Bốn tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập
Sau sáp nhập, 4 tỉnh: Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình nằm trong danh sách định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn tới.
Theo Quyết định số 891 năm 2024 về phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 7 tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương và Bình Dương.
Tuy nhiên, theo Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp do Thủ tướng phê duyệt ngày 14/4, có 52 ĐVHC cấp tỉnh được sáp nhập thành 23 đơn vị. Trong 52 ĐVHC được sắp xếp lại này có Hải Dương, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, tỉnh Hải Dương sáp nhập với TP Hải Phòng thành thành phố trực thuộc Trung ương có tên TP Hải Phòng. Tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập với TPHCM thành thành phố trực thuộc Trung ương có tên TPHCM.
Như vậy, 3 tỉnh này sau khi thực hiện sáp nhập, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng nghĩa với việc không còn nằm trong danh sách định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Bốn tỉnh còn lại gồm: Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình vẫn nằm trong danh sách định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn tới.
Thông tin về diện tích, dân số của 4 tỉnh này sau sáp nhập:
Theo Nghị quyết 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định như sau:
Dân số từ 1 triệu người trở lên Diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên Về số ĐVHC trực thuộc - quy định này sẽ được thay đổi sau khi không tổ chức cấp huyện từ ngày 1/7 Về loại đô thị: Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại 1; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại 1. Về trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 27/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211: - Cân đối thu chi ngân sách: Đủ - Thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước (lần): 1,75 - Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước - Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước - Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 90% - Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường: 90% Về yếu tố đặc thù: - Thành phố ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50%, mức tối thiểu của tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội bằng 70% mức quy định đối với thành phố tương ứng; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định. - Thành phố trực thuộc trung ương có 2 yếu tố đặc thù sau đây thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số, tiêu chuẩn tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện bằng 50% mức quy định; các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định: + Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận + Được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Thành phố có nhiều yếu tố đặc thù thì mỗi tiêu chuẩn chỉ được áp dụng mức giảm tương ứng với một yếu tố đặc thù quy định. |
Đặc điểm kinh tế xã hội, tiềm năng của 4 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập:
1. Khánh Hòa (Khánh Hòa + Ninh Thuận)
Tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hoàng Hà
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa sở hữu dải bờ biển dài và đa dạng bậc nhất cả nước, hội tụ các trung tâm du lịch lớn như Nha Trang, Vĩnh Hy, Bình Tiên cùng các vịnh biển và đảo nổi tiếng.
Khánh Hòa sẽ là trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia với hệ thống điện gió, điện mặt trời quy mô lớn tại Ninh Thuận và khu công nghiệp năng lượng sạch đang phát triển. Ngoài ra, với cảng biển nước sâu Cam Ranh, sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa có tiềm năng phát triển logistics vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Hệ thống đô thị liên thông (Nha Trang – Cam Ranh – Phan Rang) tạo nên vùng đô thị biển quy mô lớn, dễ tổ chức theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương đa trung tâm.
2. Bắc Ninh (Bắc Ninh + Bắc Giang)
Tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Phạm Hải
Sau sáp nhập, Bắc Ninh sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp điện tử lớn nhất cả nước, với hàng loạt khu công nghiệp tập trung vốn FDI quy mô lớn như Samsung, Foxconn, Canon... Dân số tỉnh vượt 3 triệu, diện tích đủ lớn để Bắc Ninh hình thành một siêu đô thị công nghiệp – công nghệ cao nằm ngay cửa ngõ phía Bắc Hà Nội.
Bắc Ninh cũng sở hữu hạ tầng giao thông kết nối hoàn chỉnh: cao tốc Nội Bài – Hạ Long, quốc lộ 1, các tuyến đường sắt và hệ thống logistics phát triển.
Ngoài ra, với nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, mật độ lao động kỹ thuật lớn, Bắc Ninh có tiềm năng trở thành “thành phố sản xuất thông minh” của vùng Thủ đô.
3. Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hà
Giữ nguyên địa giới nhưng Quảng Ninh đã có mô hình tỉnh đô thị đa trung tâm với các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí...
Quảng Ninh là địa phương duy nhất có đầy đủ cả đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay riêng (Vân Đồn). Tỉnh này cũng tiên phong phát triển kinh tế biển, công nghiệp xanh và du lịch di sản, với vị thế “cửa ngõ phía Đông Bắc” giáp Trung Quốc.
Quảng Ninh có nền tảng quy hoạch hiện đại, hành chính tinh gọn, quản trị đô thị hiệu quả – phù hợp để chuyển lên cấp thành phố trực thuộc Trung ương mà không cần điều chỉnh địa giới.
4. Ninh Bình (Ninh Bình + Nam Định + Hà Nam)
Tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Nam Khánh
Sau sáp nhập, Ninh Bình có vị trí liền kề thủ đô, kết nối Bắc – Trung qua các tuyến huyết mạch: cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất.
Ninh Bình cũng là nơi hội tụ di sản văn hóa – lịch sử bậc nhất cả nước: Tràng An, cố đô Hoa Lư, Phủ Dày, chùa Tam Chúc – có tiềm năng lớn về du lịch tâm linh, văn hóa và sinh thái.
Công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh tại các khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), Hòa Mạc, Mỹ Trung, Gián Khẩu… cùng lực lượng lao động dồi dào. Hệ thống đô thị liên kết chặt chẽ từ Phủ Lý – Ninh Bình – Nam Định giúp hình thành vùng lõi đủ điều kiện về dân số, hạ tầng và quy hoạch để nâng cấp hành chính.
Bốn địa phương này, sau điều chỉnh địa giới, đều hội đủ các điều kiện về quy mô, vai trò vùng, trình độ phát triển, hạ tầng và năng lực quản trị để có tiềm năng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thế hệ mới, đóng vai trò đầu tàu trong các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
TP Đà Nẵng mới sau sáp nhập với tỉnh Quảng Nam có diện tích hơn 11.800km2, lớn nhất trong số 6 thành phố trực thuộc...