuối cầu là trụ sở hãng tàu Chargeurs Réunis. Do hãng thường treo lá cờ hình 5 ngôi sao nên người dân quen gọi là hãng tàu năm sao.


Đại lộ Bonnal xưa nay là đường Trần Phú vào những năm cuối thế kỷ 19 đã có cột điện. Năm 1892, người Pháp cho xây nhà máy điện tại đây, đến tháng 2/1893, Hải Phòng có điện sử dụng và là thành phố đầu tiên có điện ở Đông Dương. Trong ảnh còn có căn biệt thự lớn vốn là nhà của một đại tư sản người Hoa, sau đó trở thành khách sạn của Nhật rồi bệnh viện của bác sĩ Fesque người Pháp. Hiện nay, tòa nhà này là Trung tâm Da liễu Hải Phòng.


Trụ sở công ty dầu Standard Oil ở đại lộ Bonnal, ảnh chụp đầu thế kỷ 20. Ở chính giữa là con đường dẫn vào ga Hải Phòng. Công trình này hiện là trụ sở TAND quận Ngô Quyền. Con đường dẫn vào ga Hải Phòng giờ có tên Phạm Ngũ Lão.


Ga Hải Phòng được xây dựng vào khoảng năm 1902 và hiện vẫn là một trong những ga tàu hỏa to và đẹp nhất miền Bắc.
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, thực dân Pháp đẩy mạnh việc phát triển giao thông đường bộ và đường sắt để nối liền cảng Hải Phòng với Hà Nội, tỏa khắp Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ phục vụ việc chuyên chở hàng hóa và nguyên vật liệu.
Đường sắt Hải Phòng - Lào Cai dài 383 km dược khởi công từ 1899 và hoàn thành vào năm 1906 giúp thực dân Pháp đẩy mạnh việc vơ vét tài nguyên phong phú ở miền Bắc Việt Nam và xâm nhập thị trường Hoa Nam. Tuyến đường bộ Hải Phòng - Hà Nội dài hơn 100 km cũng được hoàn thành và xếp vào loại đường trục "Đường thuộc địa số 5".


Khu vực cầu Courbet chụp từ phía hãng tàu năm sao nhìn về doanh trại lính Pháp, hiện là trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân.


Trụ sở của Công ty Tài chính Pháp quốc và Thuộc địa (Société Financière Française et Coloniale - SFFC) tại Hải Phòng được xây dựng vào năm 1926 và hoàn thành vào năm 1927. Công trình nằm đối diện hãng tàu năm sao nên người dân thường gọi là nhà băng năm sao. Hiện nay công trình này là trụ sở một ngân hàng.


Cầu Ca-rông xưa nằm ở vị trí thẳng với phố Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng ngày nay. Cây cầu nổi tiếng một thời ấy đối diện với hãng nước mắm Ông Sao trên phố Quang Trung hiện còn dấu tích. Khi chính quyền lấp kênh Bonal, chủ hãng sửa chữa tàu Ca-rông (trụ sở tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế - đường Nguyễn Đức Cảnh ngày nay) đã phản đối vì ảnh hưởng đến công việc của họ. Hai bên đi đến thống nhất giữ lại đoạn sông là hồ Tam Bạc ngày nay nhưng hãng tàu phải xây cầu nối hai bên.
Cầu được xây dựng từ năm 1925 bằng sắt, mặt lát gỗ, có thể cất lên cho thuyền bè qua lại dưới kênh Bonnal vào giờ quy định. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, cầu bị hư hại. Sau khi tiếp quản thành phố, cầu được sử dụng thêm một thời gian và dỡ bỏ cuối năm 1970 vì không thể phục hồi.


Phố người Hoa ở quận Hồng Bàng năm 1920, nay là phố Lý Thường Kiệt. Tư sản Hoa kiều đã có mặt ở Hải Phòng từ những ngày đầu Pháp khai thác khu nhượng địa, sở hữu nhiều nhà máy, khách sạn, công xưởng. Dân số hơn 10.000 vào năm 1920, sống tập trung ở các phố Lý Thường Kiệt, Quang Trung ngày nay.
Nhiều địa điểm, công trình ở TP HCM ngày nay từng là nơi đánh dấu những thời khắc lịch sử ngày 30/4 của 50 năm trước.