Tình báo Mỹ: Một tiêm kích do Trung Quốc sản xuất bắn hạ 2 tiêm kích Ấn Độ
Một chiến đấu cơ J-10 do Trung Quốc sản xuất (do quân đội Pakistan vận hành) đã bắn rơi ít nhất 2 tiêm kích của Ấn Độ, Reuters dẫn lời giới chức tình báo Mỹ.
J-10, mẫu tiêm kích đáng gờm của Trung Quốc (ảnh: Eurasian Times)
Hôm 9/5, Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ (giấu tên) đưa tin, trong trận không chiến ngày 7/5, một chiếc tiêm kích J-10 do quân đội Pakistan vận hành đã bắn rơi ít nhất 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Trong đó, có một tiêm kích Rafale – dòng máy bay chiến đấu hiện đại do Pháp sản xuất.
Đây là lần đầu tiên tiêm kích J-10 được sử dụng trong nhiệm vụ chiến đấu thực tế và đã phát huy năng lực, theo Reuters.
Trong vụ đụng độ hôm 7/5, quân đội Ấn Độ không sử dụng tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, 2 quan chức Mỹ (giấu tên) nói với Reuters.
Ấn Độ đến nay không thừa nhận mất bất kỳ máy bay nào khi đối đầu với không quân Pakistan.
Hôm 7/5, Ấn Độ tuyên bố, quân đội nước này đã thực hiện thành công các vụ không kích nhằm vào hạ tầng của một số nhóm “khủng bố” ở Pakistan.
Từ Islamabad, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan – ông Khawaja Muhammad Asif – cho hay, tiêm kích J-10 của nước này đã bắn hạ 3 máy bay Rafale do Pháp sản xuất, vừa được Ấn Độ mua lại.
Tổng cộng, các tiêm kích của Ấn Độ đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu Ấn Độ.
Ở Pháp, nhà thầu vũ khí Rafale Dassault Aviation tạm thời từ chối đề nghị bình luận của Reuters về năng lực của các chiến đấu cơ Rafale mà hãng này sản xuất.
Theo Reuters, tiêm kích Rafale và J-10 đều là các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4.5, hiện đại bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, tiêm kích J-10 nhỉnh hơn Rafale nhờ vào vũ khí là tên lửa đất đối không PL-15.
Từ năm 2019, Ấn Độ đã bắt đầu trang bị cho các tiêm kích Rafale tên lửa không đối không Meteor. Đây là loại tên lửa có tầm bắn khoảng 200km với vận tốc Mach 4 (khoảng 4.900 km/h) sau khi rời giá phóng.
Trong khi đó, các tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất được trang bị tên lửa PL-15. Đây là một trong những tên lửa không đối không hiện đại nhất do Trung Quốc phát triển, với tầm bắn 200 – 300km và vận tốc tối đa Mach 4 đến Mach 5 (khoảng 6.174 km/h) sau khi rời bệ phóng.
Khả năng chống nhiễu của tên lửa PL-15 cũng được đánh giá là tốt hơn so với tên lửa Meteor.