Kính James Webb "soi" được bằng chứng về nơi cư trú của người ngoài hành tinh?
Bằng chứng chấn động về sự sống ngoài hành tinh lộ diện trước tầm nhìn của kính James Webb?
Cuộc săn tìm sự sống ngoài Trái Đất kéo dài hàng thế kỷ vừa có một bước tiến đầy kịch tính. Các nhà khoa học từ Đại học Cambridge tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng có thể là thuyết phục nhất từ trước đến nay về sự tồn tại của sinh vật ngoài hành tinh trên một hành tinh xa xôi tên là K2-18b.
Sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) trị giá 10 tỷ USD của NASA, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Nikku Madhusudhan dẫn đầu đã phân tích ánh sáng sao đi xuyên qua bầu khí quyển của K2-18b, một hành tinh lớn gấp gần 9 lần Trái Đất, cách chúng ta 124 năm ánh sáng. Kết quả, được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, tiết lộ sự hiện diện của dimethyl sulfide (DMS) và có thể cả dimethyl disulfide (DMDS) – hai hợp chất mà trên Trái Đất, chủ yếu được tạo ra bởi các vi sinh vật biển như tảo và thực vật phù du.
Hành tinh K2-18b được cho là nơi trú ẩn tiềm năng của sinh vật ngoài hành tinh.
Phát hiện này nối tiếp công bố năm 2023 của cùng nhóm nghiên cứu về việc tìm thấy khí mêtan và carbon dioxide, cùng dấu vết ban đầu của DMS trên K2-18b, củng cố giả thuyết rằng đây có thể là một "hành tinh Hycean" – một thế giới có đại dương nước lỏng khổng lồ bên dưới bầu khí quyển giàu hydro, một môi trường tiềm năng cho sự sống. Các nhà nghiên cứu thậm chí đưa ra độ chắc chắn lên tới 99,7% cho việc phát hiện các khí này. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên con người tìm thấy bằng chứng trực tiếp về sự sống bên ngoài Trái Đất.
Tuy nhiên, cộng đồng khoa học đón nhận thông tin này với sự "hoài nghi một cách lạc quan". Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc phân tích dữ liệu từ JWST cho các mục đích này còn rất mới mẻ và phức tạp. Tín hiệu thu được khá yếu, làm dấy lên lo ngại về khả năng sai lệch thông tin. Hơn nữa, các chỉ số hồng ngoại của DMS và DMDS rất giống nhau, khiến JWST khó phân biệt rõ ràng. Nhà thiên văn học Stephen Schmidt mô tả dữ liệu là "khá nhiễu".
Quan trọng hơn, dù DMS và DMDS là sản phẩm của sự sống trên Trái Đất, không có gì đảm bảo chúng không thể được tạo ra từ các quá trình phi sinh học ở điều kiện khác, chẳng hạn như từ các đại dương magma hoặc hoạt động địa chất chưa biết trên K2-18b. Việc thiếu thông tin về bối cảnh địa chất và bề mặt hành tinh khiến việc đưa ra kết luận cuối cùng trở nên khó khăn.
Chính Giáo sư Madhusudhan cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các quan sát sâu hơn để xác thực kết quả và loại trừ khả năng nguồn gốc phi sinh học. Phát hiện này chắc chắn sẽ thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu hơn về K2-18b, nhưng câu hỏi liệu chúng ta đã thực sự tìm thấy sự sống ngoài hành tinh hay chưa vẫn còn bỏ ngỏ.
Dường như nhân loại đang tiến gần hơn đối với câu trả lời lâu đời liên quan đến sự sống bên ngoài Trái Đất.