
Từ công nhân nhà máy tới "Vua phá lưới" Ngoại hạng Anh, câu chuyện thần kỳ của Jamie Vardy thực sự khiến tất cả phải ngả mũ kính phục. Sau hơn 1 thập kỷ gắn bó với Leicester City, anh chàng ngổ ngáo người Anh sẽ rời sân King Power khi mùa giải này đã kết thúc.
C
úp Ngoại hạng Anh, FA Cup, Siêu cúp Anh, Chiếc giày vàng Ngoại hạng Anh, Cầu thủ xuất sắc nhất năm do Hiệp hội Nhà báo bóng đá Anh trao tặng, Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải do Ngoại hạng Anh trao tặng, cúp vô địch hạng nhất Anh, Cầu thủ xuất sắc nhất tháng, Cầu thủ xuất sắc nhất trận, giấy chứng nhận của Kỷ lục Guinness thế giới cho thành tích cầu thủ đầu tiên ghi bàn 11 trận liên tiếp, giải thưởng “Bàn thắng đẹp nhất mùa giải” do BBC trao tặng và danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải” của Leicester City, đó là những gì được đặt xung quanh Jamie Vardy trong buổi chụp hình gần đây. Đó cũng chính là những thành tích tuyệt vời nhất chân sút người Anh đạt được trong sự nghiệp của mình.
Hôm 18 tháng 5 vừa qua, Jamie Vardy vừa có trận đấu cuối cùng trên sân King Power cho Leicester City. Đó là lần thứ 500 cầu thủ này ra sân cho “Bầy cáo”. Chân sút người Anh cũng kịp cán mốc 200 bàn thắng cho Leicester với pha lập công đẳng cấp sau đường chuyền của James Justin.
Sau khi trận đấu kết thúc, các đồng đội đã có màn tôn vinh Vardy và gọi anh là “Cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử Leicester City”. Quyết định ra đi sau 13 năm gắn bó với sân King Power của tiền đạo người Anh là điều có thể hiểu được. Mặc dù vẫn có 9 bàn và 4 kiến tạo nhưng Vardy hiểu rằng đã đến lúc kết thúc.
Ở tuổi 38, tiền đạo người Anh không còn giữ được tốc độ và sự nhạy bén như trước. Vardy hiểu Ngoại hạng Anh khốc liệt như thế nào nên lựa chọn ra đi là tốt cho cả bản thân và Leicester City. Đó là quyết định không phải ai cũng đưa ra được và điều đó thể hiện Vardy yêu đội chủ sân King Power.
T
hực ra những danh hiệu được kể ở trên cũng chẳng phải là quá ghê gớm bởi giới mộ điệu có thể kể được rất nhiều người có thành tựu to lớn hơn Vardy rất nhiều. Tuy nhiên, đó lại là khối tài sản khổng lồ đối với một công nhân từng làm việc trong nhà máy tại thành phố Sheffield. Đó cũng chính là lý do tất cả phải ngả mũ kính phục tiền đạo 38 tuổi bởi câu chuyện “cổ tích” mà anh đã tạo nên.
Thuở ban đầu, Jamie Vardy cũng được ăn tập đàng hoàng ở đội trẻ Sheffield Wednesday. Tuy nhiên, tiền đạo này bị thải hồi bởi “thể trạng không đủ để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp” ở tuổi 16. Vardy được đánh giá có tốc độ tốt, kỹ năng dứt điểm cũng thuộc diện khá nhưng thể hình nhỏ con như vậy khó có thể phát triển tốt trong môi trường bóng đá giàu thể lực tại Anh. Đó cũng là câu chuyện quá phổ biến tại Anh.
Ở tuổi 16, Vardy hoàn toàn mất phương hướng khi nhận quyết định ấy. Chàng trai trẻ đã quyết định bỏ bóng đá và đi làm công nhân. Tuy nhiên, niềm đam mê cháy bỏng với trái bóng tròn khiến Vardy không thể từ bỏ. Năm tháng sau ngày rời Sheffield Wednesday, tiền đạo người Anh gia nhập đội trẻ của Wickersley. Đây là bệ phóng giúp Vardy có cơ hội chuyển sang Stocksbridge Park Steels, thuộc giải hạng bảy của Anh (Northern Premier League Division One South).
