Chia sẻ

Harvard phản bác sau khi ông Trump dọa tước quyền miễn thuế

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Harvard phản bác lời đe dọa tước quyền miễn thuế với đại học này của ông Trump, mô tả đây là hành động "bất hợp pháp" và gây tổn hại.

"Nếu chính phủ thực hiện kế hoạch tước quyền miễn thuế của chúng tôi, điều đó hoàn toàn là hành động bất hợp pháp, trừ khi có một số lý do mà chúng tôi chưa từng biết để biện minh cho động thái gây sốc này", Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber nói trong cuộc phỏng vấn với WSJ đăng ngày 2/5.

Bình luận được ông Garber đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cùng ngày đăng bài trên Truth Social, nói rằng "chúng tôi sẽ tước quyền miễn thuế của Đại học Harvard. Đó là điều họ đáng phải nhận".

Đại học Harvard, giống hầu hết các đại học công lập và tư thục ở Mỹ, được hưởng quyền miễn thuế với tư cách tổ chức phi lợi nhuận và nhờ những đóng góp của họ cho xã hội, tương tự nhà thờ và các tổ chức từ thiện.

Nhờ quyền miễn thuế, Đại học Harvard không phải đóng thuế nhà đất hay từ các khoản đầu tư. Trường có thể phát hành trái phiếu miễn thuế, vốn rất hấp dẫn với nhà đầu tư. Người quyên góp có thể khấu trừ thuế các khoản tài trợ cho Harvard, khiến họ sẵn sàng chi tiền cho cơ sở này hơn.

Harvard có hàng loạt cơ sở ở vùng Greater Boston, bang Massachusetts. Một phân tích của Bloomberg ước tính Harvard năm 2023 hưởng lợi 158 triệu USD thuế nhà đất. Tổng cộng, trường này hưởng lợi ít nhất 465 triệu USD trong cùng năm nhờ chính sách miễn thuế. Mất quyền này có thể khiến Harvard tốn thêm chi phí lên đến hàng tỷ USD, khi ông Trump chỉ vừa bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm.

"Thông điệp mà lời đe dọa tước quyền miễn thuế này gửi đến cộng đồng giáo dục sẽ rất khủng khiếp. Nó cho thấy bất đồng chính trị có thể được sử dụng làm cơ sở để gây ra mối đe dọa sống còn với rất nhiều tổ chức giáo dục", ông Garber nói.

Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber (giữa). Ảnh: Harvard Crimson

Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber (giữa). Ảnh: Harvard Crimson

Một quan chức chính quyền cho biết bài đăng của Tổng thống không phải chỉ thị chính thức để Sở Thuế vụ Mỹ thực hiện. Một phát ngôn viên của Harvard cũng cho biết trường chưa nhận được thông báo từ Sở Thuế vụ rằng quy chế miễn thuế đang được xem xét lại.

"Quy chế miễn thuế được cung cấp cho các tổ chức giáo dục để họ có thể thực hiện thành công sứ mệnh giáo dục và đối với các đại học nghiên cứu, đó là sứ mệnh nghiên cứu. Rõ ràng điều đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng tôi mất đi quy chế miễn thuế", ông Garber nói.

Căng thẳng giữa Đại học Harvard và chính quyền ông Trump leo thang từ cuối tháng 3, khi Bộ Giáo dục Mỹ cảnh báo sẽ đánh giá lại khoản tài trợ 8,7 tỷ USD cho trường. Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ đã ra loạt yêu cầu với Đại học Harvard, trong đó có thay đổi chương trình giảng dạy và cách thức tuyển sinh, nhằm "loại bỏ tư tưởng bài Do Thái".

Đại học Harvard thông báo sẵn sàng hợp tác với chính quyền, nhưng cho rằng các yêu cầu như vậy là động thái can thiệp quá mức từ chính quyền. Chính quyền Trump sau đó thông báo đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ cho Đại học Harvard.

Harvard tháng trước đệ đơn kiện chính quyền ông Trump, mở ra cuộc đối đầu pháp lý giữa đại học nổi tiếng hàng đầu Mỹ với Nhà Trắng. Đơn kiện lập luận rằng chính phủ đã vi phạm các quyền hiến định của đại học này bằng cách đóng băng hàng tỷ USD tài trợ liên bang và gây nguy hiểm cho quyền độc lập về học thuật của trường.

Kế hoạch tổ chức diễu binh quy mô lớn trùng với sinh nhật lần thứ 79 của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tiêu tốn hàng...

Theo Thùy Lâm ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Tin tức Mỹ

Xem Thêm