Thế giới 24h: 2 nhân viên Đại sứ quán Israel bị bắn chết trên đất Mỹ
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ xác nhận 2 nhân viên Đại sứ quán Israel bị bắn chết bên ngoài một bảo tàng ở gần văn phòng FBI và văn phòng công tố viên liên bang Mỹ.
Lực lượng chức năng điều tra tại hiện trường vụ nổ súng khiến 2 nhân viên Đại sứ quán Israel ở Mỹ thiệt mạng tối 21/5/2025. Ảnh: NBC4 Washington
Nhân viên đại sứ quán Israel bị bắn chết, giới chức Mỹ lên tiếng
Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, 2 nhân viên Đại sứ quán Israel (một nam, một nữ) đã thiệt mạng trong một vụ nổ súng xảy ra bên ngoài Bảo tàng Do Thái - gần một văn phòng của FBI và văn phòng Công tố viên Liên bang Mỹ - ở thủ đô Washington D.C. vào tối 21/5 (giờ Mỹ).
“Hai nhân viên của Đại sứ quán Israel đã bị sát hại vào tối nay gần Bảo tàng Do Thái ở Washington D.C.”, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem viết trên mạng xã hội X.
Theo các nguồn tin của NBC News, khi bị bắt giữ, nghi phạm hét lớn "Giải phóng Palestine".
Giám đốc FBI Kash Patel cho biết ông và các cộng sự đã được báo cáo về vụ việc.
“Chúng tôi đang phối hợp với Sở Cảnh sát thủ đô để điều tra vụ việc. Trước mắt, xin hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ", ông Patel viết trên mạng xã hội X.
Ông Danny Danon, Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, gọi vụ việc là “hành động khủng bố bài Do Thái tàn bạo”.
“Tấn công các nhà ngoại giao và cộng đồng Do Thái là vượt qua lằn ranh đỏ", ông Danon nhấn mạnh. “Chúng tôi tin rằng giới chức Mỹ sẽ có hành động mạnh mẽ để truy cứu trách nhiệm những kẻ đứng sau tội ác này".
Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi và Công tố viên Liên bang đặc trách Đặc khu Columbia Jeanine Pirro đã có mặt tại hiện trường vụ nổ súng. Danh tính nghi phạm chưa được công bố, tính đến trưa 22/5 (giờ Việt Nam).
Nga: Bảo vệ đội tàu trên Biển Baltic bằng mọi cách
Điện Kremlin hôm 21/5 cho biết, Nga sẽ bảo vệ các tàu của nước này trên Biển Baltic bằng mọi biện pháp, và nỗ lực bất thành của Estonia trong việc bắt giữ một tàu chở dầu Nga mới đây là một ví dụ.
Hôm 15/5, Nga điều một chiến đấu cơ Su-35S vào không phận NATO trên Biển Baltic để ngăn giới chức Estonia bắt giữ một tàu chở dầu được cho là thuộc “hạm đội bóng tối” của Moscow. Nga cáo buộc Estonia hành động như “cướp biển” khi tìm cách chặn bắt tàu chở dầu có thủy thủ đoàn Nga.
3 ngày sau, Nga bắt giữ một tàu chở dầu của Hy Lạp sau khi tàu này rời cảng Sillamae (Estonia).
Bình luận về các vụ bắt giữ tàu chở dầu gần đây trên Biển Baltic, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – hôm 21/5 nói:
“Những sự kiện gần đây, liên quan tới vụ cướp biển nhằm vào một trong những tàu chở dầu Nga đã cho thấy chúng tôi sẽ đáp trả một cách khá mạnh tay”.
Ông Peskov cho biết, Nga sẵn sàng sử dụng “mọi biện pháp” sẵn có để ứng phó với những sự cố tương tự trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Và thực tế là Nga có nhiều lựa chọn để hành động.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova – cũng cáo buộc một số nước thành viên NATO đang hành động hung hăng trên Biển Baltic, cản trở quyền tự do hàng hải của Nga.
Vụ đánh bom nghiêm trọng ở Pakistan
Xe bus chở học sinh hư hại nặng trong vụ đánh bom ở Pakistan (ảnh: Alamy)
Hôm 21/5, Thủ hiến bang Balochistan – ông Sarfraz Bugti – cho biết, ít nhất 6 người, trong đó có 4 trẻ em, thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào xe bus chở học sinh đến trường ở thành phố Khuzdar (tây nam Pakistan).
Ông Yasir Iqbal Dashti – quan chức chính quyền ở Khuzdar – cho biết thêm rằng có ít nhất 38 người khác bị thương.
“Chiếc xe bus đưa đón học sinh thuộc trường Công lập Quân đội bị tấn công vào buổi sáng”, ông Dashti nói.
Cảnh sát Pakistan cho biết, kẻ tấn công lao xe vào xe bus, sau đó kích nổ thiết bị tự chế. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy đây là một vụ đánh bom tự sát.
Theo ông Dashti, vào thời điểm bị tấn công, trên xe chở 46 học sinh.
Chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom xe bus ở Khuzdar. Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 21/5, quân đội Pakistan cáo buộc “các lực lượng khủng bố ủy nhiệm của Ấn Độ” có liên quan tới vụ tấn công. Quân đội Pakistan chưa đưa ra bằng chứng về cáo buộc này.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif hôm 21/5 cũng “lên án mạnh mẽ” vụ đánh bom của những kẻ khủng bố “hoạt động dưới sự hậu thuẫn của Ấn Độ”.
Chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ những “cáo buộc vô căn cứ” từ phía Pakistan, theo Al Jazeera.
Vụ việc ở Khuzdar có nguy cơ thổi bùng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sau lệnh ngừng bắn được duy trì từ ngày 10/5. Trước đó, rạng sáng ngày 7/5, Ấn Độ phóng một loạt tên lửa vào các mục tiêu quân sự của Pakistan. Để đáp trả, Pakistan tấn công Ấn Độ bằng pháo, tên lửa và UAV. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc đụng độ khiến hàng chục người thiệt mạng.
4 UAV nhắm mục tiêu vào Moscow
3 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine bị bắn hạ gần thủ đô Nga hôm 21/5, thị trưởng thành phố Moscow – ông Sergey Sobyanin – thông báo, lưu ý rằng lực lượng cứu hộ đã có mặt ở hiện trường, nơi UAV rơi xuống.
Tường nhà bị xuyên thủng trong vụ UAV tập kích Moscow hồi tháng 3 (ảnh: Reuters)
Sau đó, ông Sobyanin thông báo trên mạng xã hội Telegram rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ chiếc UAV thứ 4 ở vùng Moscow.
Theo RT, hôm 21/5, hai sân bay ở Moscow là Domodedovo và Zhukovsky đã tạm dừng cho máy bay cất cánh/hạ cánh vì lý do an ninh. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng ở sân bay Sheremetyevo.
Giới chức Nga cho biết, 2 trong số các UAV nhắm mục tiêu vào Moscow bị bắn hạ ở quận Domodedovo (phía nam thành phố). Một chiếc khác bị phá hủy ở quận Orekhovo Zuevo (phía đông Moscow).
Ông Ruslan Zagolovatsky – quan chức Moscow – cho biết, không có thiệt hại về tài sản và thương vong về người trong vụ UAV tập kích.
Cùng ngày 21/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 127 UAV của Ukraine ở nhiều khu vực khác nhau trong đêm.
Andrii Portnov – trợ lý cấp cao của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych – bị bắn chết bên ngoài một trường học ở...