Công dân có chỉ số cơ thể thế nào mới được nhập ngũ?
Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 68/2025/TT-BQP (gọi tắt là Thông tư 68), sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 148/2018/TT-BQP (gọi tắt là Thông tư 148) về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Thông tư mới tập trung vào việc cập nhật tiêu chuẩn sức khỏe, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình tuyển quân.
Theo đó, Thông tư 148 trước đây quy định tiêu chuẩn sức khỏe được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP. Các trường hợp không gọi nhập ngũ bao gồm công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị từ 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ), nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS.
Trong Thông tư 68, trong việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tiêu chuẩn sức khỏe sẽ được thực hiện theo Thông tư 105/2023/TT-BQP. Cụ thể, không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân mắc tật khúc xạ cận thị lớn hơn 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ; chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) nhỏ hơn 18.0 hoặc lớn hơn 29.9.
Chiến sĩ thuộc Đoàn Nghi lễ Quân đội (Bộ Tổng tham mưu). Ảnh: Nguyễn Minh
Điểm đặc biệt và hoàn toàn mới trong Thông tư 68 là việc lần đầu tiên đưa ra quy định cụ thể về chỉ số BMI. Theo đó, những công dân có chỉ số BMI nằm ngoài giới hạn cho phép sẽ không đủ điều kiện nhập ngũ.
Để nâng cao tính minh bạch, Thông tư 68 quy định rõ ràng về việc công khai danh sách các công dân thuộc diện tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ. Danh sách này phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức và nơi sinh hoạt cộng đồng, của thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, ấp, bản, làng, phum, sóc; đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử cấp xã trong vòng 20 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký quyết định.
Ngoài ra, Thông tư 68 còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Điều 1, 6, 7 và 10 của Thông tư 148, nhằm hoàn thiện hơn các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong công tác tuyển quân.
Theo các chuyên gia y tế, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) dưới 18.0 chỉ ra tình trạng thiếu cân, gầy yếu hoặc suy dinh dưỡng. Tình trạng này có thể dẫn đến giảm sức bền, sức đề kháng kém và hạn chế khả năng chịu đựng các hoạt động cường độ cao. Ngược lại, BMI vượt quá 29.9 thường thuộc diện thừa cân nghiêm trọng hoặc béo phì. Theo các nghiên cứu y khoa, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường. Đồng thời, thể trạng quá khổ có thể gây khó khăn trong các hoạt động thể lực đòi hỏi sự nhanh nhẹn, linh hoạt. |
Đại tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ký ban hành thông tư về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.