Với mức lương 30 bảng/tuần, Vardy vẫn phải đi làm ở nhà máy để đủ tiền sinh hoạt và nuôi dưỡng giấc mơ. Theo cựu HLV đội trẻ Sheffield Wednesday, Steve Adams, chính Stocksbridge Park Steels đã giúp Jamie Vardy trưởng thành vượt bậc.
“Chơi cho Stocksbridge là một thử thách không giống bất cứ nơi nào khác. Sân đấu của họ nằm trên đỉnh đồi với đủ kiểu thời tiết khắc nghiệt như mưa, tuyết. Bạn phải có tinh thần kiên định mới chơi bóng được ở điều kiện như vậy. Chưa kể đến việc phải thi đấu trong sự chửi bới của người hâm mộ của đối thủ, bạn buộc phải trưởng thành trong hoàn cảnh ấy. Jamie Vardy đã vượt qua tất cả để tiến lên. Đó là lý do bạn không bao giờ thấy cậu ấy chùn bước trước khó khăn”.
Ba năm tại Stocksbridge Park Steels đã giúp Vardy có cơ hội chuyển lên thi đấu ở đội bóng lớn hơn, FC Halifax Town, đội bóng hạng 5 của Anh, vào năm 2010 với giá 15.000 bảng. Sau khi ghi 26 bàn/37 trận cho đội bóng này, Vardy được Fleetwood Town, đội bóng hạng tư, mua về chỉ một năm sau đó.
Tiền đạo người Anh tiếp tục khiến tất cả phải ngạc nhiên với kỹ năng săn bàn thượng thừa của mình. Vardy có 31 bàn sau 36 trận cho Fleetwood Town. Thành tích ghi bàn ấn tượng ấy khiến Leicester City, lúc ấy đang chơi ở hạng nhất của Anh, để mắt tới. Đội chủ sân King Power quyết định bỏ ra 1 triệu bảng kèm 700.000 bảng phụ phí để chiêu mộ Vardy. Đó là mức giá kỷ lục cho một cầu thủ bán chuyên ở thời điểm đó.
Rất nhiều người hâm mộ của Leicester City nghi ngờ về quyết định này. Họ cho rằng “Bầy cáo” đã xuống cấp trầm trọng đến mức phải mua cầu thủ bán chuyên về dùng. Ấy thế mà tất cả đã nhầm, đội chủ sân King Power vớ được “bảo bối” với giá quá hời. Vardy góp công lớn giúp Leicester City trở lại Ngoại hạng Anh ở mùa giải 2014/15 và chỉ một năm sau, tiền đạo người Anh giúp “Bầy cáo” vô địch giải đấu với thành tích 24 bàn chỉ sau 36 trận.
Như vậy, Vardy chỉ mất 6 năm để từ cầu thủ bán chuyên trở thành một trong những chân sút hàng đầu của Ngoại hạng Anh. Chừng ấy là đủ để trở thành câu chuyện truyền kỳ tại “Xứ sở sương mù”. Thế nhưng, Vardy chưa dừng lại ở đó. Sau khi giành chức vô địch Ngoại hạng Anh, tiền đạo này có thêm 6 mùa liên tiếp ghi ít nhất 13 bàn/mùa tại hạng đấu cao nhất của Anh. Phong độ ấn tượng ấy giúp tiền đạo này được triệu tập lên ĐT Anh. Đó là ước mơ của nhiều cầu thủ và Vardy vẫn làm tốt nhiệm với 6 bàn sau 25 lần được khoác áo "Tam sư".
