Mẻ cá ngừ khổng lồ trị giá hàng tỷ đồng phải mang đi tiêu hủy
Số cá vượt hạn ngạch sẽ không được công nhận là hợp pháp và không thể tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm.
Ngày 8/7, ngư dân tại cảng Ganggu, huyện Yeongdeok (tỉnh Gyeongbuk, Hàn Quốc) đã kéo lưới và bắt được hơn 1.300 con cá ngừ đại dương, mỗi con nặng trên 100kg. Dù đây là “mẻ lưới vàng” hiếm gặp nhưng phần lớn số cá này lại không được mang đi tiêu thụ mà phải chuyển thành thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu hủy theo quy định.
Tại Hàn Quốc, chính phủ quy định hạn ngạch đánh bắt cá ngừ mỗi năm cho từng địa phương hoặc từng tàu đánh bắt. Hạn ngạch này không phải ngẫu nhiên, mà được thiết lập theo các hiệp định quốc tế như WCPFC (Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương) hay ICCAT (Ủy ban Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương), nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và bảo vệ các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng.
Năm 2025, huyện Yeongdeok chỉ được phân bổ 35 tấn cá ngừ – một con số quá khiêm tốn so với hơn 100 tấn cá lớn bất ngờ bị mắc vào lưới. Theo luật, số cá vượt hạn ngạch sẽ không được công nhận là hợp pháp và không thể tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm.
Bất kỳ con cá nào vượt khỏi giới hạn quota đều không có mã truy xuất nguồn gốc hợp pháp, điều này đồng nghĩa với việc chúng không thể xuất hiện trong các chợ đấu giá, nhà hàng, siêu thị hay hệ thống xuất khẩu.
Trong trường hợp các ngư dân cố gắng tiêu thụ số cá này một cách “lén lút”, họ sẽ phải đối mặt với án phạt rất nặng, thậm chí bị thu hồi giấy phép hoạt động. Do đó, phương án duy nhất để “hợp pháp hóa” là chuyển những con cá quý giá này thành thức ăn chăn nuôi, hoặc tiêu hủy tại các cơ sở được chỉ định.
Điều đáng buồn là mỗi con cá ngừ nặng 100–300kg có thể có giá trị hàng chục triệu đồng. Trước đó, một con cá ngừ nặng 314kg từng được bán với giá 10,5 triệu won (khoảng hơn 180 triệu đồng). Thế nhưng, giờ đây, chúng chỉ được bán với giá rẻ mạt 4.000–5.000 won/kg (khoảng 76.000 – 95.000 đồng/kg) hoặc tệ hơn sẽ bị nghiền nát làm cám gia súc.
Hiện nay, hệ thống quota chưa có cơ chế linh hoạt để xử lý các tình huống “bắt được quá nhiều cá lớn ngoài dự kiến”. Trong khi cá ngừ lớn ngày càng xuất hiện nhiều hơn do biến đổi dòng hải lưu và thay đổi tập tính săn mồi, hệ thống quota vẫn áp dụng cứng nhắc, không cho phép điều chỉnh tạm thời trong các tình huống bất thường.
“Trước đây, chúng tôi chỉ bắt được cá ngừ nhỏ dưới 10kg nhưng giờ cá lớn cũng vào lưới ngày càng nhiều. Giá thì cao, chất lượng tốt nhưng đành phải tiêu hủy vì luật không cho phép bán”, một ngư dân chia sẻ đầy tiếc nuối.
Việc tiêu hủy cá ngừ vượt hạn ngạch có thể gây thiệt hại trước mắt cho người dân nhưng đó là cái giá phải trả cho một đại dương bền vững về lâu dài. Nếu không kiểm soát tốt sản lượng đánh bắt, quần thể cá ngừ sẽ suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến mất cân bằng sinh thái biển và thiệt hại vĩnh viễn cho ngành thủy sản.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc duy trì hạn ngạch, chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng các cơ chế linh hoạt hơn để quản lý hiệu quả. Cụ thể, họ đề xuất cho phép tạm ứng hạn ngạch trong những trường hợp đặc biệt và thu hồi dần vào các kỳ sau. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sản phẩm vượt hạn ngạch sang ngành chế biến không tiêu dùng, như mỹ phẩm và dược liệu, nhằm tránh lãng phí tài nguyên.