Chia sẻ

Cuộc chiến không người lái ở Ukraine và bài học về chiến tranh phi đối xứng

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Những cải tiến của Ukraine trong lĩnh vực không người lái của Ukraine đang định hình lại chiến tranh, tác động đến các cuộc xung đột ở Trung Đông và thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu về chiến lược quốc phòng.

Cuộc tập kích gần đây của Ukraine vào bốn sân bay quân sự Nga là một trong những đòn tấn công táo bạo nhất kể từ đầu cuộc chiến. Kiev cho biết đã gây thiệt hại cho Nga ước tính lên tới 7 tỉ USD.

Cuộc tấn công là lời cảnh báo đối với giới chức quốc phòng trên toàn thế giới rằng chiến tranh đang thay đổi nhanh chóng, theo tờ The Conversation.

Sức mạnh của hệ thống không người lái

Trong một chiến dịch bí mật kéo dài 18 tháng có tên “Mạng nhện”, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã điều khiển từ xa 117 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), được tuồn vào Nga bằng xe tải chở hàng, nhằm vô hiệu hóa hơn 40 máy bay ném bom tầm xa của Nga.

Chiến dịch này không chỉ giáng một đòn chiến thuật mà còn là đòn tâm lý, cho thấy ngay cả những tài sản được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cũng có thể bị tổn thương.

Trong bối cảnh hệ thống phòng không còn hạn chế và việc tiếp tế từ phương Tây gặp nhiều khó khăn, Ukraine đã chủ động nhắm vào các căn cứ đặt máy bay ném bom Nga – nguồn gốc của nhiều đợt tấn công vào lãnh thổ Ukraine.

Lãnh thổ rộng lớn, từng được xem là lợi thế chiến lược của Nga, giờ đây lại trở thành thách thức trong việc bảo vệ các mục tiêu trọng yếu.

Sau chiến dịch khiến nhiều căn cứ đặt máy bay ném bom Nga bị thiệt hại, Moscow được cho là đã chuyển các máy bay Tu-95 và Tu-160 ra vùng Viễn Đông.

Trung Đông và bài học từ cuộc chiến không người lái ở Ukraine. Ảnh: SHUTTERSTOCK/PARILOV

Trung Đông và bài học từ cuộc chiến không người lái ở Ukraine. Ảnh: SHUTTERSTOCK/PARILOV

Tờ The New York Times dẫn lời một quan chức quốc phòng thuộc một nước NATO rằng các cuộc tập kích của Ukraine đã khiến các đồng minh bắt đầu xem xét lại mức độ dễ bị tổn thương của phương Tây trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV).

Dù Mỹ và các nước NATO đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ đối phó UAV, như thiết bị gây nhiễu và hệ thống đánh chặn, nhưng việc bảo vệ toàn diện mọi mục tiêu vẫn còn là chặng đường dài. Chính Ukraine cũng đang đối mặt với thách thức tương tự khi nỗ lực bảo vệ các TP trước làn sóng tấn công của Nga bằng UAV Shahed giá rẻ.

Ngay từ đầu cuộc chiến, lực lượng hải quân truyền thống của Ukraine gần như không còn khả năng tác chiến. Tuy nhiên, Ukraine đã nhanh chóng phát triển một đội tàu không người lái điều khiển từ xa trên biển, tạo nên một lực lượng hiện đại. Nhờ đó, Kiev tuyên bố đã phá hủy hoặc làm hư hại khoảng 1/3 Hạm đội Biển Đen của Nga.

Trong những tháng gần đây, Ukraine báo cáo rằng những tàu không người lái được trang bị tên lửa của nước này đã phá hủy nhiều trực thăng và máy bay chiến đấu của Nga, gây thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD.

Trung Đông học hỏi chiến thuật không người lái từ Ukraine

Trung Đông vốn đã là khu vực quen thuộc với các hình thức chiến tranh phi đối xứng, nên nhiều khả năng cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ những đổi mới của Ukraine trong lĩnh vực quân sự.

Ông Omar Al-Ubaydli - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Mercatus (Mỹ) - cho rằng quy mô tác chiến bằng UAV hiện nay đang buộc các nước vùng Vịnh phải xem lại học thuyết quốc phòng.

Trung Đông hiện đã bắt đầu chứng kiến hệ quả của sự thay đổi chiến thuật. Tại Yemen, lực lượng Houthis đã đe dọa tàu Mỹ ở Biển Đỏ bằng UAV.

“Đối phương dùng UAV một chiều giá 10.000 USD, còn chúng ta phải dùng tên lửa trị giá 2 triệu USD để bắn hạ chúng” - Tướng lục quân Mỹ Bryan P. Fenton nhận xét.