Dần dần, Jamie Vardy trở thành cầu thủ quan trọng bậc nhất của Leicester City. Mùa giải 2022/23, tiền đạo này đánh mất phong độ với chỉ 3 bàn sau 37 trận. Ngay lập tức, đội chủ sân King Power rớt xuống hạng nhất. Tương tự trong mùa giải 2024/25, Vardy mới chỉ có 9 bàn và Leicester City rơi vào cảnh tương tự. Xen giữa hai mùa giải ấy, Vardy vẫn có 18 bàn tại hạng Nhất và giúp đội bóng trở lại Ngoại hạng Anh chỉ sau một mùa giải. Vậy nên, ai dám nói Vardy không quan trọng với “Bầy cáo”?
C
hính từ việc lớn lên từ bóng đá phong trào, Jamie Vardy có phong cách chẳng giống ai. Nói cho đúng, cầu thủ này là hình mẫu lý tưởng cho những cầu thủ trẻ muốn theo chuyên nghiệp… không nên hướng tới. Trưởng thành từ hạng đấu thấp nhất của Anh, vậy nên việc chửi bậy, khiêu khích với đối thủ là điều quá dễ với Vardy. Thậm chí, anh chàng này từng phải đeo còng điện tử (dành cho những người bị quản thúc để tránh trốn khỏi nơi cư trú) vì đánh lộn.
Việc uống nước tăng lực liên tục cũng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của Vardy. C. Ronaldo suýt bị Roy Keane “tung quyền” vì tội uống nước ngọt có ga khi còn trẻ. Sau này, siêu sao người Bồ Đào Nha không động đến một giọt nào nữa. Còn Vardy lại khác hoàn toàn. Cho đến tận bây giờ khi đã 38 tuổi, tiền đạo này vẫn giữ thói quen uống 3 lon nước tăng lực mỗi ngày và tăng số lượng trong những ngày thi đấu. Hình ảnh Vardy vừa ra khỏi đường hầm vừa cầm lon nước tăng lực đã quá quen thuộc với khán giả Ngoại hạng Anh.
Sự đặc biệt của Vardy khiến các nhà khoa học phải vào cuộc để giải mã câu hỏi vì sao vận động viên chuyên nghiệp vẫn có thể uống nước tăng lực nhiều như thế. Lượng caffeine được hấp thụ để giảm mệt mỏi có thể hiểu được nhưng lượng đường có trong nước tăng lực đã đi đâu? Vì sao Vardy chẳng hề béo (cao 1m79, nặng 74kg) và vẫn nhanh như sóc? Liệu có thể biến trường hợp của cầu thủ người Anh thành đại trà được không? Cuối cùng câu trả lời là không bởi chỉ có Vardy mới làm được điều đó.
Sau này, truyền thông Anh phác họa cuộc sống của Vardy cũng chẳng lành mạnh. Say xỉn và ồn ào là những điều người ta thường đưa tin về anh chàng này. Có lần Vardy còn bị buộc tội phân biệt chủng tộc với một người châu Á tại sòng bạc và phải hầu tòa.
Trên sân, Vardy cũng không ít lần thể hiện sự điên loạn như phá cột cờ phạt góc, trêu trọng tài chính khi “vị vua áo đen” bị đau hay những pha va chạm không khoan nhượng và đôi coi với trọng tài. Thế nhưng nếu cuộc sống của Vardy chỉ có như vậy, anh chàng này có lẽ đã sớm rơi vào quên lãng như những cầu thủ “lắm tài, nhiều tật” khác của bóng đá Anh.
Tiền đạo người Anh còn có những tích cực khác mà ít người biết tới. Len Curtis, chủ tịch của Wickersley chia sẻ Vardy là người rất chăm chỉ và ham học hỏi. Bình thường, cầu thủ này trầm tĩnh và ít nói nhưng rất hài hước mỗi khi pha trò. Lời nhận xét này có lẽ chẳng cần phải chứng minh bởi nếu không chăm chỉ, Vardy khó lòng thi đấu tại Ngoại hạng Anh tới năm 38 tuổi.
Còn theo lời kể của những người từng làm việc tại Leicester City, Vardy là trung tâm kết nối mọi người. Để thi đấu gắn kết được trên sân, các cầu thủ thường phải có mối quan hệ tốt ngoài đời. Chính những thói xấu được liệt kê ở trên lại khiến những người xung quanh Vardy cảm thấy cầu thủ này bình dị chứ không xa vời như những ngôi sao khác.
