Chia sẻ

Bẫy tử thần từ những viên thuốc giảm cân 'thần thánh'

Sự kiện: Sống khỏe
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhiều sản phẩm giảm cân dưới dạng collagen, trà, cà phê, kẹo gôm, thạch được quảng cáo giúp "đốt mỡ thần tốc", nhưng không rõ nguồn gốc, nguy cơ chứa chất cấm, có thể gây suy đa tạng.

Tháng 3/2025, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận một phụ nữ 25 tuổi trong tình trạng hôn mê, tổn thương não nặng sau khi sử dụng sản phẩm giảm cân mua trên mạng. Sau xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc sibutramine, một hoạt chất từng dùng điều trị béo phì nhưng đã bị cấm vì nguy cơ gây đột quỵ, ngộ độc và bệnh lý tim mạch nghiêm trọng.

Bệnh nhân kể mua thuốc giảm cân này trên Tiktok, sử dụng liên tục hơn một tháng, giảm được 4-5 kg nhưng sản phẩm hoàn toàn không có nhãn tiếng Việt, quảng cáo bằng những lời hứa "7 ngày giảm 7 kg".

Theo ghi nhận, nhiều nhóm trên mạng xã hội với hàng trăm nghìn thành viên, đăng nhiều thông tin về các loại trà thảo mộc dạng viên, chiết xuất từ lá sen, chè vằng, tinh bưởi, linh chi... hoặc thuốc giảm cân, kẹo hủy mỡ, kem tan ủ tiêu mỡ. Sản phẩm được quảng cáo "100% thành phần từ thảo dược thiên nhiên, không tác dụng phụ, giúp giảm cân nhanh, không gây mệt mỏi". Hỏi về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hầu hết người bán trả lời chung chung "nhập khẩu từ nước ngoài", không đưa ra giấy tờ chứng minh.

Không ít sản phẩm trong số này còn được các ngôi sao, hot girl quảng cáo rầm rộ. Ngày 26/5, Cục An toàn Thực phẩm yêu cầu ngành y tế TP HCM và Hà Nội kiểm tra các sản phẩm "kẹo táo thải mỡ bụng", "N-collagen Chanh plus" của công ty TNHH Xuất nhập khẩu N-Collagen, sau khi phát hiện những sản phẩm này chưa từng được cấp phép lưu hành hoặc xác nhận nội dung quảng cáo. Trước đó một ngày, các sản phẩm giảm cân do DJ Ngân 98 quảng cáo như X1000, Super Detox X3, X7 Plus cũng bị kiểm tra. Hệ thống rà soát dữ liệu dịch vụ công cho thấy chỉ duy nhất X7 Plus từng thực hiện công bố sản phẩm nhưng cũng chưa được giới chức xác nhận nội dung quảng cáo.

Viên uống giảm cân được một cô gái mua qua mạng, sau khi uống bị suy nhược cơ thể, men gan tăng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Viên uống giảm cân được một cô gái mua qua mạng, sau khi uống bị suy nhược cơ thể, men gan tăng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cảnh báo phần lớn thuốc giảm cân bán trên mạng chứa nhiều thành phần tân dược bị che giấu, không công khai, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng.

Sibutramine, từng phổ biến trong các loại thực phẩm bổ sung ở Mỹ, là tác nhân gây cảm giác no, chán ăn nhờ tác động lên hệ thần kinh trung ương, nhưng bị loại khỏi thị trường từ năm 1997 sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thống kê tỷ lệ biến chứng tim mạch tăng đột biến ở người dùng.

Caffeine, green tea extract hay chiết xuất trà xanh cũng được quảng cáo đốt mỡ. Dù caffeine giúp cơ thể tỉnh táo, thúc đẩy trao đổi chất, nhưng nếu lạm dụng dễ gây tăng nhịp tim, lo âu, rối loạn giấc ngủ. Green tea extract cung cấp chất chống oxy hóa, hỗ trợ quá trình đốt mỡ nhưng chỉ khi kết hợp chặt chẽ cùng ăn uống và vận động, hiệu quả trên thực tế không quá nổi trội.

Các hoạt chất garcinia cambogia (chiết xuất quả họ măng cụt, hình bí ngô nhỏ màu xanh) và raspberry ketones (ketone mâm xôi) thường được gắn mác "giảm cơn thèm ăn", "ức chế hấp thụ mỡ" nhưng bằng chứng khoa học còn đang tranh cãi. Một khảo sát của NIH (Viện Y tế Quốc gia Mỹ) năm 2021 chỉ ra, phần lớn lợi ích giảm cân từ các hợp chất này chưa được xác thực rõ ràng qua các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng.

