Vì sao Mỹ đang mất dần vị thế vào tay Trung Quốc và khối Vùng Vịnh?
Chính sách bảo hộ mậu dịch và sự bất ổn kinh tế đang khiến Mỹ dần mất vai trò trung tâm trong mạng lưới thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc, EU, các quốc gia Trung Đông và nhiều nền kinh tế mới nổi đang tăng cường hợp tác khu vực, định hình một trật tự thương mại mới, ít phụ thuộc vào Mỹ hơn bao giờ hết.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo xuất khẩu của khu vực Bắc Mỹ sẽ giảm 12,6% trong năm 2025, một phần do căng thẳng thương mại leo thang, điển hình là mức thuế 145% Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến mức thuế trung bình thực tế của Mỹ vọt lên 22,5% – cao nhất từ năm 1909 đến nay.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày và hạ mức thuế xuống 10%, những bất đồng cốt lõi về sở hữu trí tuệ, trợ cấp nhà nước và chính sách tỷ giá vẫn chưa được giải quyết. Đáng lo hơn, xung đột giữa hai nước đã lan sang các lĩnh vực như công nghệ, an ninh quốc gia và tài nguyên khoáng sản chiến lược.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2025 xuống còn 1,8%, thấp hơn mức 2,7% trước đó – phản ánh cú sốc nguồn cung và sự cạnh tranh suy giảm. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giảm từ 418 tỷ USD (2018) xuống còn 295 tỷ USD (2024), chủ yếu vì chuỗi cung ứng chuyển hướng sang ASEAN và Mexico, làm giảm ảnh hưởng trực tiếp của Mỹ trong quan hệ thương mại toàn cầu.
Việc Mỹ rút lui khỏi các cơ chế đa phương như WTO hay đàm phán thương mại điện tử tiếp tục làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu về quy tắc thương mại.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã thu hẹp từ 418 tỷ đô la vào năm 2018 xuống còn 295 tỷ đô la vào năm 2024, chủ yếu là do hoạt động thương mại chuyển hướng sang các nền kinh tế ASEAN và Mexico.
Các doanh nghiệp Mỹ đang chịu tác động như thế nào?
Báo cáo của Goldman Sachs tháng 5/2025 cho thấy các nhà bán lẻ Mỹ đang chuẩn bị cho đợt giảm nhập khẩu mạnh từ 20–30% trong thời gian tới, cho thấy niềm tin vào vai trò tiêu dùng toàn cầu của Mỹ đang suy giảm.
Tình trạng bất định trong chính sách – từ bảo hộ thương mại đến các mức thuế khó lường – khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư mở rộng. Mỗi khi chỉ số bất ổn chính sách kinh tế (Economic Policy Uncertainty Index) tăng 100 điểm, tốc độ tăng chi tiêu đầu tư giảm 10%. Chỉ số này đã tăng từ 167 lên 455 chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng chi tiêu tiền mặt của các công ty thuộc S&P 500 xuống còn 5% (từ 11%). Cổ tức, mua lại cổ phiếu và các thương vụ sáp nhập bằng tiền mặt đều được dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, lãi suất dài hạn cao khiến các nhà đầu tư rút khỏi doanh nghiệp yếu tài chính, ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn thay vì đầu tư dài hạn.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng khu vực tư nhân Mỹ vẫn có thể phát triển tốt nếu các nhà làm chính sách đưa ra quy tắc rõ ràng và nhất quán.
Cán cân thương mại toàn cầu đang thay đổi
Trung Quốc – nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới – đã giảm tỷ trọng thương mại với Mỹ và EU gần 10 điểm phần trăm trong giai đoạn 2017–2024, cho thấy xu hướng chuyển hướng sang thị trường mới.
EU cũng đang tái cấu trúc thương mại: năm 2024, EU xuất khẩu 232 tỷ USD sang Trung Quốc nhưng nhập khẩu tới 564 tỷ USD, thâm hụt 332 tỷ USD. Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU, chiếm 21,3% hàng hóa từ ngoài khối.
