Nguy cơ Ấn Độ - Pakistan đụng độ: Lực lượng nào mạnh hơn?
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan gia tăng sau vụ xả súng đẫm máu ở Kashmir. Giới quan sát đang lo ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 quốc gia láng giềng cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ấn Độ có quy mô lực lượng lớn hơn Pakistan (ảnh: India Today)
Theo Bloomberg, không ai mong muốn xung đột xảy ra ở khu vực Nam Á, nhưng chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang chịu áp lực phải đáp trả Pakistan sau vụ tấn công khiến 26 người thiệt mạng ở thị trấn Pahalgam, vùng Kashmir (hôm 22/4). Giới chức Ấn Độ chưa bắt được nghi phạm khủng bố nào.
Hôm 29/4, chính phủ Pakistan cảnh báo, Ấn Độ có thể tấn công quân sự “trong vòng 24 đến 36 giờ tới”.
“Pakistan có thông tin tình báo đáng tin cậy rằng Ấn Độ dự định tiến hành một cuộc tấn công quân sự trong vòng 24 đến 36 giờ tới, sử dụng vụ việc ở Pahalgam như một cái cớ giả tạo”, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Attaullah Tarar bình luận trên mạng xã hội.
Tương quan lực lượng quân sự
Theo Bloomberg, về mặt lý thuyết, Ấn Độ có lực lượng mạnh hơn Pakistan nếu xung đột xảy ra. Ấn Độ có khoảng 1,4 triệu quân thường trực, gấp đôi quân số của Pakistan.
Ấn Độ cũng chi nhiều tiền hơn cho lực lượng quân sự - khoảng 86 tỷ USD trong năm 2024. Con số này đưa Ấn Độ vào danh sách 5 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu đụng độ xảy ra ở Kashmir (khu vực có địa hình hiểm trở) thì cả Ấn Độ và Pakistan đều có thể gặp khó khăn trong việc triển khai lực lượng quy mô lớn.
Mặt khác, phần lớn lực lượng vũ trang Ấn Độ đang hiện diện ở khu vực biên giới phía bắc, giáp Trung Quốc. Trong khi đó, Pakistan cũng huy động lực lượng lớn để phòng thủ biên giới với Afghanistan.
“Quân đội Ấn Độ có quy mô lớn hơn Pakistan, nhưng phải đối mặt với thách thức khi bảo vệ cả 2 đường biên giới”, ông Harsh Pant – chuyên gia phân tích quân sự tại New Delhi – nhận xét.
Vũ khí hạt nhân
Theo báo cáo của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ( ACA), Ấn Độ có khoảng 170 đầu đạn hạt nhân và Pakistan cũng sở hữu số lượng tương đương. Đối với Pakistan, vũ khí hạt nhân chủ yếu để răn đe Ấn Độ - đối thủ lớn trong khu vực.
Ấn Độ duy trì chính sách không tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Nước này cũng không công khai năng lực sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Ngược lại, Pakistan bảo lưu quyền tấn công hạt nhân phủ đầu trong mọi tình huống. Pakistan cũng phát triển tên lửa đạn đạo Nasr (Hatf-9) với tầm bắn khoảng 70km với khả năng tấn công hạt nhân chiến thuật.
Binh sĩ Pakistan lái xe tăng Al-Khalid (ảnh: CNN)
Vũ khí tầm xa
Theo Bloomberg, Ấn Độ có lợi thế đáng kể về vũ khí tầm xa khi đã phát triển tên lửa Agni-V có tầm bắn 5.000 đến 8.000km.
Tên lửa Shaheen 3 của Pakistan, hiện đang trong quá trình phát triển, có tầm bắn khoảng 2.750km.
Cả Ấn Độ và Pakistan đều nhập khẩu đáng kể vũ khí nước ngoài, chủ yếu là từ Nga và Trung Quốc. Vài năm gần đây, Ấn Độ chuyển hướng sang mua vũ khí từ Mỹ, Pháp và một số quốc gia khác.
Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (Sipri).
Trong khi Pakistan đang cố gắng bảo vệ mình về mặt ngoại giao và quân sự, Ấn Độ đã âm thầm tiếp cận Afghanistan.