Thỏa thuận thuế quan Mỹ - Trung khiến phố Wall bùng nổ
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt sau khi chính quyền Tổng thống Trump và Trung Quốc đồng ý giảm mạnh thuế nhập khẩu, đánh dấu bước đột phá lớn trong cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giới đầu tư lạc quan, kinh tế Mỹ tránh được nguy cơ suy thoái.
Chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 1.100 điểm, tương đương 2,81%, trong khi S&P 500 tăng 3,26% và Nasdaq tăng tới 4,35% trong phiên giao dịch đầu tuần. Đây là mức tăng trong ngày lớn nhất của ba chỉ số chính trong hơn một tháng trở lại đây.
Động lực chính thúc đẩy thị trường đến từ thông tin bất ngờ rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận giảm đáng kể mức thuế áp lên hàng hóa của nhau. Thay vì mức thuế tới 145%, các bên đồng ý hạ xuống còn 30%, với kỳ vọng sẽ còn giảm thêm trong 90 ngày tới. Giới đầu tư phản ứng tích cực, vì nhiều người không kỳ vọng kết quả đàm phán lại tích cực đến vậy.
Thị trường công nghệ - vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến thương mại - đã có màn phục hồi ngoạn mục. Nasdaq chính thức bước ra khỏi thị trường giá xuống (bear market) và bước vào thị trường giá lên (bull market) sau khi tăng hơn 20% so với mức đáy gần đây.
Ngoài ra, các loại hàng hóa như dầu thô cũng tăng giá, trong khi những tài sản an toàn như vàng và trái phiếu lại giảm do tâm lý e ngại rủi ro đã dịu bớt.
Các nhà giao dịch làm việc trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào thứ Hai.
Thỏa thuận mới giữa Mỹ và Trung Quốc có gì đặc biệt?
Thỏa thuận đạt được sau cuộc đàm phán cuối tuần qua tại Geneva giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và các quan chức cấp cao Trung Quốc. Hai bên đồng ý giảm 115 điểm phần trăm trong mức thuế “ăn miếng trả miếng” đang áp dụng.
Mặc dù mức thuế hiện tại vẫn cao hơn thời điểm đầu nhiệm kỳ của ông Trump, nhưng việc giảm từ đỉnh 145% xuống còn 30% đã tạo ra khác biệt lớn, xoa dịu lo ngại của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất thiết lập một cơ chế tránh tái áp thuế trong tương lai, cho thấy khả năng "ngừng bắn" lâu dài hơn trong cuộc chiến thương mại. Đây được coi là một bước tiến lớn so với quan điểm cứng rắn mà chính quyền ông Trump từng thể hiện trước đó.
Tổng thống Trump cũng phát biểu rằng nếu đàm phán tiếp theo không đạt kết quả, thuế sẽ không trở lại mức 145%, mà chỉ “cao hơn mức 30% hiện tại” – thể hiện ý định duy trì kênh đối thoại thay vì leo thang căng thẳng.
Những ngành nào hưởng lợi nhiều nhất từ diễn biến này?
Cổ phiếu công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất. Apple tăng 6,3%, Tesla tăng 6,75%, Nvidia tăng 5,4%, Amazon tăng 8,1% và Intel tăng 3,55%. Ngành công nghệ vốn có mối liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng Trung Quốc nên hưởng lợi trực tiếp từ việc hạ thuế.
Các hãng sản xuất hàng xa xỉ cũng bật tăng: Hermes tăng 3,5%, Burberry tăng 3,67% và LVMH tăng tới 7%. Ngành ô tô cũng tăng mạnh, với Stellantis tăng 6,5%, General Motors tăng 4,4% và Ford tăng 2,6%.
Không khí lạc quan khiến nhà đầu tư đổ tiền vào tài sản rủi ro như cổ phiếu, đồng USD mạnh lên, giá dầu phục hồi. Chỉ số đo lường mức độ sợ hãi trên phố Wall – VIX – giảm hơn 15%, rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng Ba.
Vì sao đây là thời điểm khó khăn cho Trung Quốc?
Theo ông Bessent, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều áp lực kinh tế: khủng hoảng bất động sản, nợ xấu tăng, tiêu dùng và sản xuất cùng suy giảm. Trong bối cảnh đó, một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ chỉ càng khiến tình hình thêm trầm trọng.
Ông Bessent nhấn mạnh rằng Mỹ đang ở vị thế đàm phán thuận lợi hơn, do Trung Quốc cần bán hàng sang Mỹ nhiều hơn chiều ngược lại. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng “không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại”, vì người tiêu dùng Mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả tăng và thiếu hụt hàng hóa.
Sự xuống thang lần này được xem là một bước lùi mang tính chiến thuật của cả hai bên, thay vì thay đổi hoàn toàn đường lối. Theo ông Bessent, đây chỉ là “một bước tạm dừng” để hai bên tìm kiếm giải pháp lâu dài hơn.
Mỹ muốn gì sau thỏa thuận thương mại tạm thời?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết mục tiêu sắp tới là “thoát ly chiến lược” khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực trọng yếu như dược phẩm, chip bán dẫn và thép. Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu và Mỹ không muốn lặp lại điều đó.
Ngoài ra, Mỹ cũng đặt mục tiêu dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan mà nước này cho là đang làm khó doanh nghiệp Mỹ tại các thị trường nước ngoài. Ông Bessent nhấn mạnh rằng Mỹ muốn một sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
Về dài hạn, chính quyền ông Trump hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng riêng, linh hoạt và ít phụ thuộc hơn, để đảm bảo an ninh kinh tế trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều biến động.
Phố Wall nhiệm kỳ này đỏ lửa khi ông Trump không bận tâm hiệu suất thị trường chứng khoán mà ưu tiên cuộc chiến thuế...