80 năm trước, không lâu sau ngày chiến thắng phát-xít, những chàng trai Xô Viết đã khiến bóng đá Anh choáng váng
TPO - 13 tuần sau khi Thế chiến II kết thúc với thắng lợi của Liên Xô và các nước Đồng minh, Dynamo Moscow - đội bóng hay nhất Liên bang Xô Viết - đã được mời đến du đấu ở nước Anh, để rồi tạo nên ấn tượng đáng kinh ngạc về chất lượng bóng đá khiến xứ sương mù phải ngả mũ.
Khi Thế chiến II kết thúc, vì cùng thuộc khối Đồng minh, đồng thời cảm thông sâu sắc trước những hy sinh to lớn của quân và dân Liên Xô, người dân Anh quốc dành rất nhiều tình cảm cho Liên bang Xô Viết. Trong bối cảnh tái thiết và đưa cuộc sống trở lại bình thường, Hiệp hội bóng đá Anh (FA) đã gửi lời tới Đại sứ quán Liên Xô tại London, mời một đội bóng của Xô Viết tới Anh thi đấu.
Đội được cử đến xứ sương mù chính là Dynamo Moscow, nhà vô địch giải Liên Xô năm 1945. Không có gì ngạc nhiên, hầu như không người Anh nào biết tới cái tên này. Thế nhưng các cầu thủ Liên Xô lại có không ít kiến thức về bóng đá Anh. Tiền đạo Konstantin Beskov nói rằng "Anh là quê hương của bóng đá, và bóng đá Anh hay nhất thế giới", trong khi hậu vệ cánh Leonid Solovyov ca ngợi các cầu thủ Anh, đặc biệt là khả năng chơi đầu.
Vậy là vào giữa tháng 11/1945, tức khoảng 13 tuần sau khi Thế chiến II kết thúc, những người đến từ đất nước chiến thắng phát-xít đã có mặt ở xứ sở sương mù. Tất cả đều mặc áo khoác xanh, trên tay cầm chiếc hộp bí ẩn.
Những người Anh theo thuyết âm mưu, nhất là khi căng thẳng Chiến tranh Lạnh bắt đầu nhen nhóm, cho rằng người Liên Xô lén mang bom nguyên tử vào nước Anh. Sự thật là các cầu thủ Dynamo Moscow đã được phổ biến về hệ thống phân phối thực phẩm tại London sau chiến tranh, vì vậy chủ động mang theo đồ ăn.
Konstantin Beskov (trái) và Vsevolod Bobrov, hai huyền thoại bóng đá Liên Xô cũng là những người ghi nhiều bàn thắng nhất cho Dynamo trong chuyến du đấu tại Anh.
Đối với chuyến du đấu này, Chính phủ Anh không mấy mặn mà. Họ nói rằng Dynamo Moscow là khách của FA, không phải của Chính phủ, nên không có màn đón tiếp long trọng với quốc kỳ Liên bang Xô Viết ở sân bay Croydon. Các cầu thủ cũng được sắp xếp ăn nghỉ ở doanh trại của Đội cận vệ kỵ binh Hoàng gia tại Whitehall. Tuy nhiên phòng ngủ không có gối và ga trải giường.
Bị phản đối, cuối cùng cả đội Dynamo Moscow mới được đưa tới Khách sạn Imperial ở Quảng trường Russell, tận hưởng tiện nghi bao gồm phòng tắm Thổ Nhĩ Kỳ và chờ đợi các trận đấu. Cần lưu ý, tuy là giao hữu nhưng hai phía đều coi trọng thắng thua.
Trước khi lên đường, các cầu thủ Liên Xô được giao nhiệm vụ phải giành chiến thắng. Còn với nước Anh, khát khao chiến thắng còn lớn hơn bởi họ vẫn tự mãn là bậc thầy trong môn thể thao này. Hơn nữa, truyền thông Anh cũng hạ thấp đội bóng Liên Xô. "Đừng mong đợi nhiều từ Dynamo. Họ chỉ là những cầu thủ mới vào nghề, chơi nghiệp dư và công việc chính là lao động chân tay", tờ Evening Standard viết.
Các cầu thủ Dynamo bước ra Stamford Bridge với bó hoa trên tay để tặng đội bạn Chelsea.
Với người dân London, không gì khác ngoài sự phấn khích. Ở trận đấu tiên gặp Chelsea, đường phố Fulham đông nghẹt người. Nhiều người cho thuê sân trước nhà làm nơi giữ xe đạp. Người ta cũng bán kẹo táo, cam ở các góc phố, đồng thời giá vé bị đẩy lên gấp 8 lần.
Con số chính thức là 75.000 người nêm cứng Stamford Bridge. Nhưng thực tế lớn hơn nhiều, bởi dân tình còn men theo các đường ống để vào bên trong sân, leo lên tháp chuông, mái sân vận động và tràn cả xuống đường pitch.
Rồi trận đấu bắt đầu, Dynamo gây choáng váng cho Chelsea bởi lối đá nhanh, liên tục di chuyển, đổi hướng và ban chuyền chính xác, cũng 3 lần đưa bóng dội khung gỗ. Thế nhưng Chelsea lại là đội dẫn trước 2-0 nhờ việc khai thác các sai lầm phòng ngự.
Sự vượt trội về chất lượng bóng đá cùng tinh thần quyết tâm giúp Dynamo gỡ hòa 2-2 vào phút 75. Chelsea vượt lên một lần nữa vào phút 81 nhờ bàn thắng của Tommy Lawton. Nhưng không lâu sau, Vsevolod Bobrov gỡ hòa cho đội bóng Liên Xô trong tiếng hò reo vang dậy của người hâm mộ Anh.