Ngay cả trước khi Ukraine sử dụng rộng rãi UAV, Trung Đông đã sớm nhận ra tiềm năng của các hệ thống không người lái trong việc gây gián đoạn. Năm 2019, một cuộc tấn công bằng UAV của Houthis đã buộc Saudi Arabia phải ngừng một nửa hoạt động khai thác dầu, tương đương 5,7 triệu thùng/ngày – gần 5% sản lượng toàn cầu.

Tháng 7-2024, Houthis phóng một UAV từ Yemen và đánh trúng TP Tel Aviv (Israel) sau hành trình hơn 2.500 km theo một hướng không ngờ tới. Vụ tấn công khiến một người thiệt mạng và nhiều người bị thương, đồng thời cho thấy những lỗ hổng trong mạng lưới phòng không của Israel.

Theo chuyên gia, trong tương lai, Houthis có thể triển khai các tàu chở UAV để tấn công các mục tiêu trong đất liền – chiến thuật mà Ukraine hiện đang áp dụng thường xuyên và rất hiệu quả. Houthis cũng có thể dùng tàu không người lái để phong tỏa eo biển Bab el-Mandeb - một vị trí quan trọng đối với vận tải biển toàn cầu.

Về phía Israel, nước này đã nhanh chóng áp dụng chiến thuật kiểu Ukraine chỉ vài tuần sau khi Kiev phát động Chiến dịch Mạng Nhện. Cơ quan tình báo Israel Mossad đã bí mật đưa các bộ phận của hàng trăm UAV gắn chất nổ vào Iran bằng xe tải.

Khi không quân Israel tiến hành cuộc không kích quy mô lớn vào hạ tầng hạt nhân và quân sự của Iran, các UAV này được phóng đi từ bên trong Iran để vô hiệu hóa hệ thống phòng không và bệ phóng tên lửa, giúp Israel nhanh chóng giành ưu thế trên không.

Ngay cả những hệ thống phòng thủ đắt đỏ nhất cũng khó có thể ứng phó hiệu quả với quy mô và sự linh hoạt của mối đe dọa từ UAV.

Theo giới phân tích, Ukraine đã cho thấy chiến tranh hiện đại là một cuộc chạy đua công nghệ mà các bên phải liên tục thích ứng và tìm cách vượt qua các biện pháp đối phó mới để duy trì lợi thế. Hệ thống vũ khí mà một quốc gia vừa mua hôm qua có thể đã không còn phù hợp trên chiến trường hôm nay.

Một quân nhân Ukraine nâng một máy bay không người lái ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 30-5. Ảnh: Sergey Kozlov/EPA-EFE

Một quân nhân Ukraine nâng một máy bay không người lái ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 30-5. Ảnh: Sergey Kozlov/EPA-EFE

Vùng Vịnh đang đầu tư vào hệ thống phòng thủ từ Mỹ

Trong lúc này, các đồng minh Mỹ ở vùng Vịnh đang chọn cách “đặt cược an toàn” từ nhiều phía. Sau chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Saudi Arabia đã đồng ý đầu tư hơn 100 tỉ USD vào vũ khí của Mỹ. Qatar cũng đang rót tiền vào các hệ thống Mỹ đắt đỏ.

Đây là bước đi khôn ngoan nhằm gia tăng ảnh hưởng, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định cho các hệ thống phòng không. Chính Ukraine hiện cũng đang rất cần thêm các hệ thống phòng không.

Dù vậy, theo The Conversation, các quốc gia vùng Vịnh nên nhìn vào Ukraine để lấy cảm hứng và bắt đầu phát triển lực lượng UAV của riêng mình. Dù không nên quá phụ thuộc vào các bài học từ cuộc chiến Nga–Ukraine, nhưng nhiều kinh nghiệm vẫn rất đáng lưu ý, nhất là khi chiến tranh bằng UAV đang làm thay đổi cách các cuộc xung đột trong thế kỷ 21.

Rút ra từ bài học xung đột ở Ukraine, ngân sách quốc phòng được đề xuất của Mỹ hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào UAV và tên lửa, trong đó có tăng tài trợ cho các loại UAV cỡ nhỏ.

Ukraine buộc phải sử dụng UAV do thiếu pháo binh và các hệ thống thiết yếu khác. Thế nhưng, dù nguồn lực hạn chế, UAV vẫn mang lại cho các quốc gia nhỏ những khả năng phi đối xứng chưa từng có – một bài học mà mọi quốc gia đều không thể làm ngơ.

Máy bay không người lái (UAV) tập kích các trung tâm tuyển quân ở Kharkiv và Zaporizhia, khiến lực lượng Ukraine hứng...

Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Xung đột Nga - Ukraine

Xem Thêm