Yamal bùng nổ hơn cả Messi ở Barca, đừng lo "đeo chuông vào cổ mèo”
Yamal bùng nổ với phong độ vượt cả Messi lẫn Ronaldo thời tuổi teen, ghi dấu ấn đậm nét trong màu áo Barca.
Màn trình diễn của Yamal trước Inter Milan

Vượt xa cả Messi lẫn Ronaldo!
Một lần nữa, cả thế giới lại phải nói về Lamine Yamal, như một hiện tượng. “Hiện tượng Yamal” thật ra đã bùng nổ mùa hè năm ngoái, khi đội tuyển Tây Ban Nha đoạt chức vô địch Euro 2024.
Khả năng cao chỉ trong vòng 2 tháng sắp tới, sẽ lại có ít nhất 1-2 đợt cao trào nữa, mà báo chí và giới bóng đá trên khắp thế giới buộc phải đồng loạt nói về Yamal. Một đợt vào giữa tháng 7, khi tài năng này tròn 18 tuổi. Ngoài ra có thể ở ngày 1/6, tuy không chắc nhưng là có khả năng. Đó là ngày diễn ra trận chung kết Champions League.
So sánh Yamal với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng nói, Yamal đã vượt rất xa cả 2 tượng đài lớn nhất trong làng cầu thế giới 15 năm qua, ít nhất trong bước khởi đầu.
Số liệu rất rõ ràng, Yamal đạt đến cột mốc đá 100 trận cho Barcelona, khi anh còn chưa tròn 18 tuổi. Ở tuổi 17, Messi chỉ mới đá 9 trận, ghi 1 bàn và chưa có đường chuyền thành bàn cho Barcelona. Ronaldo đá 19 trận, ghi 5 bàn và có 4 đường chuyền thành bàn. Thế còn Yamal? Anh đã ghi 22 bàn, có 33 đường chuyền thành bàn trong 100 trận vừa qua.
Yamal vượt xa Messi và Ronaldo ở tuổi 17
Ronald de Boer cũng là một cựu danh thủ Barcelona nên anh hẳn nhiên đủ tư cách bàn về đội bóng này. De Boer bình luận: “Ở tuổi 17, Yamal xếp trên Messi”. De Boer nói thêm đấy không phải là ý kiến nhất thời, dựa vào cảm giác. Ông đã trao đổi với Henk ten Cate, trợ lý của HLV Frank Rijkaard ở thời điểm Messi khởi đầu sự nghiệp tại Barcelona. Yamal hơn Messi “rất xa”, khi so sánh họ ở tuổi 17.
Chẳng qua, vì Yamal “khởi nghiệp” ở độ tuổi sớm hơn Messi và Ronaldo nên anh vươn đến cột mốc 100 trận sớm hơn và có thành tích ghi bàn, kiến tạo nhiều hơn? Không phải vậy. Đấy chẳng qua cũng chỉ là số liệu.
Cả Messi lẫn Ronaldo đều chỉ thật sự vươn lên đẳng cấp hàng đầu thế giới khoảng 3-4 năm sau khi họ xuất hiện lần đầu tiên ở đội lớn. Chỗ này, Yamal hơn hẳn. Anh đã là ngôi sao hàng đầu thế giới ngay thời điểm này.
Đây có thể chỉ là cái nhìn mang tính ước lệ. Dù sao đi nữa, căn cứ vào tỷ lệ cược thì Yamal đang thật sự là ứng cử viên số 1 cho danh hiệu “Quả Bóng Vàng 2025”. Điều này đồng nghĩa bóng đá thế giới hiện không có ngôi sao nào sáng giá hơn Yamal ngay lúc này, bất chấp độ tuổi.
Hãy cứ quên đi độ tuổi. Trong vài năm đầu chơi bóng đỉnh cao, cả Ronaldo lẫn Messi đều không phải là trụ cột quyết định thành bại cho đội mình, kể cả CLB lẫn ĐTQG. Yamal trội hơn ở chỗ, người ta bất quá chỉ mới biết đến ngôi sao này vào năm ngoái, vậy mà bây giờ Yamal đã lên hàng “VIP”, như cái cách mà anh vừa thể hiện ở trận Barcelona - Inter.
Già dặn như một siêu sao trưởng thành
Yamal không chỉ xuất sắc ở những con số. Trên thực tế, “cậu bé” chơi bóng cứ như chính mình mới là người lớn, “nhường” lại cảm giác sợ hãi, căng thẳng, áp lực cho đối thủ. Đây chính là một trong những đặc điểm lớn và quan trọng nhất làm nên một siêu sao Yamal ở tuổi 17.
Bàn thắng tuyệt vời vào lưới Inter Milan là minh chứng cho đặc điểm vừa nêu. Có lẽ nên nói ngược lại, đặc điểm tự tin trong lối chơi của Yamal mới là nguyên nhân dẫn đến một pha ghi bàn như vậy.