Nhiều sản phẩm còn chứa hydroxycut – một hỗn hợp caffeine, chiết xuất thảo dược, từng bị FDA yêu cầu thu hồi một số phiên bản vì gây hại gan. Orlistat, một chất ức chế hấp thu mỡ được cấp phép, cũng có mặt ở một số viên uống "xách tay", có thể gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng nếu dùng không đúng chỉ dẫn.

Cùng quan điểm, huấn luyện viên sức khỏe Phan Thái Tân, cho biết những lời quảng cáo "Đốt mỡ thần tốc", "giảm 3-5 kg chỉ sau vài ngày", "tan mỡ không cần tập luyện"... thường đồng nghĩa với việc sản phẩm có chất kích thích, lợi tiểu hoặc dược chất cấm như sibutramine, phenolphthalein – đều đã bị FDA và Bộ Y tế Việt Nam cảnh báo vì tác động nguy hiểm đến tim mạch, gan, hệ thần kinh.

Cơ chế thường gặp là gây lợi tiểu liên tục, giảm hấp thụ thức ăn, ức chế cảm giác đói, làm giảm lượng chất béo và tinh bột hấp thu vào cơ thể. Tuy nhiên, không ít người dùng đối mặt các biến chứng như viêm gan, suy gan cấp, mất nước, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nội tiết thậm chí tử vong do biến chứng nặng.

Nhiều sản phẩm "giả dạng" thực phẩm chức năng đẹp da, collagen, tảo xoắn, cũng bị pha trộn chất kích thích, lợi tiểu hoặc phụ gia tác dụng đến hệ thần kinh. Đặc biệt, việc giảm cân cấp tốc ở nữ giới còn kéo theo hàng loạt hệ lụy như rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, suy giảm sức khỏe tâm thần, teo nhỏ dạ dày, nguy cơ hình thành chứng biếng ăn mạn tính.

Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí British Medical Journal năm 2020 ghi nhận, giảm cân quá nhanh có thể làm rối loạn chuyển hóa và gây tổn thương gan ở 17% trường hợp sử dụng các sản phẩm giảm cân không kiểm soát.

Những dấu hiệu nhận biết sản phẩm giảm cân không an toàn bao gồm: không có số công bố hợp pháp, quảng cáo chủ yếu trên mạng xã hội qua cá nhân, người nổi tiếng mà không dẫn chứng khoa học, bao bì không rõ nơi sản xuất, thường ghép tiếng Hàn – Nhật – Anh nhưng không công khai đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý.

Thực tế, không có phương thuốc nào có thể thay thế cho chế độ dinh dưỡng cân bằng và lối sống khoa học trong kiểm soát cân nặng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, giảm cân an toàn cần tiến hành từng bước, tối đa 0,5-1 kg/tuần, trung bình giảm 8-10% trọng lượng cơ thể sau 6 tháng. Đây là mức giảm giúp duy trì sức khỏe tổng thể, hạn chế nguy cơ tăng cân trở lại.

Cốt lõi của giảm cân bền vững là kiểm soát chặt chẽ năng lượng nạp vào – tiêu hao. Nghĩa là lượng calo tiêu thụ phải lớn hơn calo hấp thụ, đồng thời cân đối ba nhóm chất – đạm, béo, tinh bột. Uống đủ nước, tránh ăn vặt tùy tiện, hạn chế thức ăn giàu chất béo, đường là yếu tố then chốt. Tập thể dục góp phần tăng tốc độ đốt mỡ, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và tinh thần.

Ngoài ra, trạng thái tâm lý cũng ảnh hưởng lớn đến kiểm soát cân nặng. Một nghiên cứu của Harvard năm 2022 chỉ ra, việc duy trì tinh thần tích cực có thể tăng khả năng giảm cân thành công lên 28%. Những kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, yoga, hoặc hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp rất hữu ích trong giảm cân lâu dài.

Với người mắc béo phì nguy cơ, can thiệp y tế – điều trị dinh dưỡng, sử dụng thuốc kê đơn hoặc thậm chí phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày, chỉ nên áp dụng dưới giám sát chặt chẽ của chuyên gia.

Người phụ nữ 21 tuổi rơi vào tình trạng bất tỉnh, tổn thương não nặng do uống thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân không...

Theo Thúy Quỳnh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Sống khỏe

Xem Thêm