Triều Tiên phô diễn hỏa lực của tàu khu trục tối tân
Khu trục hạm lớp Choe Hyon tối tân của Triều Tiên khai hỏa nhiều loại tên lửa trong đợt thử nghiệm diễn ra vài ngày sau khi hạ thủy.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết nước này đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh và chiến lược, tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm chiến thuật, pháo tự động 127 mm và hệ thống phóng mồi bẫy gây nhiễu trên tàu khu trục đa năng lớp Choe Hyon trong ngày 28-29/4.
Triều Tiên thường sử dụng từ "chiến lược" để chỉ những vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân. Nước này lần đầu thử nghiệm tên lửa hành trình chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào tháng 9/2021.
Tàu khu trục lớp Choe Hyon của Triều Tiên khai hỏa vũ khí trong bức ảnh đăng hôm nay. Ảnh: KCNA
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát và chỉ đạo đợt thử nghiệm. Ông cũng đề ra những nhiệm vụ để "đẩy nhanh quá trình trang bị vũ khí hạt nhân cho hải quân nhằm bảo vệ quốc gia và chủ quyền hàng hải khỏi các mối đe dọa hiện tại và tương lai".
Chiến hạm đa nhiệm lớp Choe Hyon có lượng giãn nước 5.000 tấn, lớn nhất lịch sử Triều Tiên, được hạ thủy hôm 25/4. Giới chức Triều Tiên gọi đây là tàu khu trục, trong khi các chuyên gia phương Tây đánh giá nó là tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng với lượng giãn nước không thua kém các mẫu chiến hạm tối tân ở châu Âu.
Chiến hạm được trang bị tổng cộng 74 ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS), đặt trong hai cụm bệ phóng ở trước và sau thượng tầng. "Đây là con số rất đáng chú ý với những chiến hạm cỡ này, đặc biệt là khi nó sở hữu một số ống phóng rất lớn", biên tập viên Tyler Rogoway của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Để so sánh, hộ vệ hạm lớp Constellation đang được Mỹ phát triển chỉ có 32 ống phóng Mark 41, còn tàu khu trục lớp Arleigh Burke có lượng giãn nước hơn 9.000 tấn được trang bị 90-96 ống.
Chiến hạm Triều Tiên cũng sử dụng nhiều loại ống phóng khác nhau, gồm 32 ống cỡ nhỏ, 12 cỡ trung, 20 ống cỡ lớn và 10 ống rất lớn. Thiết kế này phức tạp hơn nhiều so với một loại ống phóng thống nhất như Mark 41 của Mỹ, nhưng có thể giúp tối ưu hóa số lượng và chủng loại tên lửa mang theo.
Lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu trong lễ hạ thủy tàu khu trục lớp Choe Hyon hôm 25/4. Ảnh: KCNA
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên gần đây gia tăng khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh thử vũ khí và đưa ra các thông điệp răn đe, còn Hàn Quốc cũng tăng cường tập trận chung với đồng minh Mỹ. Bình Nhưỡng gọi các cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul là "diễn tập chuẩn bị xâm lược Triều Tiên".
Ông Kim hồi tháng 3 kiểm tra dự án chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nội địa, khẳng định tăng cường triệt để sức mạnh hải quân là một phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Triều Tiên, đồng thời yêu cầu hiện đại hóa lực lượng hải quân trên mặt nước và dưới lòng biển.
Triều Tiên khẳng định chương trình hạt nhân tại nước này là "quyền tự quyết chính đáng" và các nước khác không thể can thiệp, nhấn mạnh họ đã trở thành quốc gia hạt nhân và điều này đã được ghi vào hiến pháp.
Triều Tiên có động thái mới sau khi Bình Nhưỡng và Moscow cùng lên tiếng xác nhận việc Triều Tiên gửi quân tới Nga để...