Thỏa thuận thương mại giữa EU và Kenya trị giá 1,4 tỷ USD đã giúp EU vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi.
Tại Trung Đông, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư hơn 3 tỷ USD vào năng lượng và nước sạch tại Ả Rập Saudi. Ma-rốc nổi lên là điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn Trung Quốc tại khu vực MENA, với kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện trị giá 6,3 tỷ USD và nhiều khoản đầu tư lớn khác.
Ấn Độ cũng đang bứt phá, với tổng giá trị thương mại dự kiến đạt 1.800 tỷ USD vào năm 2033, trong khi thương mại với Mỹ hiện chỉ ở mức 116 tỷ USD. Quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và EU, ASEAN, châu Phi, Nhật Bản… được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới.
Mỹ có thể làm gì để lấy lại vị thế?
Dù xu hướng thương mại toàn cầu đang tái cấu trúc, các liên kết tài chính và an ninh giữa Mỹ với Trung Đông vẫn bền vững. Trong năm 2024, các quỹ đầu tư nhà nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã rót 10,2 tỷ USD vào công nghệ và bất động sản Mỹ.
UAE cam kết đầu tư 1.400 tỷ USD trong 10 năm tới vào Mỹ, tập trung vào AI, năng lượng, sản xuất và bán dẫn. Quỹ đầu tư ADQ của UAE cũng công bố dự án 25 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và trung tâm dữ liệu tại Mỹ. Emirates Global Aluminum dự kiến xây nhà máy luyện nhôm mới đầu tiên tại Mỹ trong 35 năm, gần như gấp đôi công suất sản xuất hiện tại của nước này.
Những khoản đầu tư này thể hiện niềm tin dài hạn của Trung Đông vào nền kinh tế Mỹ, dù vị thế thương mại toàn cầu đang bị lung lay.
Năm 2024, Mỹ đạt mức cao kỷ lục về doanh thu bán vũ khí và hỗ trợ an ninh với 117,9 tỷ USD, tăng gần 46% so với năm trước. Tổng số vụ bán vũ khí ra nước ngoài lên tới hơn 16.000, trị giá hơn 845 tỷ USD.
Ả Rập Saudi là khách hàng lớn, ký các gói hậu cần, huấn luyện và hệ thống vũ khí trị giá gần 4 tỷ USD. Tuần trước, Mỹ công bố gói vũ khí trị giá 142 tỷ USD với Saudi Arabia – lớn nhất lịch sử – bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và an ninh hàng hải.
Một loạt hợp đồng lớn khác cũng được ký kết: F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ (23 tỷ USD), F-15 cho Israel (18,8 tỷ USD), F-35 cho Romania (7,2 tỷ USD), tên lửa Patriot cho Đức (5 tỷ USD), máy bay tiếp nhiên liệu cho Nhật (4,1 tỷ USD), UAV cho Ấn Độ (4 tỷ USD).
Bất chấp biến động địa chính trị, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ vẫn giữ vai trò then chốt trong an ninh toàn cầu.
Theo chuyên gia Ryan Sweet (Oxford Economics), Mỹ vẫn giữ lợi thế trong xuất khẩu dịch vụ, du lịch và công nghệ. Tuy nhiên, nếu tiếp tục mở rộng cuộc chiến thương mại sang cả lĩnh vực dịch vụ, Mỹ sẽ dễ bị trả đũa và mất lợi thế nhanh chóng.
Một báo cáo tháng 3/2025 của Viện Công nghệ và Sáng tạo Mỹ (ITIF) cảnh báo rằng các chính sách lạc hậu đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh của Mỹ. Để tránh bị gạt khỏi cuộc chơi toàn cầu, Mỹ cần quay lại với các hiệp định thương mại đa phương và cập nhật tư duy chiến lược phù hợp với trật tự kinh tế mới.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang chào mời các thỏa thuận hấp dẫn cho khách hàng Mỹ, cam kết chịu toàn bộ chi phí thuế quan. Tuy nhiên, đằng sau đó là...
Nguồn: [Link nguồn]
-24/05/2025 03:52 AM (GMT+7)





