Trẻ không được mẹ chăm sóc đầy đủ từ nhỏ, lớn lên dễ mắc 3 vấn đề tâm lý sau
Sự hiện diện ấm áp, kiên nhẫn và đầy thấu hiểu của người mẹ chính là liều “vaccine tinh thần” quý giá nhất cho sự trưởng thành của con.
Trong những năm đầu đời, tình cảm và sự chăm sóc từ người mẹ không chỉ đóng vai trò nuôi dưỡng thể chất mà còn là nền tảng hình thành nhân cách, cảm xúc và khả năng thích nghi xã hội của trẻ. Nhiều nghiên cứu trong tâm lý học phát triển đã chỉ ra rằng, trẻ em thiếu vắng sự chăm sóc đầy đủ và nhất quán từ mẹ trong giai đoạn 0–6 tuổi có xu hướng đối mặt với các vấn đề tâm lý và hành vi kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Dưới đây là 3 vấn đề phổ biến mà trẻ có thể gặp phải nếu không nhận được sự đồng hành tinh thần đúng nghĩa từ mẹ trong những năm tháng đầu đời:
1. Cảm giác mất kết nối với bản thân
Trẻ thiếu sự quan tâm về mặt cảm xúc thường lớn lên trong trạng thái không hiểu rõ bản thân muốn gì, dễ bị tác động bởi kỳ vọng của người khác và có xu hướng sống “để vừa lòng người ngoài”.
Trong tâm lý học, trạng thái này được gọi là giả bản ngã, tức trẻ phải đeo “mặt nạ” để được công nhận, nhưng bên trong lại cảm thấy trống rỗng và không có cảm giác thuộc về. Khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy thường khó đưa ra lựa chọn cá nhân, thiếu định hướng sống rõ ràng, và dễ bị khủng hoảng bản thân.
Ảnh minh họa.
2. Ngại giao tiếp, khó hoà nhập
Trẻ em không nhận được sự hỗ trợ tinh thần đúng cách từ mẹ có thể phát triển hai kiểu hành vi xã hội trái ngược nhau. Thứ nhất, trẻ có thể trở nên quá phụ thuộc, sợ hãi bị bỏ rơi và không dám tách rời khỏi người thân. Thứ hai, trẻ có thể thu mình lại, tránh né các kết nối xã hội, luôn cảm thấy bất an hoặc sợ hãi khi phải tương tác với người lạ.
Cả hai kiểu này đều có thể dẫn tới rối loạn lo âu xã hội, làm trẻ khó hòa nhập trường lớp, kém linh hoạt trong môi trường tập thể và mất tự tin trong giao tiếp.
3. Thiếu khả năng thấu cảm
Một số trẻ thiếu chăm sóc tình cảm từ mẹ có thể phát triển cơ chế tự bảo vệ bằng cách “tắt kết nối cảm xúc”. Trẻ sẽ không dễ biểu lộ cảm xúc, không hiểu được cảm xúc người khác và dễ bị hiểu nhầm là vô cảm hoặc thờ ơ.
Về lâu dài, điều này ảnh hưởng đến kỹ năng xây dựng mối quan hệ, khả năng làm việc nhóm và sự phát triển đạo đức xã hội. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì quan hệ bạn bè, học cách xin lỗi, tha thứ hoặc hợp tác trong học tập.
Cha mẹ cần làm gì?
Không ai là người hoàn hảo, và cũng không ai có thể làm cha mẹ mà không mắc sai lầm. Tuy nhiên, những hành động nhỏ nhưng bền bỉ từ cha mẹ, đặc biệt là mẹ trong những năm đầu đời sẽ tạo nên sự khác biệt lớn.
Gợi ý một số cách chăm sóc và đồng hành tinh thần với con:
- Lắng nghe con mỗi ngày, không chỉ hỏi “hôm nay học gì?” mà là “con cảm thấy thế nào?”.
- Đặt giới hạn với tình yêu thương, dạy con phân biệt đúng sai nhưng không quát tháo, lạnh nhạt.
- Dành thời gian cho con một cách chất lượng, không chỉ là có mặt, mà là có sự kết nối.
- Giúp con gọi tên cảm xúc, thừa nhận cảm xúc thay vì phán xét: “Mẹ hiểu con đang buồn, có gì mẹ giúp được không?”
Tóm lại, một đứa trẻ không được chăm sóc tinh thần đầy đủ từ mẹ không có nghĩa là sẽ “hỏng” mãi mãi. Nhưng nếu cha mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của giai đoạn 0–6 tuổi, và chủ động đồng hành, bồi đắp lại bằng tình thương đúng cách, trẻ hoàn toàn có thể phát triển lành mạnh và tự tin.
Sự nuông chiều hay kiểm soát quá mức của người mẹ không phải là tình yêu thương, mà là những cạm bẫy có thể làm hỏng sự...