Telegram: Chúng tôi đang xử lý yêu cầu từ Việt Nam
Đại diện Telegram nói "bất ngờ" về việc có thể bị chặn và đang xử lý yêu cầu của Cục Viễn thông, dự kiến trước ngày 27/5.
"Sáng nay, chúng tôi nhận được thông tin chính thức từ Cục Viễn thông liên quan đến một thủ tục thông báo dịch vụ tiêu chuẩn theo quy định viễn thông mới. Hạn chót để phản hồi là ngày 27/5 và chúng tôi đang xử lý yêu cầu này", Remi Vaughn, người phát ngôn của Telegram, trả lời VnExpress tối 23/5.
Telegram là một trong những nền tảng nhắn tin phổ biến nhất trên thế giới với khoảng một tỷ người dùng. Tại Việt Nam, 36,5% người dùng Internet sử dụng Telegram, theo thống kê của Datareportal hồi tháng 2. Ứng dụng này đang đứng trước nguy cơ bị chặn trong nước vì không tuân thủ pháp luật.
Trong văn bản gửi đến các nhà mạng ngày 21/5, Cục Viễn thông đề nghị tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram và báo cáo kết quả trước 2/6.
Logo ứng dụng Telegram trên điện thoại. Ảnh: Lưu Quý
Lý do được đưa ra là ứng dụng Telegram liên quan đến nhiều vi phạm pháp luật, như có nhiều kênh, nhóm xấu độc, nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn thành viên tham gia do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, tán phát tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng.
Telegram cũng được cho là không chấp hành quy định pháp luật về viễn thông liên quan đến việc thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông; trách nhiệm thông tin liên hệ cho cơ quan quản lý; kiểm tra giám sát, loại bỏ, ngăn chặn thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật khác khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Khi được hỏi về việc ứng dụng sắp bị chặn tại Việt Nam, Vaughn nói Telegram "bất ngờ trước những tuyên bố này" và cho biết "đã phản hồi các yêu cầu pháp lý từ phía Việt Nam đúng thời hạn".
Chiều 23/5, ứng dụng vẫn có thể được tải về từ các kho ứng dụng và đang hoạt động bình thường tại Việt Nam.
Telegram có trụ sở tại Dubai (UAE), ra đời năm 2013 và được phát triển bởi tỷ phú Pavel Durov, người được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của Nga". Ứng dụng được nhiều người yêu thích nhờ cung cấp miễn phí, hỗ trợ đa nền tảng, dễ sử dụng và khả năng bảo mật mạnh mẽ do sử dụng mạng lưới máy chủ phân tán để lưu trữ dữ liệu người dùng.
Tuy nhiên, các đặc tính trên cũng khiến đây trở thành hang ổ của tội phạm mạng, một dạng "dark web" kiểu mới khi người dùng có thể ẩn danh và không thể truy tìm. Nền tảng bị đánh giá không hợp tác với các cơ quan chức năng và ít nhất tám quốc gia, gồm Tây Ban Nha, Pakistan, Na Uy, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan và Indonesia, đã có động thái hạn chế hoặc chặn Telegram.
Năm 2024, nhà sáng lập Pavel Durov từng bị bắt tại Pháp với cáo buộc không có đủ người kiểm duyệt và thiếu hợp tác với chính quyền, tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn, trong khi nền tảng cho rằng "vô lý khi tuyên bố một nền tảng hoặc chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về việc nó bị lạm dụng".
Nhiều ý kiến đồng thuận chặn Telegram, trước nguy cơ từ nội dung bạo lực, khiêu dâm, lừa đảo trực tuyến trên ứng dụng...