Quang cảnh Stamford Bridge ở trận đấu giữa Dynamo Moscow và Chelsea.
Tỷ số 3-3 làm hài lòng tất cả, và đám đông khán giả ùa vào sân, công kênh các cầu thủ Dynamo. Màn trình diễn của họ cũng dành được sự tôn trọng của Chelsea cũng như truyền thông Anh. Điều này cũng giúp các chàng trai Liên Xô nhận sự chào đón nồng nhiệt ở trận thứ hai gặp Cardiff City.
Thành phố ở phía Nam xứ Wales tập trung nhiều mỏ than, nhà máy thép, nên các công nhân ở đây cũng có rất nhiều tình cảm với đất nước Liên Xô. Họ treo cờ đỏ búa liềm lên Tòa thị chính và tặng mỗi cầu thủ một chiếc đèn thợ mỏ làm kỷ niệm.
Tuy nhiên kết quả có thể khiến người Cardiff buồn lòng. Hơn 40.000 khán giả đã chứng kiến trận thua 1-10, cũng là thất bại lớn nhất của một đội bóng trước đối thủ nước ngoài. Với Dynamo, sự phấn khích lên cao. Họ coi đây là sự chuẩn bị tốt cho trận đấu được mong chờ nhất: gặp Arsenal, đội bóng hay nhất thế giới thời điểm ấy.
Thủ môn Aleksei Khomich của Dynamo phát bóng trong trận đấu với Cardiff.
Vì chiến tranh kết thúc chưa lâu, nhiều cầu thủ Arsenal vẫn đang đồn trú trong lực lượng vũ trang trên khắp thế giới. Vì vậy, họ đã tuyển thêm một số cầu thủ "khách mời", bao gồm Stanley Matthews của Stoke City, Stan Mortenson của Blackpool và Joe Bacuzzi của Fulham, người đã chơi cho Chelsea trong trận mở màn. Trận đấu cũng được chuyển đến White Hart Lane của Tottenham vì Bộ Quốc phòng vẫn chiếm đóng Highbury làm trung tâm phòng không.
Phức tạp là những ngày đó sương mù bao phủ phần lớn miền đông nam nước Anh. Phía Dynamo muốn hoãn trận đấu, nhưng không thể. Từ đêm trước, đám đông người hâm mộ đã xếp hàng dài đợi vào sân. Đến 10h sáng, họ đông tới mức cảnh sát quyết định mở cửa sớm.
Do sương mù quá dày, trọng tài Nikolay Latyshev đã yêu cầu hai trọng tài biên cùng vào sân, mỗi người chạy phụ một bên sân để giúp quan sát các diễn biến. Có rất nhiều tranh cãi đã xảy ra, như việc Sergei Solovyov của Dynamo ghi bàn trong thế việt vị, hay George Drury của Arsenal nhận thẻ đỏ nhưng lợi dụng sương mù đã lẻn vào chơi tiếp. Tuy vậy, điều quan trọng với đội bóng Liên Xô là chiến thắng 4-3.
Những hình ảnh trong chuyến du đấu Anh quốc của Dynamo.
Thất bại này cũng ảnh hưởng tới niềm kiêu hãnh của bóng đá Anh. Họ quyết tổ chức thêm một trận đấu nữa, gặp Glasgow Rangers và sắp xếp trọng tài người Scotland điều khiển trận đấu. Phía Rangers cũng định mời tài năng James Caskie từ Everton về đá, nhưng từ bỏ ý định sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Dynamo.
Khi trận đấu diễn ra, trọng tài đã cho Rangers hưởng hai quả phạt đền đáng ngờ. Thế nhưng nỗ lực này cũng không giúp họ giành chiến thắng, bởi Dynamo đã ghi 2 bàn đẹp mắt để trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2-2.
Không chịu dừng lại, phía Anh sắp xếp thêm trận thứ 5 gặp đội tuyển Anh XI tại Villa Park. Tuy nhiên các cầu thủ Dynamo đột ngột được gọi trở lại Moscow và chuyến du đấu kéo dài một tháng đã kết thúc. "Người Nga đi mất rồi", đài BBC loan tin, trong sự tiếc rẻ của công chúng.
Trở về nhà, các cầu thủ Dynamo trở thành những anh hùng dân tộc. Một số cầu thủ được trao tặng danh hiệu Master of Sport của Liên Xô. Ngoài các bài báo, một cuốn sách và một vở nhạc kịch cũng được viết để ca ngợi chuyến du đấu bất khả chiến bại của Dynamo tại Anh.
Họ cũng để lại ấn tượng sâu sắc với người Anh. Xứ sương mù ca ngợi họ đã chơi thứ bóng đá ma thuật, còn Sir Stanley Matthews thì cho biết, Dynamo Moscow gắn liền với khái niệm bóng đá đẳng cấp. Ngoài ra, đây là cũng là phát súng bắn vào niềm kiêu hãnh của bóng đá Anh, nhắc nhở rằng xứ sương mù đang dần tụt lại phía sau những nền bóng đá mới nổi, với tư duy phóng khoáng và ít gò bó, lại chơi với tinh thần mạnh mẽ như các chàng trai Xô Viết đã làm.
Chelsea thắng đậm Djurgarden ở lượt đi. Vì thế, đội bóng Anh đã có những điều chỉnh đáng kể trong trận bán kết lượt về...