Chia sẻ

Giải pháp để Hà Nội cấm xe máy chạy xăng trong nội đô

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi xanh từ xe chạy nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, Hà Nội cần có các giải pháp tổng thể như hỗ trợ tiền cho người dân, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, đầu tư trạm sạc phủ rộng...

Cần giải pháp tổng thể trước khi cấm xe máy chạy xăng dầu

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí tại Hà Nội, mới đây, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo chỉ thị trên, Thủ đô Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 1/7/2026. Đây là bước đi mở đầu cho lộ trình hướng tới phương tiện xanh tại Việt Nam.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng: "Việc cấm xe máy xăng trong khu vực trung tâm Thủ đô là phù hợp với xu thế khi nhiều đô thị trên thế giới cũng đã áp dụng hoặc có kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, một chính sách đúng, nếu thiếu sự chuẩn bị đủ tốt, có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực kiểu ngăn sông cấm chợ".

Theo GS.TS Sùa, để chủ trương này đi vào thực tiễn, cần một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng rất cụ thể với thời gian ít nhất 5 năm. Trong đó, đầu tiên cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục cho người dân lộ trình sử dụng phương tiện giao thông tại đô thị.

Cấm xe máy chạy xăng ở nội đô Hà Nội để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

Cấm xe máy chạy xăng ở nội đô Hà Nội để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí.

"Rất nhiều người dân hiện nay dùng xe máy xăng để di chuyển đến các bệnh viện, trường học, cơ quan ở khu vực trung tâm, trong khi điều kiện hạ tầng công cộng chưa đáp ứng đủ, họ biết phải sử dụng phương tiện gì để di chuyển vào khu vực trên? Nếu mua thêm hoặc chuyển sang xe máy điện sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và mưu sinh, nhất là với dân lao động. Rồi sau này nếu cấm xe xăng thì việc xử lý vi phạm sẽ như thế nào? Ai là người kiểm soát trong một phạm vi rộng như vậy? Nếu làm không khéo sẽ dẫn đến ùn ứ, ách tắc giao thông, thậm chí lãng phí lớn nguồn lực", GS.TS Từ Sỹ Sùa lo ngại.

Nêu quan điểm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường, ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh những chỉ đạo trong Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết sức cấp bách, mang tính tổng thể và toàn diện, nhằm cải thiện môi trường sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ông Thức cũng nêu quan điểm rằng việc chuyển đổi xanh cần phải có cơ chế hỗ trợ chính sách, ngân sách từ Trung ương đến địa phương.

Ông Thức cho hay Chỉ thị số 20/CT-TTg đã đưa ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, về không khí tại một số đô thị lớn, về nước thải tại lưu vực sông hay là xử lý chất thải rắn tại các đô thị, vùng nông thôn; cũng như đưa ra nhiều giải pháp bổ trợ khác với tổng thể về mặt cơ chế, chính sách để mục tiêu đạt được giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống an lành cho người dân.

Trong suốt năm qua, theo mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, trước đây là của Bộ Tài nguyên và Môi trường nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan này đã quan trắc và theo dõi, kết quả cho thấy vào thời điểm năm 2019 (trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19 toàn cầu) thì chất lượng không khí có suy giảm ở tại một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội.

Thế nhưng, trong thời kỳ diễn ra đại dịch thì hầu như các hoạt động sản xuất, hoạt động của cá nhân, hoạt động đi lại, giao thông giảm thiểu, nên chất lượng môi trường không khí ở các đô thị nói chung và đặc biệt Hà Nội là tốt. Điều đó phản ánh nếu không kiểm soát tốt các hoạt động phát thải gây ô nhiễm thì sẽ làm suy giảm chất lượng không khí tại các đô thị.

Về giải pháp cần làm, ông Thức cho biết Chỉ thị số 20/CT-TTg có giao rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho tất cả các bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc, trong đó tập trung vào các đô thị lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao 5 nhóm nhiệm vụ lớn. Hiện nay, Cục Môi trường đang tham mưu cho lãnh đạo bộ để xây dựng triển khai ngay trong tuần tới. Trước mắt sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát đánh giá lại toàn bộ các quyết định, chỉ đạo trước đây của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ.

"Ví dụ như Quyết định số 1973/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 cũng phải rà soát đánh giá lại xem các bộ, ngành, địa phương triển khai ra sao, nhiệm vụ nào đã triển khai được, cái nào còn đang chậm tiến độ, phải làm rõ trách nhiệm," ông Thức nói.

Đầu tư mạnh vào giao thông công cộng

Nhóm giải pháp tiếp theo là Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Liên quan đến mô hình chính quyền 2 cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã tham mưu Chính phủ sửa đổi một số công việc phân cấp, phân quyền cho địa phương để triển khai những nhiệm vụ này.

"Chúng ta cũng phải rà soát lại hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Tôi lấy ví dụ như quy chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành mà bộ đã ban hành. Tới đây bộ sẽ ban hành tiếp quy chuẩn về khí thải về mô tô và xe gắn máy, trong đó có quy định lộ trình kiểm chuẩn các phương tiện từ mô tô, xe máy," ông Thức nói.

Ví dụ như Hà Nội sẽ phải kiểm chuẩn xe mô tô, xe gắn máy từ 1/7/2027 để đạt được lộ trình đó thì các địa phương như Hà Nội sẽ phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất như: Điểm kiểm chuẩn khí thải phương tiện hay các cơ chế chính sách khác, cũng tham mưu phối hợp cùng Bộ Tài chính thu hút nguồn lực đầu tư.

Nhóm giải pháp thứ ba là Thủ tướng giao cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phải đầu tư, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tăng cường mạng lưới về quan trắc để có số liệu dày đặc, đảm bảo thông tin phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương. Bởi các thông tin về dữ liệu quan trắc, nhất là thông tin về chất lượng không khí phải được chia sẻ để người dân nắm được hàng ngày.

Cục trưởng Cục Môi trường cũng cho biết hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng một dự báo, cảnh báo tiến tới có phát bản tin giống bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, đưa ra các chỉ số từng vùng, đặc biệt là các thông số ô nhiễm

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cũng thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thiện giai đoạn cuối trình Thủ tướng Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 - 2030 trong đó có đề xuất các chỉ tiêu. Ví dụ như đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030 với Thủ đô Hà Nội phải giảm bụi mịn xuống 20% so với năm 2024.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Jakarta và các nước châu Âu. Các đô thị này đều đồng thời thực hiện cấm xe xăng dầu, khuyến khích phương tiện sạch và đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông công cộng.

Từ thực tiễn quốc tế, ông Tùng cho rằng Hà Nội cần thiết kế chính sách hỗ trợ toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng an toàn vận hành, mạng lưới sạc pin và năng lực của giao thông công cộng trước khi cấm xe máy xăng. 

Các chuyên gia cùng chung quan điểm, không thể chỉ cấm xe máy chạy xăng đơn lẻ mà phải đi cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ bủa vây như tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ. Đồng thời có chính sách khuyến khích người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc chuyển đổi phương tiện và phủ rộng hệ thống trạm sạc...

Nếu các doanh nghiệp nội địa không chuẩn bị kịp, xe máy điện nhập khẩu giá rẻ, chất lượng kém rất có thể sẽ ồ ạt tràn...

Theo Tô Hội ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Cấm xe máy xăng vành đai 1 Hà Nội

Xem Thêm