Tỷ phú hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, đối thủ “nặng ký” của Tesla mất 1,8 tỷ USD chỉ trong một ngày
Giá cổ phiếu lao dốc sau khi BYD công bố giảm giá mạnh nhiều mẫu xe khiến khối tài sản của ông Wang Chuanfu – Chủ tịch kiêm CEO BYD – bốc hơi 1,8 tỷ USD trong một ngày. Động thái này đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến giá khốc liệt trên thị trường xe điện Trung Quốc.
Ông Wang Chuanfu, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng xe điện BYD (Trung Quốc), đã mất tới 1,8 tỷ USD trong một ngày sau khi công ty công bố các chương trình giảm giá lên tới 34% cho một loạt mẫu xe giá rẻ. Theo ước tính của Forbes, tài sản của ông hiện còn khoảng 28,3 tỷ USD, phần lớn gắn liền với cổ phần tại BYD.
Ngay sau thông báo giảm giá được đưa ra vào thứ Sáu, cổ phiếu BYD đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần: giảm 9,2% trên sàn Hong Kong và 6,2% tại Thâm Quyến. Nhà đầu tư lo ngại rằng hành động này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến giá trong ngành xe điện, ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Việc giảm giá mạnh có thể khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về khả năng duy trì biên lợi nhuận và sức cạnh tranh dài hạn của BYD – đặc biệt trong bối cảnh công ty đang đặt mục tiêu giao 5,5 triệu xe vào năm 2025.
Wang Chuanfu, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành 59 tuổi của công ty, vẫn có khối tài sản trị giá 28,3 tỷ đô la chủ yếu dựa trên cổ phần của BYD.
BYD đã giảm giá loạt mẫu xe
BYD đã tuyên bố giảm giá cho 22 mẫu xe điện hoàn toàn và xe hybrid sạc điện từ nay đến hết tháng 6. Trong đó, mẫu Seal 07 DM-i, một chiếc sedan hybrid có tích hợp tính năng hỗ trợ lái, là mẫu xe được giảm giá mạnh nhất – lên tới 53.000 nhân dân tệ (tương đương 7.400 USD), tương đương 34%, xuống còn 102.800 nhân dân tệ.
Ngoài ra, mẫu Song Plus EV cũng được điều chỉnh giá, hiện bán với giá 117.800 nhân dân tệ, giảm hơn 20% so với giá trước đó.
Dù BYD đã từng sử dụng chiến lược giảm giá để kích cầu, đợt điều chỉnh lần này đặc biệt khiến thị trường hoang mang bởi quy mô và mức độ cắt giảm sâu hơn bình thường, cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Theo các chuyên gia phân tích, quyết định giảm giá sâu lần này cho thấy BYD đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc giữ vững thị phần. Nhiều người lo ngại rằng đây có thể là bước khởi đầu cho một cuộc chiến giá mới trong ngành xe điện Trung Quốc, buộc các hãng khác cũng phải hạ giá để giữ khách hàng.
Ông Ke Yan, trưởng nhóm phân tích tại DZT Research (Singapore), nhận định rằng cổ phiếu BYD đã tăng hơn 60% trong năm nay tại Hong Kong, nên nhiều nhà đầu tư đang “chốt lời” để tránh rủi ro từ đợt giảm giá.
Trong khi đó, ông Yale Zhang, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Automotive Foresight (Thượng Hải), cho rằng BYD đang cố gắng thu hút người tiêu dùng nhạy cảm với giá bằng các chương trình ưu đãi mạnh, sau khi chiến lược thêm tính năng tự lái vào xe dưới 10.000 USD không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt có khiến các hãng xe khác phải “chạy đua theo”?
Nhiều chuyên gia tin rằng các đối thủ của BYD có thể sẽ buộc phải hạ giá để không bị mất thị phần. Lo ngại này lập tức phản ánh lên thị trường chứng khoán: cổ phiếu của hãng Geely Automobile giảm hơn 8% và Great Wall Motor mất hơn 5% giá trị chỉ trong một ngày.
Nếu xu hướng giảm giá lan rộng, biên lợi nhuận của toàn ngành sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này càng khiến giới đầu tư lo lắng, nhất là khi chi phí nguyên vật liệu và phát triển công nghệ vẫn chưa giảm đáng kể.
Thị trường xe điện Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cạnh tranh cực kỳ gay gắt, nơi mà giá bán có thể trở thành “vũ khí” chính để giành khách hàng – nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu không kiểm soát được lợi nhuận.
Một yếu tố làm tăng áp lực cho các hãng xe điện là lo ngại ngày càng tăng về độ an toàn của công nghệ lái xe thông minh. Gần đây, một vụ tai nạn chết người liên quan đến xe điện của Xiaomi đã gây chú ý, làm dấy lên câu hỏi về độ tin cậy của phần mềm tự lái – yếu tố vốn được các hãng coi là điểm nhấn cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, giảm giá trực tiếp lại trở thành biện pháp ngắn hạn dễ áp dụng nhất để đẩy mạnh doanh số, nhất là tại thị trường trong nước – nơi tiêu dùng đang phục hồi chậm.
Tuy nhiên, chiến lược này có thể khiến các công ty “hao hụt” về tài chính nếu không cân đối được chi phí. Với mục tiêu giao 5,5 triệu xe trong năm 2025, BYD có thể đang đi trên một sợi dây căng giữa tăng trưởng và lợi nhuận.
Tỷ phú Vương Truyền Phúc, Chủ tịch kiêm CEO của hãng xe điện Trung Quốc BYD, đã gia tăng khối tài sản của mình thêm 9,3...