Vì sao 4 nhà thầu xây cao tốc TP HCM - Bình Phước bị loại?
4 trong 5 đơn vị dự thầu gói xây lắp tuyến cao tốc đoạn qua Bình Phước bị loại do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dù được đề nghị làm rõ, theo tổ chuyên gia đấu thầu.
Kết quả lựa chọn nhà thầu gói xây dựng cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước được duyệt hôm 22/5. Liên danh Cao tốc HCM - TDM - CT (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát) trúng thầu giá 845,4 tỷ đồng, tiết kiệm 36 tỷ so với giá mời thầu 880 tỷ đồng.
Liên danh nêu trên được chọn sau khi 4 đối thủ khác bị loại, dù giá dự thầu thấp hơn, gồm: Tập đoàn Sơn Hải, Cienco4, và hai liên danh là cao tốc Bình Phước (Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Đại Phong - Vinaconex - Công ty cổ phần Cơ khí điện Lữ Gia) và Liên danh cao tốc IB250005761 (Công ty cổ phần Hải Đăng - Đèo Cả - Thuận Hà). Trong số 4 nhà thầu này, nhiều đơn vị đã tham gia các dự án xây dựng hạ tầng lớn trong nước.
Phối cảnh cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: Chủ đầu tư
Gói thầu xây dựng đoạn cao tốc được đấu thầu rộng rãi qua mạng theo hình thức "một giai đoạn, một túi hồ sơ". Đây là phương thức phổ biến hiện nay, với quy trình nhà thầu nộp chung một bộ hồ sơ, bao gồm đề xuất giải pháp kỹ thuật và tài chính (giá dự thầu). Hai phần này được mở đồng thời, nhưng bên mời thầu sẽ đánh giá phần kỹ thuật trước, khi đáp ứng yêu cầu mới tiếp tục xem xét hồ sơ tài chính. Quá trình chấm thầu nếu có vấn đề về kỹ thuật, phía mời thầu cũng sẽ đề nghị nhà thầu làm rõ. Trường hợp vẫn không đáp ứng, hồ sơ sẽ bị loại dù giá dự thầu có thể thấp hơn đối thủ.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ đầu tư), gói thầu xây dựng tuyến cao tốc đoạn qua địa bàn được phê duyệt hồ sơ mời thầu ngày 24/2. Đến 17/3, gói thầu mở trên mạng với sự tham gia của 5 nhà thầu.
Quá trình xem xét hồ sơ sau đó của tổ chuyên gia thuộc Công ty cổ phần tư vấn Văn Phú (đơn vị lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu), cho thấy năng lực, kinh nghiệm 5 đơn vị dự thầu đều đạt. Nhưng với yêu cầu kỹ thuật, chỉ liên danh cao tốc HCM - TDM - CT đáp ứng. Trước đó, liên danh này đưa ra giá dự thầu ban đầu hơn 912 tỷ đồng, sau giảm còn 866,4 tỷ. Cuối cùng, giá trúng thầu hơn 845,4 tỷ đồng.
Theo tổ chuyên gia, có ba nguyên nhân chính khiến 4 nhà thầu còn lại bị loại, gồm: không đáp ứng yêu cầu về vật tư thiết bị cung cấp cho gói thầu, tổ chức thực hiện mô hình thông tin công trình (BIM) và yêu cầu về máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu.
Tập đoàn Sơn Hải là đơn vị có giá chào thầu thấp nhất, với 732,2 tỷ đồng (tiết kiệm 16,8%). Tuy nhiên, quá trình xem xét hồ sơ, tổ chuyên gia đánh giá 12 loại thiết bị trong hồ sơ dự thầu của họ không có tài liệu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hoặc giấy chứng nhận kiểm định, phù hợp quy định hiện hành như yêu cầu.
Thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, ngày 11/4 bên mời thầu yêu cầu nhà thầu này cung cấp giấy tờ liên quan. Tập đoàn Sơn Hải sau đó khẳng định 12 loại thiết bị đều có giấy chứng nhận kiểm định theo quy định, nên không đồng ý thay thế mà chỉ bổ sung thiết bị thi công, kèm tài liệu phục vụ đánh giá. Bên mời thầu tiếp tục kiểm tra, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về tính hợp pháp, kết luận 12 loại thiết bị dự thầu kèm tài liệu kiểm định vẫn không phù hợp.
Ngoài Sơn Hải, ba nhà thầu còn lại cũng bị loại với lý do tương tự. Trong đó, đối với yêu cầu máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu, tổ chuyên gia kết luận nhiều thiết bị dự thầu ban đầu, đính kèm theo tài liệu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hoặc chứng nhận kiểm định không hợp pháp. Những đơn vị này cũng được đề nghị làm rõ, nhưng kết quả không đáp ứng yêu cầu, theo báo cáo của tổ chuyên gia.
Hướng tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đồ họa: Đỗ Nam
Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu gói xây dựng đoạn cao tốc được phê duyệt, Tập đoàn Sơn Hải gửi văn bản đến chủ đầu tư phản đối. Ngày 27/5, nhà thầu này có thêm công văn gửi UBND Bình Phước, đưa ra nhiều phản biện về kết quả đánh giá. Đơn vị vẫn khẳng định đáp ứng yêu cầu về máy, thiết bị xây dựng phục vụ gói thầu và khi bị đánh giá không đạt là trái quy định. Các vấn đề khác về vật tư, mô hình BIM..., họ cũng phản biện việc bị đánh giá không đạt.
Ngoài ra, Tập đoàn Sơn Hải cũng cho rằng ông Vũ Ngọc Trụ, tổ trưởng chuyên gia chấm thầu, đã hết hạn chứng chỉ hành nghề, cần xem xét lại tính chính xác, hợp lý về kết quả đánh giá. Vì vậy nhà thầu kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước thành lập tổ chuyên gia liên ngành, độc lập với chủ đầu tư và bên mời thầu, để rà soát, chấm lại hồ sơ. Việc này nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Ông Đinh Viết Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bình Phước, cho biết tỉnh đã nhận được văn bản từ phía Tập đoàn Sơn Hải liên quan kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu. Để giải quyết, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, làm việc với các bên liên quan và sẽ phản hồi cụ thể đến nhà thầu.
Riêng thông tin Tập đoàn Sơn Hải nêu ông Vũ Ngọc Trụ hết hạn chứng chỉ hành nghề đấu thầu, đại diện chủ đầu tư cho biết "không đúng sự thật". "Tổ chuyên gia này làm việc và chứng chỉ theo đúng quy định", ông Hải nói.
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài gần 69 km. Trong đó, đoạn qua Bình Phước tuyến dài khoảng 7 km, đoạn qua Bình Dương chiếm phần lớn với khoảng 53 km, lần lượt được khởi công hồi tháng 12/2024 và tháng 2/2025. Giai đoạn đầu, tuyến 4 làn xe và nâng lên 6 làn ở giai đoạn đầu tư tiếp theo. Phần còn lại là đầu tuyến qua TP HCM chưa triển khai.Hiện xe từ TP HCM đi Thủ Dầu Một (Bình Dương), theo quốc lộ 13 đến Bình Phước với quãng đường dài khoảng 120 km. Tuyến cao tốc khi hoàn thành giúp tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hóa và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương.
Tập đoàn Sơn Hải kiến nghị Bình Phước rà soát kết quả đấu thầu, sau khi phát hiện tổ trưởng tổ chuyên gia chấm thầu đã...