Bom lượn AASM Hammer: Vũ khí ‘săn mồi’ đáng gờm trên bầu trời Ukraine
Bom lượn đã trở thành một phần không thể thiếu trên chiến trường Ukraine, trong đó nổi bật là bom lượn AASM Hammer do Pháp sản xuất.
Bom lượn đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho vũ khí của cả Nga và Ukraine, cho phép triển khai các loại đầu đạn mạnh với chi phí tương đối thấp.
Trong số các bom lượn mà Ukraine sở hữu, AASM Hammer là loại bom lượn đem lại hiệu quả lớn cho Kiev trên chiến trường, theo tờ Kyiv Independent.
Bom lượn AASM Hammer. Ảnh: SAFRAN GROUP
Bom lượn là gì?
Bom lượn (hay bom thông minh) là loại bom được thả từ trên không, được cải tiến bằng cách gắn thêm cánh và hệ thống dẫn đường, giúp nó có thể được phóng từ xa thay vì phải bay trực tiếp qua mục tiêu mới thả.
Đây không phải là công nghệ mới, mà đã xuất hiện từ thời Thế chiến II. Bom Fritz X của Đức là loại đầu tiên thuộc dòng này, nặng 1.560 kg, có khả năng xuyên giáp, được trang bị bộ thu sóng vô tuyến và thiết kế để tấn công các tàu chiến bọc thép.
Nhiều quốc gia khác cũng đã phát triển các phiên bản riêng, và vũ khí này đã được sử dụng trong nhiều thập niên, bao gồm các cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan.
Việc chuyển đổi một bom thông thường thành một bom thông minh có thể chỉ tốn khoảng 20.000 USD, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí so với việc sản xuất tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo với giá hàng triệu USD.
“Tất cả những gì bạn cần là hệ thống cánh lượn cho phép quả bom bay một quãng đường nhất định, rồi tích hợp với bộ thu tín hiệu định vị vệ tinh. Quá trình đó khá đơn giản” - ông Fabian Hoffmann, chuyên gia quốc phòng và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Oslo (Na Uy), chia sẻ với Kyiv Independent.
Theo Kyiv Independent, Nga bắt đầu sử dụng bom lượn ở Ukraine vào đầu năm 2023 nhằm bù đắp cho việc thiếu hụt các loại vũ khí thông minh, và cũng dùng vũ khí này để tấn công các thành phố gần tiền tuyến trong năm 2024.
Nga chủ yếu sử dụng các loại bom thuộc họ FAB từ thời Liên Xô, được nâng cấp với Mô-đun lượn và hiệu chỉnh thống nhất, bao gồm các cánh bật ra khi vũ khí được thả khỏi máy bay và hệ thống định vị vệ tinh.
Dù bom lượn là một trong những loại vũ khí phổ biến nhất của Không quân Nga, các hệ thống phòng không phương Tây cung cấp cho Ukraine lại chủ yếu được thiết kế để chống lại những loại vũ khí tinh vi và đắt tiền hơn như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
“Bom lượn, không giống tên lửa, không có hệ thống đẩy nên không tạo ra nhiều nhiệt và do đó gần như miễn nhiễm với các loại tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại như AIM-9 Sidewinder hay FIM-92 Stinger” - ông Jacob Parakilas, trưởng nhóm nghiên cứu tại Nhóm Nghiên cứu Quốc phòng, An ninh và Tư pháp của tổ chức RAND Europe, nhận định.
Tầm bắn của bom lượn cũng cho phép các tiêm kích Nga phóng chúng từ ngoài tầm với của các hệ thống phòng không tiên tiến như Patriot do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Ukraine đã phát triển các phương pháp tác chiến điện tử nhằm gây nhiễu hệ thống định vị của bom lượn — một chiến thuật đã được áp dụng rất hiệu quả trong vài tháng gần đây.
Ukraine cũng sở hữu các loại bom lượn do phương Tây cung cấp, bao gồm bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) của Mỹ.
Loại bom này chính xác và tiên tiến hơn so với các phiên bản của Nga, nhưng số lượng của Ukraine lại rất hạn chế, và các lực lượng Nga đã phát triển các biện pháp đối kháng điện tử chuyên biệt nhằm phá hoại, khiến bom lượn Ukraine phần lớn không phát huy được hiệu quả.