Yamal đã chơi rất hay trước Inter Milan ở bán kết lượt đi Cúp C1
Anh ra sân như thể chỉ để thỏa mãn niềm vui chơi bóng của mình. Rất tự do và đầy sáng tạo. Không có (hoặc chẳng ai cảm nhận được) chút áp lực nào khi Yamal chơi bóng. Cần nhớ, bàn thắng “tuyệt tác” của Yamal vào lưới Inter diễn ra trong hoàn cảnh Barcelona đang bị dẫn trước 2 bàn ngay trên sân nhà, ở trận bán kết Champions League.
Đến đây, lại phải nhắc về đặc điểm tự tin của Yamal tại Euro 2024. Cả thế giới chờ xem “cậu bé 16 tuổi” chơi như thế nào trong trận đấu xác lập kỷ lục (cầu thủ trẻ nhất từng thi đấu tại Euro). Quá dễ dàng, Yamal có pha kiến tạo thành công ngay trong trận đấu ra mắt. Rồi cậu bé cứ thế mà đá chính, viết ra một dãy kỷ lục Euro về độ tuổi, cho đến khi trở thành cầu thủ trẻ nhất từng tham gia vào khâu ghi bàn ở trận chung kết của một giải đấu lớn (Euro hoặc World Cup). Tây Ban Nha lên ngôi vô địch. Toàn giải không ai kiến tạo bàn thắng nhiều hơn Yamal.
Chơi bóng vì niềm vui, từ đó dẫn đến mọi sự dễ dàng và chiến thắng áp lực như một lẽ tự nhiên, là đặc điểm chỉ có ở “vua bóng đá” Pele, trong thời kỳ bóng đá còn là trò chơi đơn thuần. Cả Messi lẫn Ronaldo đều không sánh được với Yamal ở chi tiết này.
Nguyên nhân dễ hiểu, bóng đá hiện đại quan trọng đến nỗi người ta từng định nghĩa đấy là “công việc khổ nhọc”, làm sao mà Messi hoặc Ronaldo thoải mái cho được. Cho đến trước khi vô địch World Cup 2022, Messi luôn có hình ảnh “khổ sở” mỗi khi anh khoác áo đội tuyển Argentina. Ronaldo thì phải o bế, chăm bẵm hình ảnh và dáng vẻ chuyên nghiệp từ trong ra ngoài sân cỏ.
Liệu có nguy cơ kiệt sức?
Vì Yamal chỉ mới ở tuổi 17 mà đã liên tục “gánh team” ở Barcelona, giới quan sát đặt ra một vấn đề chẳng có gì mới mẻ: nguy cơ kiệt sức. Người ta kêu gọi ban huấn luyện Barcelona phải tạo điều kiện cho Yamal nghỉ ngơi nhiều hơn. Nói thế chẳng khác nào câu chuyện “đeo chuông vào cổ mèo”. Thử hỏi HLV nào dám để Yamal ngồi ghế dự bị, khi đấy chính là ngôi sao sáng nhất thế giới hiện nay? Chưa kể, Barcelona đứng trước cơ hội trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử 3 lần làm được thành tích “ăn ba”. Thật khôi hài khi lại đề nghị Barcelona tìm cách cho Yamal nghỉ ngơi!
Ở một khía cạnh khác, cột mốc “đá 100 trận” cho Barcelona, khi còn đang ở tuổi 17, là niềm tự hào chứ không bao giờ là một nỗi lo, không hề là “phải đá quá nhiều”. Nếu cầu thủ nào không thể đạt đến con số như vậy, thì chỉ có một nguyên nhân do họ chưa đủ tài (như Yamal).
Nguy cơ chấn thương là có thật, đối với bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào. Có những ngôi sao cả đời hầu như không hề chấn thương (chẳng hạn Bruno Fernandes của MU hiện nay, hoặc Thierry Henry cua Arsenal ngày trước), thì đấy là những trường hợp may mắn hiếm thấy. Còn nguy cơ kiệt sức vì thi đấu nhiều, đấy lại là một câu chuyện khác hẳn.
Barcelona chạy rất nhiều, và liên tục, trong lối chơi “tiki-taka” huyền thoại. Nhưng họ di chuyển một cách chủ động và đều đặn, nên không xuống sức trong trận đấu. Ngược lại, đối thủ phải bị động rượt theo quả bóng nên mới tốn sức, dù di chuyển ít hơn. Tóm lại, vấn đề thể lực còn liên quan đến lối chơi, chứ không bị chi phối bởi số lượng vận động.
Tổng quát hơn, các đội đá nhiều trận nhưng có lối chơi hợp lý, khoa học, thì cũng chưa chắc đối diện nguy cơ kiệt sức lớn hơn các đội đá ít trận. Bất quá, Barcelona chỉ cần rà soát vấn đề lối chơi của cá nhân Yamal, cũng như lối chơi toàn đội, sao cho giảm thiểu nguy cơ xuống sức. Đấy dĩ nhiên là việc quan trọng của bộ sậu chuyên gia. Đâu cần nhắc nhở Barcelona cách bảo vệ viên ngọc quý “khoảng 50 năm mới xuất hiện một lần” trong tay họ.
Lamine Yamal có thể đối diện với những chấn thương nghiêm trọng nếu Barcelona sử dụng anh trong quá nhiều trận.