Ảnh vệ tinh hé lộ cận cảnh hư hại của tàu chiến Triều Tiên khiến ông Kim Jong Un nổi giận
Một sự cố nghiêm trọng trong buổi hạ thủy tàu chiến mới của Triều Tiên, diễn ra ngay trước mắt ông Kim Jong Un, đã khiến nhà lãnh đạo nước này nổi giận. Ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy con tàu nằm nghiêng bên cầu cảng tại thành phố Chongjin, với bạt xanh phủ lên để tránh sự thăm dò của vệ tinh.
Triều Tiên phủ bạt che hư hại của tàu chiến hạ thủy. Phần mũi tàu vẫn còn nằm trên bệ trượt, trong khi phần đuôi đã rơi xuống nước. Ảnh: TWZ.
Đây là tàu khu trục thứ hai thuộc lớp tàu mới của Triều Tiên, sau tàu Choe Hyon được hạ thủy vào tháng trước tại cảng Nampo. Tàu mới chưa được đặt tên chính thức, nhưng có lượng giãn nước khoảng 5.000 tấn — lớn nhất trong hải quân Triều Tiên hiện nay, theo trang The War Zone (TWZ) của Mỹ.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 20/5, trước lễ hạ thủy, cho thấy con tàu vẫn ở trên đất liền. Ảnh: Planet Labs.
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, sự cố xảy ra do lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành: “Do chỉ huy thiếu kinh nghiệm và vận hành bất cẩn, chuyển động song song của hệ thống trượt không được đảm bảo, dẫn tới phần đuôi tàu rơi xuống trước và làm tàu bị lật”. Sự cố cũng gây hư hại cấu trúc thân tàu, khiến phần mũi không thể tách khỏi khung đỡ.
Đáng chú ý, Bình Nhưỡng hiếm khi xác nhận công khai các tai nạn quân sự, nhưng lần này đã nhanh chóng thừa nhận. TWZ nhận định động thái này có thể nhằm kiểm soát luồng thông tin khi ảnh vệ tinh lan truyền.
Ông Kim Jong Un đã chỉ trích mạnh mẽ sự cố này, gọi đó là “tai nạn nghiêm trọng và hành vi tội phạm do sự cẩu thả tuyệt đối, vô trách nhiệm… không thể dung thứ”. Ông yêu cầu xử lý các cá nhân liên quan trong cuộc họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 6, đồng thời yêu cầu khẩn trương sửa chữa con tàu trước thời điểm đó.
Triều Tiên đã hạ thủy tàu khu trục 5.000 tấn đầu tiên thuộc lớp Choe Hyon vào tháng trước. Ảnh: KCNA.
Theo TWZ, tàu khu trục Triều Tiên được hạ thủy bằng kỹ thuật "thả ngang". Dù có tính kỹ thuật cao và thường được dùng ở những khu vực không đủ không gian để thả tàu theo hướng đuôi, phương pháp này phức tạp hơn và đòi hỏi tính toán chính xác trọng lực dọc theo thân tàu.
Trước sự cố này, đã có dấu hiệu cho thấy chương trình đóng tàu được đẩy nhanh và có thể bỏ qua một số bước kiểm tra kỹ thuật. Tàu Choe Hyon – chiếc đầu tiên hạ thủy vào tháng 4 – được cho là đã bắn thử vũ khí ngay sau khi đưa vào hoạt động dù chưa hoàn thiện hệ thống động lực.
Ảnh vệ tinh chụp ở bến cảng Triều Tiên sau khi sự cố xảy ra. ẢNh: CSIS/Airbus.
Dù vậy, việc Triều Tiên có thể đóng cùng lúc hai tàu chiến lớn ở hai đầu đất nước là điều đáng chú ý, cho thấy tham vọng lớn của Bình Nhưỡng trong việc hiện đại hóa lực lượng hải quân. Tuy nhiên, cách làm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do chưa kiểm chứng đầy đủ thiết kế.
Triều Tiên phóng một loạt tên lửa hành trình ra vùng biển phía đông, một ngày sau vụ tàu khu trục mới của nước này gặp...