Vardy có phần thô kệch, thậm chí lầm lì bặm trợn nhưng lại dễ gần. Gary Taylor-Fletcher, đồng đội cũ ở Leicester dưới thời Nigel Pearson chia sẻ thêm về Vardy: “Cậu ấy sẽ làm mọi thứ vì người khác và không bao giờ nói xấu bao giờ. Vardy thích đùa, mang lại sự gắn kết cho cả đội. Không để ai bị bỏ lại, luôn kéo mọi người vào cuộc.
Cậu ấy giúp tinh thần đội tốt hơn; rất thích đùa giỡn và cũng không ngại tự chế giễu bản thân. Nếu trò gì xảy ra trong phòng thay đồ, Jamie sẽ là người đầu tiên tham gia. Có người hay đùa người khác nhưng lại không chịu được khi bị đùa lại, còn Jamie thì ngược lại. Rất vui tính. Có chuyện gì xảy ra với cậu ấy, cậu ấy sẽ là người cười đầu tiên”.
Không những vậy, Vardy còn rất giàu tình cảm. Tiền đạo này vẫn giữ liên lạc với những người bạn cũ ở Stocksbridge Park Steels hay Wickersley cho đến tận bây giờ. Cũng bởi là người sống có tình nghĩa, Vardy lựa chọn ở lại Leicester City thay vì Arsenal sau khi vô địch Ngoại hạng Anh. Điều đó nói lên phẩm chất và con người của Vardy không hề xù xì hay thô kệch như dáng vẻ bề ngoài.
T
ruyền kỳ về Jamie Vardy vượt ra ngoài khuôn khổ của bóng đá. Đó là một bài học về việc không bao giờ bỏ cuộc, bất kể bạn bắt đầu từ đâu hay phải đối mặt với những khó khăn gì. Từ một công nhân nhà máy trở thành nhà vô địch Ngoại hạng Anh, hành trình ấy là lời nhắc nhở rằng những người thành công muộn vẫn có thể đạt được điều phi thường.
Di sản của Vardy không chỉ là những bàn thắng hay danh hiệu, mà còn là niềm tin rằng với sự chăm chỉ, quyết tâm và lòng kiên trì, giấc mơ có thể trở thành hiện thực. Thực tế, rất nhiều HLV đang cất công theo dõi những đội bóng ở hạng dưới để tìm “Vardy mới” nhưng chưa một ai thành công.
Thực tế là Jamie Vardy chỉ đơn giản là một cầu thủ bóng đá xuất sắc, người đã biến một giấc mơ đáng ghen tị thành một hiện thực logic, thậm chí có phần bình dị.
Những thành tích nổi bật của Jamie Vardy trong sự nghiệp
🏆 Danh hiệu tập thể đáng chú ý
🏅 Ngoại hạng Anh: 2015/16
🏆 FA Cup: 2020/21
🛡 FA Community Shield: 2021
🥇 Hạng nhất Anh: 2013/14, 2023/24
⭐ Danh hiệu cá nhân đáng chú ý
🥇 Cầu thủ Ngoại hạng Anh xuất sắc nhất mùa giải: 2015/16
📰 Cầu thủ bóng đá FWA xuất sắc nhất năm: 2015/16
🧤 Đội hình PFA của năm Premier League: 2015/16
🗓 Cầu thủ Ngoại hạng Anh xuất sắc nhất tháng: tháng 10 và 11 năm 2015
🦊 Cầu thủ Leicester City xuất sắc nhất mùa: 2013/14
🎯 Vua phá lưới Ngoại hạng Anh mùa giải 2019/20 (23 bàn)
📊 Kỷ lục
⚽ Cầu thủ Leicester City ghi bàn trong nhiều trận liên tiếp nhất: 11 (29/08/2015 - 28/11/2015)
👴 Vua phá lưới Ngoại hạng Anh lớn tuổi nhất: 2019/20
Nguồn: [Link nguồn]
-28/06/2025 13:52 PM