Siêu xe Tesla Cybertruck, lạc đà thượng hạng và những cam kết nghìn tỷ USD: Vì sao các quốc gia vùng Vịnh "chi đậm" trong chuyến thăm của ông Trump?
Trong chuyến công du kéo dài 4 ngày, Tổng thống Donald Trump đã được chào đón bằng nghi thức hoành tráng tại 3 quốc gia vùng Vịnh: Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các lãnh đạo Trung Đông không chỉ tung hô ông Trump với lễ nghi xa hoa, mà còn cam kết những khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD để củng cố quan hệ chiến lược với Mỹ.
Trong lần trở lại Trung Đông trên cương vị Tổng thống Mỹ lần thứ 47, ông Donald Trump đã nhận được sự tiếp đón đặc biệt từ các lãnh đạo vùng Vịnh. Tại Riyadh, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đích thân ra tận sân bay để chào đón ông – điều hiếm thấy trong nghi lễ ngoại giao của hoàng gia. Còn ở Doha (Qatar), đoàn xe của ông Trump được hộ tống bởi đội hình siêu xe Tesla Cybertruck và kỵ sĩ cưỡi ngựa.
Xe Tesla Cyber Truck của cảnh sát Qatar hộ tống đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ Sân bay quốc tế Hamad về Cung điện Hoàng gia ở Doha vào ngày 14/5/2025.
Tại Abu Dhabi, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed đã trao tặng ông Trump Huân chương Zayed – phần thưởng dân sự cao quý nhất của nước này. Chưa hết, Qatar còn tổ chức một cuộc diễu hành bằng lạc đà để chào mừng ông trước dinh tổng thống. Đáp lại, ông Trump không tiếc lời khen tặng về kiến trúc cung điện và “đàn lạc đà đẹp nhất từng thấy”.
Đội danh dự ngồi trên lưng lạc đà bên cạnh cờ Hoa Kỳ và Qatar trước quốc yến tại Cung điện Lusail do Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani chủ trì trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại Lusail, Qatar, ngày 14/5/2025.
Không khí lễ hội thể hiện nỗ lực của các quốc gia dầu mỏ trong việc thể hiện thiện chí với Mỹ – một đối tác then chốt về kinh tế, quốc phòng và công nghệ.
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan (phải) chào đón người đồng cấp Hoa Kỳ Donald Trump khi đến nhà ga tổng thống ở Abu Dhabi vào ngày 15/5/2025.
Những cam kết đầu tư giữa Mỹ và các nước vùng Vịnh
Các thỏa thuận kinh tế được công bố trong chuyến thăm mang tính biểu tượng cao, với con số khiến nhiều người sửng sốt. Qatar và Mỹ đạt thỏa thuận trao đổi kinh tế trị giá 1.200 tỷ USD, trong khi Saudi Arabia cam kết đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ. UAE cũng ký kết các dự án quan trọng, sau khi đã thông qua kế hoạch đầu tư trị giá 1.400 tỷ USD trong 10 năm vào tháng 3.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của các con số này, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu sụt giảm khiến nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu thô bị ảnh hưởng. Một số thỏa thuận như đơn hàng 210 máy bay Boeing của Qatar hay thương vụ vũ khí trị giá 142 tỷ USD giữa Mỹ và Saudi Arabia – lớn nhất lịch sử – có thể mất hàng thập kỷ để hoàn thành.
Dù vậy, thông điệp mà các quốc gia vùng Vịnh muốn gửi đi rất rõ ràng: họ muốn đi đầu trong việc hợp tác toàn diện với Mỹ – từ thương mại, quốc phòng đến công nghệ.
Chuyến đi của ông Trump cũng phản ánh một xu hướng ngày càng rõ nét: cá nhân hóa quan hệ địa chính trị. Các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tỏ ra thoải mái và thân thiết khi tiếp đón ông Trump, khác hẳn không khí căng thẳng trong các cuộc gặp trước đây với chính quyền Biden.
Tại Saudi Arabia, ông Trump và Thái tử Mohammed bin Salman ca ngợi lẫn nhau trong hội nghị đầu tư Mỹ - Saudi, quy tụ nhiều CEO hàng đầu như Elon Musk (Tesla), Jensen Huang (Nvidia) hay Larry Fink (BlackRock). Ở UAE, Tổng thống Mohammed bin Zayed cũng nhấn mạnh tình bạn cá nhân và quan hệ đồng minh hơn 50 năm giữa hai nước.
Không chỉ dừng ở lời nói, mà còn thể hiện qua những nghi thức xa hoa, thể hiện lòng mến khách cũng như mong muốn tăng cường vị thế chiến lược.
Việc Mỹ - UAE hợp tác về công nghệ có ý nghĩa gì?
UAE đang gặt hái những lợi ích rõ ràng từ việc thân thiết hơn với ông Trump. Mới đây, truyền thông tiết lộ Mỹ đã đạt thỏa thuận sơ bộ cho phép UAE nhập khẩu 500.000 chip H100 mỗi năm từ Nvidia – dòng chip AI tiên tiến nhất của Mỹ. Điều này giúp UAE tăng tốc phát triển các trung tâm dữ liệu, phục vụ tham vọng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của khu vực.
Việc tiếp cận công nghệ Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia vùng Vịnh. Với sự hỗ trợ của chính quyền thân thiện như ông Trump, họ kỳ vọng sẽ vượt lên trong cuộc đua toàn cầu về AI, dữ liệu và quốc phòng công nghệ cao.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng các khoản đầu tư “tầm vũ trụ” này có thể dẫn tới tình trạng dư thừa nếu không tính toán hợp lý về nhu cầu thực tế.
Liệu những lời hứa đầu tư có thành hiện thực?
Nhiều cam kết được công bố trong chuyến đi mang tính biểu tượng cao, nhưng khả năng thực thi vẫn là dấu hỏi lớn. Chuyên gia Taufiq Rahim nhận định rằng việc các nước vùng Vịnh chạy đua để “nổi bật nhất” có thể dẫn tới việc đầu tư quá mức so với nhu cầu – đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng dữ liệu.
Tuy vậy, theo ông Tarik Solomon (Phòng Thương mại Mỹ tại Saudi Arabia), trong môi trường như Trung Đông, việc thể hiện tham vọng công khai đã là một phần quan trọng trong chiến lược. “Dù chỉ có 50% hiện thực hóa, thì cũng đủ để tạo ảnh hưởng đáng kể,” ông nói.
Sự kiện này nhấn mạnh rằng, trong thời đại của hình ảnh và truyền thông, việc phô trương vẫn là một công cụ quyền lực trong chính trị quốc tế.
Với chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến ba quốc gia vùng Vịnh giàu có – Saudi...