Chia sẻ

VNVC ra mắt và tiêm vắc xin phế cầu 20 đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 26/5, Hệ thống tiêm chủng VNVC triển khai tiêm vắc xin phế cầu 20 đầu tiên tại Việt Nam, phòng các bệnh nguy hiểm do 20 chủng phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... cho người lớn.

Vắc xin phế cầu 20 (PCV20) do Tập đoàn Dược phẩm Pfizer (Mỹ) sản xuất tại Bỉ theo công nghệ tiên tiến. Vắc xin giúp phòng hiệu quả 20 chủng vi khuẩn phế cầu bao gồm cả các chủng độc lực cao, gây bệnh nặng gồm 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 8, 9V, 10A, 11A, 12F, 14, 15B, 18C, 19A, 19F, 22F, 23F, 33F. Các chủng vi khuẩn này gây ra nhiều bệnh phế cầu xâm lấn và không xâm lấn như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm xoang…

Vắc xin phế cầu 20 hiện đã được sử dụng tại gần 50 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc… Hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do phế cầu ở người lớn.

Hệ thống tiêm chủng VNVC công bố ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phế cầu 20 tại hơn 220 trung tâm trên toàn quốc sáng 26/5. Ảnh: Mộc Thảo

Hệ thống tiêm chủng VNVC công bố ra mắt và triển khai tiêm vắc xin phế cầu 20 tại hơn 220 trung tâm trên toàn quốc sáng 26/5. Ảnh: Mộc Thảo

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vắc xin phế cầu 20 hiện dành cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội sử dụng cho trẻ em. Vắc xin được chứng minh khả năng tạo đáp ứng miễn dịch mức độ cao và có hiệu lực bảo vệ lâu dài cho người sử dụng, đồng thời giảm tỷ lệ người lành mang trùng, từ đó giảm khả năng lây lan bệnh trong cộng đồng.

Vắc xin phế cầu 20 chỉ tiêm một mũi duy nhất cho người từ 18 tuổi trở lên. Người có nguy cơ cao mắc các bệnh lý do phế cầu sẽ được bác sĩ tư vấn lịch tiêm phù hợp. Đối với người đã tiêm vắc xin phế cầu trước đây mà ít số chủng hơn, hoặc nhiều chủng hơn nhưng công nghệ cần tiêm nhắc lại, bác sĩ sẽ xem xét để chỉ định lịch tiêm nối tiếp hoặc tiêm phối hợp để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu nhất.

Việc Hệ thống tiêm chủng VNVC có thêm vắc xin phế cầu 20 thế hệ mới đã giúp mở rộng phạm vi bảo vệ, hiệu quả phòng bệnh. Đặc biệt, vắc xin với công nghệ hiện đại giúp giảm liều tiêm nhắc lại, do đó giảm chi phí tiêm chủng và chi phí khám chữa bệnh do phế cầu gây ra.

“Như vậy, chỉ trong 2 tuần, VNVC đã liên tiếp đưa vào tiêm chủng phục vụ cộng đồng hai loại vắc xin phế cầu công nghệ mới, khẳng định vai trò tiên phong trong việc cập nhật nhanh chóng các tiến bộ y học toàn cầu, mở ra cơ hội cho trẻ em, người lớn Việt Nam được tiếp cận đầy đủ các loại vắc xin mới, hiệu quả và an toàn hàng đầu thế giới”, bác sĩ Chính cho biết.

Hiện nay, phế cầu khuẩn có hơn 100 type huyết thanh gây bệnh đa dạng và phức tạp, khả năng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 1,6 triệu trẻ em và người lớn tử vong do phế cầu trên toàn cầu mỗi năm. Đây cũng là tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRTI) như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi,... với tỷ lệ tử vong cao nhất.

Theo Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2021, ước tính có 97,9 triệu ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới do phế cầu và 505.000 ca tử vong, tương đương cứ 1 phút lại có 1 người tử vong.

Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn ở người lớn tăng theo tuổi tác và bệnh lý mạn tính đi kèm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD… Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh phế cầu ở người cao tuổi dao động từ 16% đến 44%. Đây là thách thức lớn trong công tác phòng ngừa phế cầu tại Việt Nam, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi cộng đồng, viêm phổi có hoặc không kèm nhiễm trùng huyết ở người lớn.

Người lớn tuổi tiêm vắc xin phế cầu 20 tại Trung tâm tiêm chủng VNVC sáng 26/5. Ảnh: Mộc Thảo

Người lớn tuổi tiêm vắc xin phế cầu 20 tại Trung tâm tiêm chủng VNVC sáng 26/5. Ảnh: Mộc Thảo

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Tỷ lệ người trên 50 tuổi và mắc cùng lúc nhiều bệnh lý mạn tính ngày càng gia tăng. Điều này làm tăng nguy cơ nhập viện, biến chứng nặng và tốn kém chi phí điều trị các bệnh lý do vi khuẩn phế cầu. Nghiêm trọng hơn, phế cầu khuẩn có thể đồng nhiễm cùng nhiều tác nhân gây bệnh hô hấp khác đang lưu hành phức tạp như cúm, Covid-19, virus hợp bào hô hấp (RSV)... khiến nguy cơ tử vong càng tăng cao.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, sự đa dạng của các loại vắc xin phế cầu phản ánh rõ mức độ phức tạp và nguy hiểm của hệ vi khuẩn phế cầu, là tác nhân gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng, khó chẩn đoán và điều trị.

Ngày nay, công nghệ nghiên cứu và sản xuất vắc xin mới của các hãng dược phẩm đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhờ đó, chúng ta liên tiếp có thêm nhiều loại vắc xin, chống được nhiều chủng phế cầu hơn, hiệu quả bảo vệ cao và an toàn hơn. Người dân có thêm nhiều lựa chọn tiêm chủng linh hoạt, phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tình trạng miễn dịch và đặc điểm dịch tễ tại từng địa phương.

Bên cạnh việc hợp tác với các hãng vắc xin và dược phẩm hàng đầu thế giới để đưa về Việt Nam nhiều loại vắc xin mới, vắc xin thế hệ mới, tăng cơ hội cho người dân Việt Nam được tiếp cận các loại vắc xin ngang bằng so với các nước phát triển, VNVC còn thực hiện bước đi chiến lược là xây dựng Nhà máy Vắc xin và Sinh phẩm VNVC tại tỉnh Long An. Nhà máy có quy mô đầu tư ban đầu khoảng 2.000 tỷ đồng, được thiết kế hiện đại với các công nghệ hàng đầu thế giới, đa dạng và linh hoạt khả năng sản xuất nhiều loại vắc xin khác nhau, nhằm mục tiêu chủ động cung ứng vắc xin cho người dân trong nước, hướng tới tham gia chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu các vắc xin phòng dịch trong tương lai.

Theo Chí Anh ([Tên nguồn]) .
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài