Vì sao người bán nước mía lại hay cho quất vào ép cùng?
Nhiều khách hàng quan sát quy trình ép nước mía và thắc mắc tại sao người bán thường cho thêm quất vào ép cùng.
Vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng gay gắt, nhu cầu giải khát tăng cao. Nước mía trở thành thức uống được ưa chuộng, "làm mưa làm gió" trên thị trường.
Chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể thưởng thức một ly nước mía mát lạnh khoảng 500ml (một nửa là đá). Nếu mua số lượng lớn, giá còn rẻ hơn.
Dù là thức uống quen thuộc, bạn có bao giờ thắc mắc tại sao người bán thường ép nước mía cùng một quả quất (tắc)?
Người bán nước mía thường cho thêm quất vào ép cùng.
Theo chị Hoài My – người bán nước mía tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), thường có 2 cách để kết hợp mía với quất. Cách thứ nhất là ép mía và quất cùng nhau. Cách này được ưa chuộng hơn vì nước quất cùng phần tinh dầu từ vỏ quất có thể được hòa quyện hoàn hảo nhất với nước ép.
Cách thứ 2 là ép nước mía trước, đổ ra ly. Sau đó, vắt nước quất đã lọc bỏ phần hạt vào ly. Cách này sẽ giúp tránh được vị đắng từ vỏ và hạt quất.
Mặc dù thường xuyên ép nước mía cùng quất nhưng chị My cũng không hiểu vì sao lại có sự kết hợp này, chỉ biết rằng mọi người hay làm vậy nên chị cũng làm theo.
Một số người cho rằng vắt hoặc ép quất cùng nước mía để giảm lượng đường trong nước mía, đem lại vị dịu ngọt.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia về công nghệ thực phẩm), việc cho quất vào nước mía chỉ giúp vị giác cảm thấy độ ngọt bớt đi, chứ không làm giảm hàm lượng đường có trong cốc nước mía.
Khi cho quả quất vào nước mía cũng không làm tăng độ dinh dưỡng cho loại đồ uống này, mục đích chỉ là để dậy mùi thơm, vị chua của quất sẽ làm dịu độ ngọt của nước mía, để uống không cảm thấy gắt.
Giải thích trên phương diện y học cổ truyền, Lương y Phạm Vinh (nhà thuốc Vinh Hoa Đường) cho biết, ăn uống cân bằng âm dương là yếu tố quan trọng giúp duy trì sự hài hòa tự nhiên của cơ thể. Nguyên lý âm dương, bao gồm sự tương đối của hai mặt trái ngược nhau như nóng - lạnh, sáng - tối, được áp dụng vào việc lựa chọn và kết hợp các loại thực phẩm.
Theo y học cổ truyền, mía được xếp vào nhóm thực vật tính mát, có tác dụng giải khát, tiêu phiền, bớt nhiệt bốc nóng. Càng uống nước mía thì bạn càng hấp thu nhiều “độ mát”, cơ thể bạn càng giải bỏ bớt nhiệt. Nước mía có tính mát, đã đối chọi được với tính nóng của mùa hè.
Trong khi đó, mỗi thành phần của quả quất có những công dụng khác nhau. Trong đó, thịt quả có vị chua, hơi ngọt nhẹ, tính bình. Vỏ quả có vị cay, tính ấm. Hạt có vị cay, tính bình. Người xưa thường sử dụng quả quất để tiêu đờm, trừ ho, bổ phế, kiện tỳ, hỗ trợ tiêu hóa, kích thích ăn ngon, chống say rượu...
Lương y Phạm Vinh cho rằng, kết hợp nước mía và quất giúp trung hoà, ôn nhiệt cơ thể, thích hợp cho những người tỳ vị kém, khi uống không bị đau bụng, đi ngoài. Nước mía có vị ngọt thanh còn quất có vị chua không gắt, thế nên ông bà ta kết hợp với nhau giúp mùi vị nước mía ngon hơn.
Dù nước mía là một loại thức uống thơm ngon, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng vẫn có những lưu ý mà bạn nên biết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong đó, người bị tiểu đường nếu uống nước mía thì chỉ nên uống một lượng vừa phải. Lượng đường chứa trong nước mía có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Để đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, mía không được ngâm tẩm chất độc, vỏ phải được cạo sạch, ép ngay khi róc ra, nếu không ép ngay thì phải được che chắn cẩn thận khỏi côn trùng ruồi muỗi.
Máy ép nước mía phải được vệ sinh. Nhất là đá lạnh. Đá lạnh dễ bị nhiễm chất độc, chất bẩn, vi khuẩn và mầm bệnh kèm theo. Bạn phải đảm bảo đá sử dụng là đá sạch. Nếu không tin tưởng thì bạn nên mua nước cốt mía và mang về tự chế đá trong tủ lạnh gia đình.
Nước mía là một trong những đồ uống được ưa chuộng trong những ngày hè nắng nóng. Chỉ cần bỏ ra từ 5.000 đồng là người...