Điều gì khiến bom AASM Hammer hiệu quả?
Bom AASM Hammer về bản chất cũng giống như các loại bom lượn khác, đó là được gắn cánh vào một quả bom không dẫn đường cùng với hệ thống định vị.
Do công ty Safran của Pháp phát triển, loại bom này đã trở thành vũ khí được Không quân Ukraine ưa chuộng nhờ vào độ chính xác cao và khả năng chống nhiễu điện tử, theo tờ Le Parisien.
Hệ thống định vị GPS của AASM Hammer có thể được nâng cấp thêm bằng hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại và tia laser, và được thiết kế đặc biệt để hoạt động hiệu quả ngay cả trong môi trường bị chặn GPS.
Chính vì những đặc điểm này, bom AASM Hammer khá đắt, mỗi quả có thể có giá hơn 300.000 USD. Tuy vậy, chúng vẫn rẻ hơn tên lửa hành trình Storm Shadow (khoảng 1 triệu USD) và dễ sản xuất hơn nhiều.
Một chiếc bom lượn AASM Hammer được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh Eurosatory ở Pháp vào ngày 21-6-2024. Ảnh: GETTY IMAGES
Ukraine đang sử dụng bom lượn AASM Hammer như thế nào?
“Tầm bắn xa và độ chính xác cao của bom AASM Hammer khiến nó rất phù hợp để tấn công các trung tâm hậu cần, sở chỉ huy và các mục tiêu giá trị cao nằm phía sau chiến tuyến” - ông Viktor Kevliuk, một sĩ quan quân đội Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia quốc phòng, nói.
Công ty Safran đã điều chỉnh loại bom này để có thể sử dụng trên các máy bay MiG và Su của Ukraine - một quá trình mà công ty này hoàn tất chỉ trong chưa đầy bốn tháng vào mùa thu năm 2023, theo lời Giám đốc điều hành của công ty là ông Franck Saudo.
Bom lượn AASM Hammer được quân đội Pháp đưa vào biên chế từ năm 2008 và trở thành trang bị tiêu chuẩn cho tiêm kích đa nhiệm hai động cơ Dassault Rafale của Pháp. Kể từ đó, nó đã được điều chỉnh để sử dụng trên nhiều loại máy bay khác, bao gồm cả F-16 và Mirage 2000.
Pháp hy vọng sẽ cung cấp cho Ukraine khoảng 50 quả bom lượn AASM Hammer mỗi tháng.
Bom lượn AASM Hammer có tầm bắn tối đa khoảng 70 km, nên các máy bay chiến đấu của Ukraine thường phóng chúng gần tiền tuyến. Điều này buộc phi công phải tiếp cận nhanh và bay thấp để tránh radar của Nga, rồi bất ngờ kéo máy bay lên cao gắt để tạo lực nâng cho bom.
Theo chuyên gia Hoffmann, việc phóng bom theo cách này khiến tầm bắn bị giới hạn phần nào, nhưng một khi đã được phóng đi, mục tiêu hầu như không còn cơ hội tránh né, ngay cả khi đã phát hiện từ xa.
“Điểm nổi bật của loại vũ khí này là tốc độ rất cao, khiến phía Nga khó đánh chặn khi nó lao xuống” - ông Hoffmann nói với tờ Kyiv Independent.
“Nó cũng mang theo đầu đạn khá lớn, nên có thể xuyên qua các công trình kiên cố, và khi phát nổ, có thể gây thiệt hại rất nghiêm trọng” - vị chuyên gia bổ sung.
Trong vài tháng gần đây, quân đội Ukraine đã công bố nhiều video ghi lại cảnh tấn công lực lượng Nga bằng bom Hammer.
Video tiêm kích MiG-29 của Ukraine thả bom lượn AASM Hammer. Nguồn: X
“Đây là hệ thống dành cho tác chiến tiền tuyến, nhằm tạo sức ép mạnh mẽ lên phía Nga” - ông Hoffmann nhận định.
Các video mới được công bố cho thấy Nga tiếp tục sử dụng bom lượn hạng nặng tập kích sâu vào hậu phương Ukraine.